Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cô giáo tiết lộ bí quyết giúp học trò đạt thủ khoa môn văn với 9,75 điểm

Đề thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có nhiều đổi mới, tính phân loại cao. Trần Minh Hà, học sinh lớp 12A5 Trường THPT May (18 Định Công, Hà Nội), đã xuất sắc đạt 9,75 điểm môn ngữ văn. Thành tích này không chỉ là của nỗ lực cá nhân mà còn là kết quả của một hành trình gieo trồng cảm xúc, hun đúc đam mê không mệt mỏi từ cô giáo Nguyễn Thị Xuyến.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên18/07/2025

Bí quyết đánh thức cảm xúc học môn văn

Đối với Trần Minh Hà, chỉ cần nhắc đến hai chữ "cô Xuyến" là nguồn cảm hứng viết văn dường như tự nhiên ùa về. Minh Hà kể lại rằng, những tiết học văn của cô Xuyến giống như việc đang theo dõi một bộ phim điện ảnh đầy kịch tính và cảm xúc. Ở đó, các nhân vật không còn là những cái tên xa lạ, khô khan trong sách giáo khoa, mà trở thành những con người sống động, có tiếng cười, có nước mắt, có số phận và cả những nỗi niềm trăn trở như bất kỳ ai đang hiện hữu trong đời thực.

Cô giáo tiết lộ bí quyết giúp học trò đạt thủ khoa môn Văn  - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Xuyến (phải) và thủ khoa môn văn Trần Minh Hà. Được biết, cô Xuyên có 15 năm công tác trong ngành giáo dục, nhiều năm liền ôn thi THPT có học sinh đạt điểm cao

Ảnh: NVCC

Cô Xuyến thường có một câu nói tâm đắc, in sâu vào tâm trí học trò: "Văn học là cuộc sống, vậy nên đừng viết như một cái máy". Chính lời nhắc nhở ấy đã giúp Minh Hà vỡ ra rằng, viết văn không đơn thuần là việc sắp xếp câu chữ cho đúng bố cục hay theo một khuôn mẫu có sẵn. Đó là cả một quá trình đặt trọn trái tim, tâm hồn và những cảm nhận chân thật nhất của mình vào từng đoạn văn, từng dòng chữ. 

Để làm được điều đó, cô Xuyến không chỉ giảng bài, mà cô "kể" những câu chuyện, "dựng" những khung cảnh, và "tái hiện" những cung bậc cảm xúc của nhân vật khiến học sinh như được hòa mình vào thế giới văn chương sống động.

Minh Hà thành thật chia sẻ, trước kỳ thi, đã có lúc em rơi vào trạng thái chán nản đến mức muốn bỏ cuộc. Môn văn bỗng trở thành một gánh nặng, những trang sách dường như vô hồn. Thế nhưng, nhờ cách học "đọc văn bằng tâm hồn" mà cô Xuyến đã gợi mở, Minh Hà dần tìm lại được sợi dây kết nối với văn chương. Em bắt đầu thả mình vào từng câu chữ, tưởng tượng mình đang trò chuyện cùng nhân vật, thậm chí còn "làm màu một chút" khi nghe nhạc nhẹ và nhắm mắt hình dung bối cảnh tác phẩm. Có lẽ chính sự "làm màu" ấy, sự dám sống trọn vẹn với cảm xúc của mình đã giúp em giữ được sợi dây liên kết ngọt ngào, bền chặt với văn chương. Một sợi dây không bao giờ nên bị giới hạn bởi cấu trúc 3 phần mở đầu, thân bài và kết thúc cứng nhắc, mà phải là sự tuôn chảy tự do của cảm xúc và tư duy.

Gần 15 năm gắn bó với bục giảng, cô Xuyến không giấu được niềm xúc động khi nhắc đến điểm 9,75 của cô học trò nhỏ trong kỳ thi THPT năm 2025 vừa qua. "Đó là cảm giác mà trong mơ tôi cũng không dám nghĩ tới, nay đã trở thành sự thật. Tôi như vỡ òa trong niềm hạnh phúc, vì đó không chỉ là điểm số, mà là thành quả của một hành trình dài đầy yêu thương, kiên nhẫn và thấu hiểu giữa cô và trò", cô chia sẻ với giọng nói nghẹn ngào. Với cô, đây không phải là chiến thắng của kiến thức đơn thuần, mà là minh chứng rõ ràng nhất cho việc: khi giáo viên đủ tận tâm, đủ truyền lửa thì học sinh sẽ đủ cảm hứng để vươn mình, để bay cao, bay xa trên đôi cánh của tri thức và cảm xúc.

"Cứ viết thật, còn lại để cô sửa"

Không chỉ biến giờ học thành những thước phim sống động, cô Xuyến còn là người truyền vào đó một thứ cảm xúc rất thật - sự tận tâm. Cô không ngại dành thời gian trò chuyện riêng với từng học sinh, lắng nghe cả những băn khoăn rất nhỏ nhặt, tưởng chừng như không đáng để tâm. Có thể là lời than thở: "Hôm nay em không hiểu đoạn này cô ơi!", hay câu hỏi ngập ngừng: "Em viết câu này thấy... dở quá, cô xem giúp em với", hoặc đôi khi chỉ đơn giản là một lời tâm sự bâng quơ: "Cô ơi, hôm nay em buồn quá!".

Với Minh Hà, chính sự lắng nghe chân thành, không phán xét ấy đã giúp em thêm tự tin khi đặt bút viết. Em biết rằng đằng sau từng bài kiểm tra, từng lần nộp bài chưa thật sự tròn trịa, luôn có một người cô sẵn lòng đọc, góp ý chi tiết và đồng hành như một người bạn lớn. Những lời động viên giản dị nhưng đầy sức mạnh như: "Cô tin em có thể viết hay hơn nữa" hay "Lần này chưa rõ ý lắm, nhưng em đang đi đúng hướng rồi" đã trở thành ánh sáng nhỏ, soi đường cho Minh Hà trong hành trình học văn đầy thử thách. Một hành trình mà đôi khi không cần những ngôn từ hoa mỹ, mà chỉ cần sự chân thành là đủ để thắp lên ngọn lửa đam mê bền bỉ, không tắt.

Cô giáo tiết lộ bí quyết giúp học trò đạt thủ khoa môn Văn  - Ảnh 2.

Với cô Xuyến, mỗi học sinh là một "cá tính văn học" cần được tôn trọng, khai phá và bồi dưỡng

Ảnh: NVCC

Trong suốt quá trình ôn luyện, cô Xuyến không hề áp đặt hay bắt học sinh phải viết theo một khuôn mẫu nhất định, hay "học thuộc" văn mẫu. Ngược lại, cô khuyến khích các em tìm ra "giọng điệu của chính mình", được tự do thử nghiệm, được viết, được sai và được sửa chữa. Minh Hà nhớ rõ lời nhắn nhủ quen thuộc của cô Xuyến, như một kim chỉ nam: "Cứ viết thật, còn lại để cô sửa". Chính điều ấy đã trở thành nền tảng vững chắc để các em vượt qua sự sợ hãi, dám viết ra những cảm nhận rất riêng, không rập khuôn, không sao chép, mà hoàn toàn xuất phát từ trái tim và tư duy độc lập của mình.

Với cô Xuyến, mỗi học sinh là một "cá tính văn học" cần được tôn trọng, khai phá và bồi dưỡng. Cô không dạy văn như dạy một môn học khô khan, mà như dẫn dắt các em đi vào một thế giới rộng lớn, nơi cảm xúc là gốc rễ của mọi sự sáng tạo và lý trí là ngọn đèn soi sáng con đường. Cô thường cho học sinh trải nghiệm "làm giáo viên văn" bằng cách tổ chức các buổi chấm bài chéo giữa các bạn, đặt câu hỏi phản biện, tranh luận và tự rút ra kết luận. 

Minh Hà kể rằng những tiết kiểm tra bài cũ theo kiểu "phỏng vấn 1-1" của cô Xuyến khiến học trò vừa "run" vừa "thích thú", thậm chí có bạn còn thốt lên: "Áp lực hơn cả đi thi đại học!".

Hãy học văn không chỉ để thi cử, mà để được là chính mình, để hiểu thêm về cuộc đời và về con người

Cô Nguyễn Thị Xuyến

Văn học là hành trình tích lũy cảm xúc

Khi được hỏi về bí quyết luyện thi, cô Xuyến chia sẻ rằng mình luôn gửi kế hoạch ôn tập chi tiết từ cuối tuần trước để học sinh có sự chuẩn bị chủ động và lên lịch trình học tập phù hợp. Không chỉ cung cấp hệ thống bài tập phân hóa, từ cơ bản đến nâng cao, cô còn khơi gợi đam mê bằng những hoạt động ngoài sách giáo khoa. Cô khuyến khích học sinh đọc thêm sách báo, các tác phẩm văn học ngoài chương trình, cảm nhận nhân vật yêu thích theo cách riêng của mình, và rèn luyện kỹ năng viết từ chính những điều giản dị nhất trong đời sống hàng ngày. "Văn học không phải là môn học thuộc lòng nữa, mà là một hành trình dài rèn luyện tư duy phản biện, khả năng cảm thụ và bộc lộ cảm xúc của bản thân", cô nhấn mạnh.

Chính từ hành trình ấy, các học trò của cô dần hình thành thói quen tự học, tự rèn luyện bền bỉ: mỗi tuần viết một bài, gửi cô góp ý, sau đó viết lại, và viết tiếp. Những bài cảm nhận cá nhân về một đoạn thơ hay một nhân vật không còn là nhiệm vụ ép buộc, mà trở thành cách để các em giữ cảm xúc tươi mới, không nhàm chán, không máy móc. Nhờ vậy mà môn văn không còn là nỗi sợ hãi, thậm chí còn trở nên đẹp đẽ, là nơi để các em thể hiện chính mình.

Còn với cô Xuyến, thành tích 9,75 của Minh Hà không chỉ là một điểm số ấn tượng. Đó là niềm hạnh phúc khi nhìn thấy một học sinh dám yêu lại môn văn từ đầu; dám thử, dám viết, dám sai và dám sống thật với những rung động chân thật nhất của mình. Cô gửi gắm một thông điệp ý nghĩa đến các thế hệ học trò tương lai: "Hãy học văn không chỉ để thi cử, mà để được là chính mình, để hiểu thêm về cuộc đời và về con người".

Nguồn: https://thanhnien.vn/co-giao-tiet-lo-bi-quyet-giup-hoc-tro-dat-thu-khoa-mon-van-voi-975-diem-185250717121138463.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm