Trong cuộc trao đổi với báo Dân trí trước thềm VRDF 2025, ông Radjou đã có những phân tích về hiện trạng hệ sinh thái R&D tại Việt Nam, đồng thời gợi mở hướng đi thực tế cho các quốc gia đang phát triển, trong đó nổi bật là tư duy "sáng tạo tiết kiệm" (Jugaad Innovation) mà ông theo đuổi suốt hơn một thập kỷ qua.

Ông Navi Radjou - nhà tư tưởng đổi mới từ Thung lũng Silicon - sẽ chia sẻ tại VRDF 2025 về vai trò của R&D trong phát triển bền vững (Ảnh: NVCC).
Bức tranh toàn cảnh R&D của Việt Nam
Ông đánh giá như thế nào về bức tranh toàn cảnh R&D của Việt Nam hiện tại?
- Năm 2021, Việt Nam dành khoảng 0,42% GDP cho R&D, đây là con số tương đối khiêm tốn so với các nước láng giềng như Singapore (khoảng 1%), Thái Lan ( khoảng 1,2%) và còn cách xa các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản (khoảng 3,4%), Hàn Quốc (5%) hay Israel (6,3%).
Tuy vậy, tỷ lệ đầu tư R&D trên GDP chỉ phản ánh một khía cạnh trong hiệu suất đổi mới sáng tạo của một quốc gia. Điều quan trọng không kém là làm thế nào để đổi mới sáng tạo? Ai sẽ là người thực hiện R&D? Tại sao cần R&D? Đây chính là những yếu tố cơ bản tạo nên thành công trong đổi mới sáng tạo.
Về câu hỏi làm thế nào để đổi mới sáng tạo? Tôi có thể đưa ra hai ví dụ khác nhau. Tại Silicon Valley, các startup thường đầu tư mạnh vào những công cụ và quy trình R&D tốn kém để tạo ra các phát minh mới, cách tiếp cận này dựa trên nguyên tắc "muốn nhiều hơn thì phải chi nhiều hơn".
Ngược lại, ở Ấn Độ, các doanh nhân và trường đại học lại theo đuổi hướng đổi mới tiết kiệm, họ tìm ra các giải pháp đột phá dù nguồn lực rất hạn chế. Triết lý ở đây là "làm được nhiều hơn dù chỉ với ít hơn".

Tác giả khái niệm “đổi mới tiết kiệm” (Jugaad Innovation), Navi Radjou nhấn mạnh R&D phải phục vụ 100% dân số, không chỉ 10% người giàu (Ảnh: NVCC).
Năm 2015, Cơ quan nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) đưa tàu thăm dò lên quỹ đạo sao Hỏa chỉ với 74 triệu USD, trong khi NASA cần tới 671 triệu USD cho nhiệm vụ tương tự. Làm sao Ấn Độ làm được điều đó với chi phí chỉ bằng 1/10? Bởi NASA có ngân sách thường niên tới 25 tỷ USD, còn toàn bộ ngân sách năm của ISRO chỉ khoảng 1,5 tỷ USD - tương đương ba tuần chi tiêu của NASA. Khi ngân sách hạn hẹp nhưng khát vọng lớn, thì ranh giới tính khả thi không còn nằm ở những con số.
Các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi mô hình này để đổi mới tiết kiệm, tạo ra sản phẩm tốt hơn với chi phí R&D thấp hơn.
Một khía cạnh then chốt không thể bỏ qua là: ai sẽ đảm nhận vai trò thực hiện R&D? Việt Nam đặt mục tiêu khu vực tư nhân sẽ đóng góp 60% tổng đầu tư R&D vào năm 2030 và hy vọng con số này sẽ vượt 70% vào năm 2035 (hiện nay tại Nhật Bản và Mỹ, khu vực tư nhân chiếm lần lượt 77% và 75% chi tiêu R&D quốc gia).
Khu vực tư nhân là lực lượng lý tưởng để hiện thực hóa ý tưởng từ phòng nghiên cứu thành sản phẩm hữu ích, bởi doanh nghiệp thường triển khai quá trình “từ ý tưởng đến thị trường” nhanh, hiệu quả, tiết kiệm hơn so với khu vực công.
Tôi thấy rất đáng khích lệ khi một số thương hiệu lớn tại Việt Nam đang đầu tư nghiêm túc vào R&D nội địa để tạo lợi thế cạnh tranh. Chẳng hạn, Sunhouse đã xây dựng đội ngũ R&D riêng để thiết kế chip vi điều khiển cho các sản phẩm gia dụng của hãng. Tập đoàn Viettel cũng sở hữu một đơn vị R&D quy mô lớn, đang phát triển các công nghệ tiên tiến như mạng di động bay - tức hệ thống mạng di động tích hợp trên máy bay không người lái.
Cuối cùng là câu hỏi tại sao cần R&D? Tôi đã rời Thung lũng Silicon sau 13 năm sống và làm việc tại đó, vì tôi chứng kiến nhiều công ty khởi nghiệp đang đổ hàng tỷ USD vào các sản phẩm vô nghĩa. Một ví dụ là Juicero - startup từng gọi vốn tới 120 triệu USD để tạo ra một máy ép nước hoa quả “kết nối wi-fi” có giá tới 700 USD, trong khi thực tế người dùng có thể dùng tay ép cũng ra nước tương tự.
Nói như Sam Pitroda, người dẫn dắt cuộc cách mạng viễn thông Ấn Độ: “Những bộ óc R&D giỏi nhất thế giới đang mải giải quyết vấn đề cho những người giàu, những người thực ra không có vấn đề gì cả”. Việt Nam hay Ấn Độ không thể đi con đường đó. R&D ở các nền kinh tế mới nổi phải tạo ra giá trị thực sự cho 100% dân số, chứ không chỉ 10% người giàu.
Nếu Việt Nam muốn tăng đầu tư R&D lên 2% GDP vào năm 2030, điều quan trọng là phải đảm bảo mọi đổi mới trong tương lai đều mang lại lợi ích xã hội rõ ràng và bền vững về môi trường.
Kết nối đại học - doanh nghiệp: Chìa khóa của hệ sinh thái R&D bền vững
Tại diễn đàn VRDF 2025, ông chia sẻ về "Tư duy chiến lược - Góc nhìn toàn cầu và quốc gia về R&D". Theo ông, Việt Nam cần ưu tiên những yếu tố nào để có thể xây dựng một hệ sinh thái R&D năng động hội nhập và bền vững trong giai đoạn sắp tới?
- Ưu tiên số một là cần kết nối chặt chẽ giữa giới học thuật và khu vực doanh nghiệp. Một cách thiết thực là khuyến khích doanh nghiệp đặt trung tâm R&D gần các phòng thí nghiệm đại học, thậm chí ngay trong khuôn viên.
Ví dụ, tập đoàn vật liệu xây dựng Saint-Gobain của Pháp đã đặt trung tâm R&D ngay tại trường IIT Madras được ví như “MIT của Ấn Độ”. Nhờ đó, các nhà khoa học của doanh nghiệp có thể tương tác thường xuyên với giảng viên, sinh viên để cùng chuyển từ nghiên cứu cơ bản sang ứng dụng thương mại một cách nhanh chóng.
Một trong những kết quả nổi bật của mô hình là giải pháp nâng cấp mặt dựng kính đơn thành kính hai hoặc ba lớp chỉ trong một cuối tuần, với chi phí chỉ bằng 1/3 so với phương pháp truyền thống.
Ưu tiên thứ hai là cần phân bổ hoạt động R&D ra khắp các tỉnh, thành, không nên tập trung chỉ ở các đô thị lớn. Ở Ấn Độ, giai đoạn những năm 2000, các tập đoàn đa quốc gia như GE, Cisco hay Airbus chủ yếu đặt trung tâm R&D tại các thành phố lớn như Bangalore, Chennai. Nhưng hiện nay, nhiều thành phố cấp 2, cấp 3 cũng thu hút mạnh mẽ đầu tư R&D.
Ưu tiên thứ ba là kết nối Việt Nam với các trung tâm R&D toàn cầu để hình thành mạng lưới đổi mới sáng tạo xuyên quốc gia. Điều này không chỉ giúp các kỹ sư, nhà khoa học Việt tham gia vào các dự án quốc tế mà còn học hỏi kinh nghiệm và quy trình tiên tiến từ nước ngoài.

Theo ông Navi Radjou, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế “đổi mới tiết kiệm” để bứt phá trong bối cảnh hạn chế về tài chính và công nghệ (Ảnh: NVCC).
Theo ông, R&D đóng vai trò như thế nào đối với tăng trưởng kinh tế và năng lực cạnh tranh toàn cầu của một quốc gia?
- Việc tăng đầu tư cho R&D không tự động dẫn tới tăng trưởng GDP hay năng lực cạnh tranh. Hãy hình dung R&D như một cây búa, để búa phát huy tác dụng, trước hết phải biết đóng chính xác cái đinh nào. Điều cốt lõi là Việt Nam cần xác định rõ các nhu cầu kinh tế - xã hội cấp thiết và thách thức cụ thể theo từng ngành: ví dụ như nâng cao năng suất nông nghiệp, chuyển đổi sang công nghiệp xanh, cải thiện chất lượng giáo dục, hay hướng tới y tế dự phòng.
Khi đã xác định đúng “đinh”, các dự án R&D mới có thể được ưu tiên, cấp vốn để giải quyết các vấn đề có ý nghĩa xã hội, từ đó mở ra cơ hội kinh tế mới và tạo lập thị trường mới.
Hiện tại, Việt Nam đã là trung tâm sản xuất cạnh tranh nhờ chi phí hợp lý. Giờ đây, quốc gia có thể kêu gọi các tập đoàn quốc tế không chỉ sản xuất mà còn đặt trung tâm R&D ngay bên cạnh nhà máy, nhờ đó quy trình thiết kế, thử nghiệm và sản xuất có thể diễn ra nhanh, hiệu quả, chi phí thấp hơn, rồi xuất khẩu ra thế giới.

Chuyên gia Navi Radjou kêu gọi thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và đại học để hình thành hệ sinh thái R&D năng động, bền vững tại Việt Nam (Ảnh: NVCC).
Đầu tư đúng - Hợp tác khéo: Việt Nam có thể bứt phá với nguồn lực hạn chế
Khái niệm “Jugaad Innovation” - đổi mới tiết kiệm từ nguồn lực giới hạn - của ông được công nhận rộng rãi. Ông có nghĩ phương pháp này phù hợp với Việt Nam?
- Từ “Jugaad” trong tiếng Hindi mang ý nghĩa sáng tạo, linh hoạt, tận dụng tối đa nguồn lực hạn chế để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Người Việt Nam vốn đã rất kiên cường, tháo vát và giàu sáng kiến. Điều quan trọng là làm sao phát huy được tinh thần “sáng tạo tiết kiệm” trên quy mô toàn quốc.
Thay vì luôn phát minh cái mới, Việt Nam có thể tái sử dụng hoặc cải tiến công nghệ, dữ liệu sẵn có để tạo thêm giá trị. Lĩnh vực y tế là một ví dụ điển hình. Startup Algosurg của Ấn Độ đã dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để biến ảnh chụp X-quang 2D thành mô hình 3D. Nhờ đó, các bệnh viện thiếu vốn không cần đầu tư máy MRI hay chụp cắt lớp đắt đỏ vẫn có thể chẩn đoán chính xác.

Diễn đàn R&D Việt Nam 2025 hướng tới mục tiêu nâng tỷ lệ đầu tư cho R&D lên 2% GDP vào năm 2030. Theo ông, để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam nên có sự thay đổi như thế nào chính sách, hạ tầng, mô hình hợp tác?
- Trong cuốn sách mới của tôi Frugal Economy, tôi bàn về cách doanh nghiệp có thể đồng sáng tạo giá trị kinh tế và xã hội bằng cách chia sẻ và tận dụng chung nguồn lực, bao gồm cả R&D. Thay vì mỗi doanh nghiệp đầu tư R&D riêng lẻ, họ có thể thành lập các liên minh, tổ chức phi lợi nhuận để góp vốn cùng đầu tư vào các dự án R&D chiến lược có lợi cho toàn ngành.
Chẳng hạn, ở Mỹ, tổ chức phi lợi nhuận Civica Rx đã huy động sức mua chung của 1.500 bệnh viện để đầu tư vào R&D phát triển thuốc gốc, vaccine với chi phí rẻ hơn tới 90% so với thuốc thương hiệu, giúp giảm chi phí cho cả bệnh nhân và hệ thống y tế.
Hay Renaissance Textile, liên doanh giữa ba công ty may mặc vừa tại Pháp, cùng đầu tư R&D để phát triển công nghệ tái chế quần áo cũ theo mô hình kinh tế tuần hoàn (circular economy).
Việt Nam có thể học hỏi những mô hình hợp tác như vậy để mở rộng đầu tư R&D mà không cần phụ thuộc vào ngân sách nhà nước hay nguồn vốn riêng lẻ từ từng doanh nghiệp.
Một hệ sinh thái R&D hiệu quả không nhất thiết phải bắt đầu từ sự dư thừa tài chính, mà từ sự lựa chọn chiến lược: đầu tư đúng nơi, giải quyết đúng vấn đề, và hợp tác đúng cách. Việt Nam có đầy đủ nền tảng để bứt phá nếu biết tận dụng lợi thế “đổi mới tiết kiệm” - điều đã làm nên thành công của nhiều nền kinh tế mới nổi trên thế giới.
Ông Navi Radjou là nhà tư tưởng hàng đầu về đổi mới và lãnh đạo đến từ Thung lũng Silicon. Ông được biết đến rộng rãi với việc phổ biến khái niệm Jugaad và đổi mới tiết kiệm (frugal innovation). Ông từng nhận Giải thưởng Đổi mới của Thinkers50, là nghiên cứu viên tại Đại học Cambridge và thành viên Hội đồng Tương lai toàn cầu thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Ông Navi Radjou là 1 trong 3 chuyên gia hàng đầu thế giới sẽ tham dự Diễn đàn Nghiên cứu và Phát triển Việt Nam 2025.
Diễn đàn Nghiên cứu và Phát triển Việt Nam 2025 (Vietnam R&D Forum - VRDF 2025) với chủ đề "Thúc đẩy tương lai của Việt Nam thông qua đầu tư R&D chiến lược" do AVSE Global phối hợp cùng UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức sẽ diễn ra trong hai ngày 30/7 và 31/7.
Sự kiện được kỳ vọng trở thành nền tảng thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức, đồng thời nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, góp phần cho phát triển bền vững và nâng cao vị thế quốc gia.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/chuyen-gia-navi-radjou-rd-phai-phuc-vu-100-dan-so-khong-chi-10-nguoi-giau-20250727155143183.htm
Bình luận (0)