Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chính sách thị thực linh hoạt góp phần thu hút khách quốc tế đến Việt Nam

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và nhu cầu du lịch tăng cao, để ngành du lịch phát triển xứng tầm, Việt Nam cần có chính sách thị thực cởi mở, linh hoạt và thân thiện hơn.

Báo Bình PhướcBáo Bình Phước20/05/2025

Du khách quốc tế tham quan hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng về du lịch, có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Mở rộng chính sách cấp thị thực (visa) là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam xây dựng hình ảnh một điểm đến an toàn, thân thiện và sẵn sàng đón khách quốc tế trong thời đại mới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và nhu cầu du lịch tăng cao, để ngành du lịch phát triển xứng tầm, Việt Nam cần có chính sách thị thực cởi mở, linh hoạt và thân thiện hơn.

Mở rộng chính sách thị thực

Ngày 7-3-2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP về việc miễn thị thực cho công dân của 12 quốc gia gồm: Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan. Chính sách này cho phép công dân các nước nêu trên được tạm trú 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu và mục đích nhập cảnh. Thời gian thực hiện chính sách kéo dài ba năm, từ ngày 15-3-2025 đến 14-3-2028 và sẽ được xem xét gia hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Trong Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025, ngày 15-1-2025, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về việc miễn thị thực với thời hạn tạm trú 45 ngày cho công dân Ba Lan, Cộng hòa Séc và Thụy Sỹ. Những động thái tích cực này đã đem lại tín hiệu tăng trưởng cho khách quốc tế đến Việt Nam. Theo thống kê từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã đón hơn 7,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2024.

Theo Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, chính sách thị thực đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thu hút du khách quốc tế. Tuy nhiên, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều chính sách liên quan để đảm bảo ngành du lịch Việt Nam có thể phát triển bền vững trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển.

Thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách thị thực mới như miễn visa, cấp thị thc điện tử với thủ tục đơn giản, thời gian lưu trú dài hơn, tạo thuận lợi cho du khách quốc tế đến Việt Nam. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cải tiến thủ tục xét duyệt visa, áp dụng các chính sách linh hoạt theo từng chương trình kích cầu du lịch và các sự kiện quốc tế như ngoại giao, thể thao, văn hóa.

Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, việc mở rộng chính sách miễn thị thực ngắn hạn nên được ưu tiên áp dụng với các thị trường tiềm năng, có đường bay thẳng tới Việt Nam, du khách có khả năng chi tiêu cao và nhu cầu lưu trú dài ngày. Đồng thời, cần có chính sách visa ưu tiên cho các đối tượng đặc thù trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch như vận động viên, huấn luyện viên, chuyên gia thể thao, đạo diễn, diễn viên, nhà làm phim, phóng viên quốc tế đến Việt Nam công tác hoặc tham gia các sự kiện. Tuy nhiên, việc mở rộng này cần được cân nhắc hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế - du lịch với nhiệm vụ đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp của Vịnh Hạ Long thu hút nhiều du khách tới tham quan, khám phá. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Thúc đẩy tăng trưởng du lịch

Việc áp dụng chính sách miễn visa được xem là một trong những chiến lược then chốt thúc đẩy tăng trưởng du lịch. Hiện nay, Thái Lan đang miễn thị thực cho 98 quốc gia, cho phép lưu trú 30-90 ngày; Malaysia miễn thị thực cho 165 quốc gia, lưu trú từ 30-90 ngày; Singapore miễn thị thực cho 163 quốc gia, lưu trú từ 30-90 ngày. Số lượng các quốc gia và số ngày được miễn visa của Việt Nam ít hơn nhiều so với một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Để đạt mục tiêu đón từ 22 đến 23 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025, Chính phủ đã quyết định đẩy mạnh chính sách thị thực linh hoạt, mà điển hình là việc miễn thị thực cho 12 quốc gia theo Nghị quyết số 44/NQ-CP. Đồng thời, Việt Nam đã triển khai thị thực điện tử (e-visa) cho công dân hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy vậy, so với các quốc gia láng giềng, chính sách visa của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là về thời gian lưu trú, phạm vi áp dụng và mức độ thuận tiện. Đây chính là “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ để du lịch Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực.

Theo nhận định của ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Vietravel, thị thực là “chìa khóa” đầu tiên để du khách quốc tế nhập cảnh. Do vậy, Việt Nam cần xem xét, học hỏi mô hình visa linh hoạt của các quốc gia trong khu vực như mở visa theo mùa, theo quốc tịch, theo từng đối tượng cụ thể như doanh nhân, nhà khoa học, đối tác công - tư, các mối quan hệ hợp tác song phương hoặc chiến lược.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Giám đốc Marketing Tập đoàn Vingroup cho biết, có thể triển khai mô hình visa có điều kiện, chẳng hạn như miễn thị thực cho du khách đăng ký tour trọn gói, lưu trú tại các cơ sở được cấp phép, có lịch trình rõ ràng và đi cùng các công ty lữ hành quốc tế uy tín. Ngoài ra, có thể thử nghiệm chính sách miễn visa theo mùa hoặc theo chiến dịch, để đo lường hiệu quả thực tế trước khi áp dụng trên diện rộng.

Bên cạnh đó, Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng chính sách miễn visa theo nhóm đối tượng đặc thù như khách du lịch hội thảo (MICE), khách du lịch y tế… Ví dụ, có thể cấp "thị thực vàng" với thời hạn từ 3-5 năm và cho phép nhập cảnh nhiều lần đối với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư. Đồng thời, cần nghiên cứu miễn thị thực cho những đối tượng có nhu cầu nhập cảnh thường xuyên như khách lưu trú tại khách sạn 4-5 sao, khách du lịch y tế, khách chơi golf hoặc tham gia các tour cao cấp được thiết kế riêng.

Để chính sách visa thực sự phát huy hiệu quả và tạo đà phát triển bền vững cho du lịch, Việt Nam cần song hành với việc cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cấp hạ tầng du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc. Bà Đào Thị Bích Hương, Tổng Giám đốc Công ty SeaGate Travel nhận định, chính sách visa mở cửa hơn sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm nhiều hội nghị, triển lãm, sự kiện quốc tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân và du khách tham gia các hoạt động này. Như vậy, không chỉ riêng ngành du lịch mà các ngành kinh tế khác cũng sẽ được hưởng lợi.

Visa chỉ là bước đầu. Thách thức lớn hơn chính là làm thế nào để giữ chân du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn và mong muốn quay lại Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam vẫn thiếu các sản phẩm du lịch độc đáo để duy trì sự thích thú của du khách trong nhiều ngày tại một điểm lưu trú. Ngoài ra, nhiều khu vực du lịch Việt Nam còn gặp hạn chế về hạ tầng, dịch vụ chưa đồng đều, ô nhiễm môi trường và công tác quản lý điểm đến còn yếu, nhất là vào mùa du lịch cao điểm.

Để ngành du lịch Việt Nam thực sự bứt phá và phát triển bền vững trong giai đoạn tới, mở rộng và cải thiện chính sách visa cần được coi là bước đi ưu tiên. Song song với việc tháo gỡ rào cản về thị thực, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng du lịch và hệ thống giao thông kết nối, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá điểm đến một cách chuyên nghiệp, đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Nâng cao chất lượng dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, bảo vệ môi trường và thúc đẩy du lịch xanh cũng là những yếu tố then chốt, giúp mang lại trải nghiệm trọn vẹn cho du khách. Khi các giải pháp được triển khai đồng bộ, chính sách visa không chỉ là “cánh cửa mở” đón khách quốc tế, mà còn trở thành động lực chiến lược đưa du lịch Việt Nam vươn lên tầm cao mới.

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/20/172988/chinh-sach-thi-thuc-linh-hoat-gop-phan-thu-hut-khach-quoc-te-den-viet-nam


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng
Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm