Quan tâm nông nghiệp có trách nhiệm
Trước thực trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón trong hàng hóa nông sản, Đắk Nông đang quan tâm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm.
Những năm qua, việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho cộng đồng dân cư về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp đã được các cấp, ngành ở tỉnh Đắk Nông chú trọng.
Sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm giúp nông dân bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường
Tuy nhiên, hiện nay, tại địa phương đang nổi lên một số vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với một số loại nông sản xuất khẩu, đặc biệt là trái sầu riêng. Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do vẫn còn nhiều nông hộ chưa thực hành sản xuất nông nghiệp sạch.
Nuôi cỏ dại giúp vườn cà phê của ông Lê Văn Minh ở xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (Đắk Nông) hạn chế sâu bệnh, thời tiết bất lợi
Gia đình ông Lê Văn Minh ở xã Quảng Phú, huyện Krông Nô có 2ha đất trồng cà phê xen hồ tiêu. Những năm trước đây, ông luôn dùng thuốc diệt cỏ để phun trừ cỏ dại cho vườn cây, mỗi năm ít nhất 3 lần.
Theo ông Minh, khi sử dụng loại thuốc này, cỏ chết rất nhanh nhưng sau nhiều năm phun, vườn cà phê sinh trưởng, phát triển kém, lá cây bị vàng sau mỗi lần phun, năng suất thấp, đất trong vườn chai cứng.
Ông Minh cho biết: “Để đất canh tác trở lại bình thường sau khi sử dụng thuốc diệt cỏ, tôi phải mất nhiều năm để phục hồi. Tuy nhiên, cây trồng trong vườn vẫn kém phát triển, nhất là đối với việc trồng mới hoặc tái canh.”
Chất lượng sản phẩm sầu riêng bị đe dọa do việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV chưa hợp lý
Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông), trong những năm gần đây, diện tích, năng suất, sản lượng trồng trọt, chăn nuôi tăng nhanh, đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng các loại vật tư nông nghiệp cũng tăng cao.
“
Hàng năm, ngành trồng trọt trung bình sử dụng khoảng 2,6 triệu tấn phân bón các loại, 500 tấn thuốc BVTV, 1,5 triệu cây giống, tương đương với số tiền khoảng hơn 9.000 tỷ đồng.
Việc chi phí cho vật tư đầu vào trong nông nghiệp là rất lớn, nếu sử dụng phải các loại vật tư nông nghiệp giả hoặc kém chất lượng sẽ để lại hệ lụy kéo dài nhiều năm, đặc biệt là đối với phân bón, hóa chất, thuốc BVTV chứa chất cấm như hiện nay.
Để tạo bước chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm cho nông dân, doanh nghiệp, ngành Nông nghiệp Đắk Nông đã tổ chức các lớp tập huấn cho các tổ chức, cá nhân nhằm thay đổi tư duy, nhận thức, kiến thức, pháp luật, hành động của người dân, doanh nghiệp về tác động của vật tư nông nghiệp đến môi trường, sức khỏe con người và các hoạt động sản xuất.
Mỗi năm, ngành nông nghiệp Đắk Nông sử dụng trên 500 tấn thuốc BVTV
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông đã xây dựng kế hoạch, chương trình thúc đẩy sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm tại địa phương. Trong đó, các cấp, ngành, địa phương tập trung xây dựng các mô hình áp dụng giải pháp sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, tận dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp sẵn có để sản xuất vật tư nông nghiệp hữu cơ, sinh học, hạn chế sử dụng hóa chất để giảm đầu vào sản xuất.
Theo ông Nguyễn Viết Vui, Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp, đây là giá trị lâu dài nhằm tạo ra giá trị bền vững cho trồng trọt, chăn nuôi và cũng là giải pháp quan trọng để hữu cơ hóa, sinh học hóa nền nông nghiệp.
Lan tỏa nông nghiệp tử tế
Nhiều HTX và xã viên ở Đắk Nông đang làm nông nghiệp tử tế, không chạy theo lợi nhuận nhanh mà hướng tới người tiêu dùng.
Ông Hà Công Xã, Giám đốc HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song là một trong những người tích cực bền bỉ vận động nông dân làm nông nghiệp hữu cơ. Hiện nay, HTX Bechamp Đắk Nông đã quy tụ 40 thành viên với tổng diện tích canh tác cà phê theo hướng hữu cơ lên đến 70ha, trong đó, hơn 18ha đạt chứng nhận vườn cà phê hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam. “Muốn có nông sản sạch, thị trường bền, niềm tin vững thì nông dân phải làm nông nghiệp tử tế”, ông Xã chia sẻ.
Anh Hà Công Xã, Giám đốc HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song tích cực vận động nông dân trồng cà phê hữu cơ
Bảo vệ sức khỏe, gìn giữ uy tín nông sản Việt và hướng đến sự phát triển bền vững, đó là lý do ngày càng nhiều nông dân ở Đắk Nông và các vùng miền khác lựa chọn con đường sản xuất tử tế. Nông dân nói không với hóa chất độc hại, gian lận thương mại và chạy theo lợi nhuận trước mắt.
HTX Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song là đơn vị tiên phong trong sản xuất hồ tiêu hữu cơ. Sản phẩm của HTX đạt các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, xuất khẩu sang các thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng.
Bà Trần Thị Thu, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song chia sẻ: "Làm nông nghiệp tử tế là không đánh đổi sức khỏe của chính mình, gia đình và người tiêu dùng để lấy đồng tiền nhanh. Chúng tôi sống ở đây, uống nước từ nguồn đất mình canh tác, ăn rau củ do mình trồng, nếu còn không dám ăn thì bán cho ai”.
Bà Lê Thị Ngọc Hân, sống tại TP. Gia Nghĩa cho biết: "Tôi chấp nhận mua rau, củ, quả, thực phẩm sạch... với giá cao hơn một chút, miễn là có thể tin tưởng. Nông dân làm ăn tử tế giúp người tiêu dùng như tôi yên tâm hơn nhiều".
Thực tế thời gian gần đây, không ít nông sản Việt Nam không chen chân vào được thị trường quốc tế do chứa dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép. Việc này gây thiệt hại nghiêm trọng cho cả nông dân lẫn ngành xuất khẩu.
HTX Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song sản xuất hồ tiêu hữu cơ
Trong đó có sầu riêng bị từ chối nhập khẩu vì tồn dư cadimi. Hồ tiêu, mặt hàng xuất khẩu chủ lực, cũng từng bị cảnh báo do chứa dư lượng chất sudan... Những vi phạm này không chỉ khiến hợp đồng bị hủy, hàng ngàn tấn nông sản phải tiêu hủy, tiêu thụ nội địa với giá rẻ, nông dân trắng tay, doanh nghiệp lao đao và quan trọng hơn là mất lòng tin lâu dài từ thị trường toàn cầu.
Ông Hồ Gấm, TUV, Chủ tịch Hội Nông dân Đắk Nông nhận định: "Nông dân tử tế là người dám từ chối lợi nhuận nhanh để chọn sự phát triển bền vững. Nhưng để nông dân làm được điều đó thì họ rất cần sự đồng hành từ các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm an toàn. Nếu không có đầu ra, người nông dân sẽ khó trụ vững".
Sản phẩm cải thảo VietGAP được xuất khẩu của HTX Thịnh Phát, huyện Đắk Glong, tham gia Hội chợ kết nối tiêu thụ nông sản Tây Nguyên tổ chức tại TP. Gia Nghĩa tháng 4/2025
Người tiêu dùng, đặc biệt là ở thành thị, sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm minh bạch, có trách nhiệm với môi trường. Đây là cơ hội lớn để nông dân tử tế phát triển, miễn là họ xây dựng được thương hiệu và lòng tin.
Nông nghiệp tử tế là một cách tiếp cận nông nghiệp chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, sử dụng các phương pháp canh tác tự nhiên và bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Nguồn: https://baodaknong.vn/dak-nong-thuc-day-san-xuat-nong-nghiep-xanh-253736.html
Bình luận (0)