Là vùng đất cổ, nơi tụ cư của người Việt cổ, Vĩnh Phúc có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và nhiều làng nghề, nghề truyền thống. Hiện, toàn tỉnh có 29 làng nghề, trong đó có 20 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận với trên 8.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành nghề như thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, cơ khí nhỏ, sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh... tạo việc làm cho khoảng 55 nghìn lao động khu vực nông thôn.
Thúc đẩy phát triển, giữ lửa các làng nghề, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ về đất đai, tài chính, xúc tiến thương mại; khuyến khích đầu tư, mua sắm các thiết bị, máy móc hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm đổi mới mẫu mã, nâng tầm giá trị, tạo sức sống mới cho làng nghề.
Trải qua bao biến cố, thăng trầm, song với sự đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ, đến nay, nghề mộc Lũng Hạ, xã Yên Phương (Yên Lạc) vẫn đứng vững và phát triển, với nhiều sản phẩm nổi tiếng.
Năm 2023, tại cuộc thi tay nghề giỏi cấp tỉnh, các sản phẩm làng nghề xã Yên Phương đạt 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 1 giải Khuyến khích. Năm 2024, bộ 3 sản phẩm gồm cuốn thư gỗ mít, ngai thờ gỗ mít và tranh tứ quý gỗ hương đá của cơ sở sản xuất đồ gỗ Tươi Thuấn đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Điều này không chỉ khẳng định chất lượng, thương hiệu của cơ sở sản xuất đồ gỗ Tươi Thuấn nói riêng, mộc Lũng Hạ nói chung mà còn là cơ hội quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm làng nghề vươn xa hơn trên thị trường trong nước và quốc tế.
Chị Nguyễn Thị Thuấn, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ Tươi Thuấn chia sẻ: Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, trong quá trình sản xuất, cơ sở luôn đặt chất lượng, uy tín lên hàng đầu. Bắt nhịp công nghệ số, cơ sở tích cực áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới thiết bị, nguồn nhân lực kỹ thuật cao vào sản xuất, quảng bá, giới thiệu sản phẩm mộc mỹ nghệ tới khách hàng. Nhờ đó, cơ sở ngày càng phát triển và khẳng định thương hiệu trên thị trường
Nắm bắt xu hướng thị trường, đưa sản phẩm thủ công truyền thống vươn xa, những năm gần đây, nhiều hộ dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh làng nghề truyền thống xã An Nhân (Vĩnh Tường) đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt đưa công nghệ số vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh và bảo vệ môi trường.
Hiện, xã An Nhân có 5 làng nghề truyền thống gồm làng rèn truyền thống Bàn Mạch; các làng mộc truyền thống Vân Giang, Văn Hà, Thủ Độ, Bích Chu với gần 2.000 hộ, cơ sở sản xuất, tạo việc làm ổn định cho hơn 3.700 lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn.
Là 1 trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hiện nay, Hợp tác xã Rèn Thanh niên, xã An Nhân đầu tư nhiều loại máy móc với công nghệ hiện đại như lò nung cao tần, máy LRam... vừa tối ưu hóa chi phí sản xuất, vừa giúp bảo vệ môi trường. Đặc biệt, từ năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Hợp tác xã đã linh hoạt tìm hướng vượt khó, mở rộng kênh bán hàng trực tuyến kết hợp trực tiếp, livestream, chốt đơn qua các nền tảng, trang mạng xã hội như Facebook, Shopee, Tiktok... đem lại hiệu quả thiết thực.
Ông Phùng Văn Đô, Giám đốc Hợp tác xã Rèn Thanh niên cho biết: Khoa học công nghệ không chỉ nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ mà còn góp phần gìn giữ tinh hoa làng nghề. Nhờ đó, bộ dao nhà bếp 8 sản phẩm của HTX được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh vào năm 2021, cấp khu vực phía Bắc năm 2022 và đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2023. Hiện nay, HTX tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 10 lao động trên địa bàn.
Để bảo tồn và phát triển các làng nghề, thời gian tới, tỉnh tăng cường hỗ trợ về vốn, công nghệ, phát triển các mô hình làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch làng nghề. Đặc biệt, khuyến khích các hộ làm nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước bằng công nghệ...
Bài, ảnh: Hồng Tính
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/128860/Cong-nghe-dua-san-pham-truyen-thong-vuon-xa
Bình luận (0)