Cùng tham gia buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, lãnh đạo các Vụ, Cục trực thuộc Bộ GD&ĐT. Phía đoàn công tác có Thượng tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Nhóm Công tác số 3 của Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương. Nội dung buổi làm việc tập trung đánh giá, rà soát các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Báo cáo tại buổi làm việc, bà Đặng Thị Oanh – Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và thông tin (Bộ GD&ĐT) cho hay, tính đến tháng 6/2025, Bộ đã số hóa khoảng 50 nghìn cơ sở giáo dục, hơn 27 triệu hồ sơ điện tử học sinh, trên 1,4 triệu giáo viên và trên 115 nghìn hồ sơ điện tử cán bộ quản lý, người lao động.
Bộ GD&ĐT đã thực hiện kết nối, định danh, xác thực; đồng thời làm giàu cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khoảng 24,3 triệu hồ sơ điện tử công dân là giáo viên, học sinh.
Đặc biệt từ năm 2022 đến nay, mỗi năm có trên 1 triệu thí sinh đăng ký trực tuyến kỳ thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Các em đã được hưởng lợi từ cơ sở dữ liệu này.
Cũng theo bà Đặng Thị Oanh, tính đến tháng 6/2025, Bộ GD&ĐT đã số hóa được 470 cơ sở giáo dục đại học; hơn 177 nghìn hồ sơ điện tử cán bộ, giảng viên và người lao động; trên 4 triệu hồ sơ điện tử người học; trên 34 nghìn thông tin chương trình đào tạo; hơn 9 nghìn thông tin ngành đào tạo; hơn 44 nghìn thông tin về nhiệm vụ khoa học công nghệ; trên 117 bài báo đã được công bố trong nước.
Ngoài ra, đã có hơn 101 người học, trên 10.400 nhà giáo, cán bộ quản lý và 208 cơ sở giáo dục nghề nghiệp được số hóa.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở dữ liệu ngành trong công tác thống kê và kết nối; đồng thời ghi nhận, những năm qua, Bộ Công an cùng các Bộ, ban ngành Trung ương, doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan đã quan tâm, hỗ trợ Bộ GD&ĐT trong công tác quản lý Nhà nước; trong đó có xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục.
Việc ứng dụng chuyển đổi số vào một số khâu trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng là một trong những minh chứng rõ nét về lợi ích của việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia.
Từ kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kỳ vọng, tới đây sẽ xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về tài liệu giảng dạy, nghiên cứu trong ngành Giáo dục nhằm phục vụ cho công tác quản lý về chuyên môn, giáo dục, đào tào và nghiên cứu khoa học.

Ghi nhận những kết quả đạt được của Bộ GD&ĐT trong xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, Thượng tướng Nguyễn Văn Long – Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Nhóm Công tác số 3 gợi mở, Bộ GD&ĐT cần xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia theo nguyên tắc: đúng – đủ - sạch – sống.
Muốn vậy, cần đánh giá, rà soát hạ tầng của ngành Giáo dục để xem đã bảo đảm xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương và đã kết nối với quốc gia hay chưa. Hiện, dữ liệu học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học có thể phục vụ cho Bộ GD&ĐT trong công tác quản lý, điều hành, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số, Thượng tướng Nguyễn Văn Long gợi ý, cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ để đưa ra kiến trúc dữ liệu của ngành Giáo dục. Kiến trúc này không chỉ mang tính chất quốc gia, mà có thể liên thông, kết nối với dữ liệu quốc tế để có thể chia sẻ, hợp tác và hội nhập.
Theo đó, Bộ GD&ĐT cần xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và kết quả; đặc biệt, phải bảo đảm an ninh an toàn cho Hệ thống; trong đó ưu tiên cơ sở dữ liệu phục vụ ngay cho thủ tục hành chính và điều hành chung của Chính phủ; nhất là trong bối cảnh thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long mong muốn, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ có bước đột phá về chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/co-so-du-lieu-nganh-giao-duc-gop-phan-lam-giau-co-so-du-lieu-quoc-gia-post741816.html
Bình luận (0)