Tăng hiệu quả nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật
Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội, có thu nhập ổn định sau khi ra trường nhưng với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, năm 2018, ông Trần Xuân Đăng ở phường Tân An trở về quê hương thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Trí Yên. Thuê, mượn hơn 3 ha đất của 68 hộ dân, ông đầu tư mô hình trang trại nông nghiệp công nghệ cao trồng rau, dưa chuột baby, dưa lưới, cà chua, bí. Trên diện tích đó, ông Đăng xây dựng 17.000 m2 nhà màng để canh tác theo hướng công nghệ cao của Israel. Toàn bộ diện tích cây trồng được tưới nước, bón phân hữu cơ tự động trên cơ sở tính toán đủ dinh dưỡng giúp sản phẩm bảo đảm an toàn, được tiêu thụ rộng rãi tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch; đồng thời giúp giảm nhân công lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm chi phí đầu vào. Hiện tại, mỗi năm trang trại đạt doanh thu 2-3 tỷ đồng, trừ chi phí lãi từ 200-300 triệu đồng.
Mô hình cánh đồng công nghệ của gia đình ông Nguyễn Văn Bền, xã Trung Kênh tiếp tục được triển khai trong vụ mùa 2025. |
Vụ mùa năm 2024, gia đình ông Nguyễn Văn Bền, thôn Nghĩa Hương, xã Trung Kênh tập trung gần 7 ha đất nông nghiệp triển khai mô hình cánh đồng công nghệ sản xuất giống lúa mới năng suất cao. Theo đó, quá trình sản xuất lúa được áp dụng, thực hiện đồng bộ cơ giới hóa từ khâu gieo mạ, làm đất, gieo cấy chăm sóc bằng máy, sử dụng thiết bị máy bay không người lái bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật. Ông Bền chia sẻ: “Ưu điểm của cánh đồng công nghệ là giúp giảm giống, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiết giảm công lao động, hạn chế được sâu bệnh. Thay vì phải mất nhiều giờ lội ruộng, giờ đây chỉ cần từ 15-20 phút, thiết bị bay không người lái đã hoàn thành quy trình gieo sạ và phun thuốc diệt cỏ tại cánh đồng. Nhờ vậy, mỗi vụ sản xuất lúa, gia đình đã tiết kiệm được 30% chi phí thuê nhân công và năng suất mỗi vụ cũng tăng lên 25%”.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa, khâu làm đất, tưới tiêu hiện đạt khoảng 90%, gieo cấy đạt xấp xỉ 10%, phun thuốc bảo vệ thực vật đạt khoảng 50%, thu hoạch đạt gần 90%. Trong sản xuất rau màu tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất, tưới tiêu ước đạt trên 90%, phun thuốc bảo vệ thực vật ước đạt hơn 30%, gieo trồng ước đạt từ 1-2%, thu hoạch ước đạt từ 7-10%, sơ chế, bảo quản ước đạt từ 2-3%. |
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa, khâu làm đất, tưới tiêu hiện đạt khoảng 90%, gieo cấy đạt xấp xỉ 10%, phun thuốc bảo vệ thực vật đạt khoảng 50%, thu hoạch đạt gần 90%. Trong sản xuất rau màu tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất, tưới tiêu ước đạt trên 90%, phun thuốc bảo vệ thực vật ước đạt hơn 30%, gieo trồng ước đạt từ 1-2%, thu hoạch ước đạt từ 7-10%, sơ chế, bảo quản ước đạt từ 2-3%. Cơ giới hóa cộng với áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên đồng ruộng.
Hỗ trợ nhân rộng mô hình
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, những năm qua ngành Nông nghiệp đã tham mưu cho tỉnh xây dựng, ban hành nhiều chính sách tạo động lực để các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp.
Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tham quan trang trại công nghệ cao của ông Bùi Xuân Quế, xã Nhân Thắng. |
Việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất có ý nghĩa quan trọng giúp người dân thay đổi tư duy nhận thức, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm, có thu nhập ổn định và yên tâm gắn bó với ruộng đồng. Các mô hình cơ giới hóa trong trồng trọt chủ yếu trên địa bàn tỉnh như: Sản xuất rau quả trong nhà màng, nhà kính; ứng dụng thiết bị bay không người lái 3 trong 1 (gieo giống, rải phân, phun thuốc bảo vệ thực vật) trong sản xuất lúa; ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất khoai tây phục vụ chế biến... Đặc biệt, mô hình ứng dụng thiết bị bay không người lái 3 trong 1 đối với sản xuất lúa được triển khai năm 2022 đã cho thấy hiệu quả rõ nét. Do đó, đã được nhân rộng tới nhiều địa phương trong toàn tỉnh, nhất là các vùng sản xuất lúa theo phương thức gieo sạ. Mô hình giúp tăng hiệu quả kinh tế từ 15-17% so với cách gieo sạ truyền thống. Công nghệ bay không người lái cũng đang được hầu hết các hộ sản xuất lúa quy mô lớn và các hộ đã tập trung đất đai ứng dụng rộng rãi trên toàn tỉnh, phục vụ các công đoạn như gieo giống, rải phân và phun thuốc bảo vệ thực vật.
Theo một số người dân, một máy gieo hạt có thể gieo xong 1 ha lúa trong 15 phút, bảo đảm mật độ hợp lý. Sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật với chi phí dao động từ 25-28 nghìn đồng/sào, thấp hơn so với phun thủ công (35 nghìn đồng/sào). Phun thuốc bằng máy giúp thuốc được phân bố đều, tiết kiệm khoảng 10% lượng thuốc và chi phí, hạn chế dư lượng hóa chất trên cánh đồng. Ở khâu thu hoạch, việc sử dụng máy móc cũng giúp giảm chi phí, chỉ còn khoảng 100-120 nghìn đồng mỗi sào trong khi thuê lao động là 350 nghìn đồng/sào.
Hiện nay, phần lớn lao động trong độ tuổi đã chuyển sang các ngành nghề khác khiến lực lượng lao động trong nông nghiệp chủ yếu là người cao tuổi, đã quá tuổi lao động. Thế nên việc đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng khoa học kỹ thuật không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là giải pháp giúp giải phóng sức lao động, tối ưu hóa năng suất trên cùng một diện tích canh tác, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, toàn diện và bền vững.
Tuy nhiên, trên thực tế, cơ giới hóa vẫn chủ yếu tập trung ở khâu làm đất, thu hoạch còn gieo trồng, chế biến vẫn chiếm tỷ lệ rất thấp. Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, bám sát tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, ngành Nông nghiệp đang rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch lĩnh vực nông nghiệp sau sáp nhập để bảo đảm đồng bộ. Trong đó, chú trọng triển khai các đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học, công nghệ thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật ở các khâu, nhất là chế biến, gieo trồng, góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/co-gioi-hoa-don-bay-xay-dung-nen-nong-nghiep-hien-dai-postid422857.bbg
Bình luận (0)