Những “hạt nhân văn hóa” nơi thôn, bản
Thanh âm da diết cất lên từ tiếng đàn tính, lời hát then, soóng cọ, lời giao duyên mộc mạc... ở những thôn, bản xa xôi chính là tiếng lòng, là khát khao giữ hồn văn hóa của các cộng đồng DTTS vùng cao Quảng Ninh. Và ở đó, các CLB văn nghệ dân gian đang phát huy vai trò là những chủ nhân văn hoá, hạt nhân văn hoá.
Đến xã Tràng Lương (TP Đông Triều) vào một ngày giữa tháng 5, chúng tôi có dịp được đắm mình trong những làn điệu then mượt mà, hoà quyện với tiếng đàn tính mộc mạc của CLB Hát then - đàn tính nơi đây.
Dừng tay đàn sau câu hát then giao duyên đắm say lòng người, ông Vi Văn Tình, Chủ nhiệm CLB Hát then - đàn tính xã Tràng Lương, chia sẻ: Tôi lớn lên bên tiếng hát then của ông bà. Nhưng khi nhìn lại, lớp trẻ bây giờ lại thờ ơ với hát then, nghệ nhân chúng tôi thì mỗi ngày một già yếu, tôi không khỏi thấy xót xa. Chính vì vậy chúng tôi đã cùng nhau vận động thành lập CLB Hát then - đàn tính.
CLB Hát then - đàn tính xã Tràng Lương được thành lập từ năm 2017, với sự khởi xướng của ông Vi Văn Tình - một người con của dân tộc Tày luôn đau đáu nỗi lo “mất hồn” di sản. Từ khi thành lập, CLB trở thành nơi lưu giữ, phát triển những làn điệu then mượt mà, là nét đẹp tâm hồn, nét đẹp văn hoá của người dân nơi đây. Tiếng đàn tính, câu hát then vẫn vang lên hằng ngày trong mỗi gia đình và được trau chuốt mượt mà hơn vào mỗi chiều cuối tuần khi các thành viên CLB Hát then - đàn tính cùng nhau tập luyện.
Không chỉ dừng lại ở luyện tập, CLB còn tích cực tham gia biểu diễn tại các lễ hội, liên hoan văn nghệ, góp phần đưa nghệ thuật hát then - đàn tính đến gần hơn với cộng đồng.
CLB Hát then - đàn tính xã Tràng Lương hiện có hơn 40 thành viên ở nhiều độ tuổi khác nhau. Họ tham gia không vì danh hiệu, cũng chẳng vì lợi ích vật chất, mà bởi một tình yêu không điều kiện với di sản văn hoá của dân tộc. Chị Vi Thị Ngọc (SN 1993), thành viên CLB, chia sẻ: Tôi hát chưa hay, đàn chưa giỏi, nhưng luôn luôn cố gắng. Tôi mong muốn sau này con cháu tôi vẫn được nghe điệu then như tôi đã từng được nghe bà tôi hát.
Còn ở xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, làn điệu soóng cọ của người Sán Chỉ vẫn đều đặn vang lên trong mỗi ngôi nhà, trên cánh đồng, khe suối. Những làn điệu soóng cọ du dương, trầm bổng dặt dìu khắp núi rừng, gắn với mọi sinh hoạt trong đời sống của người Sán Chỉ nơi đây.
Chúng tôi đến thăm nhà Nghệ nhân dân gian Lục Văn Bình, Chủ nhiệm CLB Hát soóng cọ xã Thanh Sơn tại thôn Khe Pụt vào những ngày cuối tháng 5, đúng dịp CLB đang tổ chức sinh hoạt tại nhà ông.
Tại buổi sinh hoạt, các thành viên CLB sôi nổi đóng góp ý kiến để soạn lời cho một số bài hát. Họ cùng nhau cất lên những câu hát đối đáp, giao duyên tươi vui và tình tứ mang nhiều sắc thái, cung bậc tình cảm. Mỗi câu hát, lời ca của các thành viên đều được nghệ nhân Lục Văn Bình uốn nắn, điều chỉnh sao cho mượt mà, du dương, hay thẳm sâu hơn với từng cung bậc tình cảm.
Nghệ nhân Lục Văn Bình chia sẻ: Chúng tôi hát soóng cọ quanh năm, khi chúc Tết, cưới hỏi, giao duyên, hay đơn giản chỉ là bày tỏ lòng mình. Tôi và các thành viên CLB vẫn duy trì sinh hoạt đều đặn, dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Những buổi sinh hoạt là dịp để chúng tôi trao đổi, truyền dạy kinh nghiệm, kỹ năng đối với mỗi làn điệu, bài hát. Không chỉ hát với nhau, các thành viên CLB luôn là những người tích cực gắn kết cộng đồng, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
Được biết, CLB Hát soóng cọ xã Thanh Sơn do nghệ nhân Lục Văn Bình - người đã dành gần 10 năm để khôi phục, duy trì nét văn hóa đặc sắc này làm Chủ nhiệm hiện có 16 thành viên, tuổi đời ở mức trung niên và nhiều bạn trẻ. Họ đến với nhau bằng niềm đam mê chung, cùng gìn giữ lời ca, điệu hát của ông cha. Soóng cọ không chỉ là những câu hát giao duyên, lời chúc tốt đẹp trong các dịp lễ, tết, mà là cách thức để tâm hồn được giãi bày, tình yêu đôi lứa chớm nở qua từng câu hát đối. Thành viên CLB Hát soóng cọ xã Thanh Sơn ngoài việc tập luyện để biểu diễn còn tích cực sưu tầm lời cổ, sáng tác lời mới ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu bản, làng bản, quê hương đất nước…
Kết nối hiện tại, giữ gìn tương lai
Không chỉ ở Đông Triều, Ba Chẽ, mô hình CLB văn nghệ dân gian đang được phát triển mạnh mẽ tại hầu hết các địa phương trong tỉnh. Tại Bình Liêu, các CLB văn nghệ dân gian đã phát triển mạnh mẽ. Toàn huyện hiện có tổng số 13 CLB, trong đó có 6 CLB cấp xã và 7 CLB cấp thôn, khu. Mỗi CLB cấp xã có 20-30 hội viên; cấp thôn, khu có 15-20 hội viên tham gia sinh hoạt, thường xuyên tổ chức giao lưu, tham gia các hội thi, hội diễn, trao đổi học tập lẫn nhau. Qua đó, tạo không gian văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu vui chơi, hưởng thụ văn hóa của nhân dân địa phương, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bình Liêu đã phối hợp mở hàng chục lớp truyền dạy hát then, đàn tính, múa dân gian nâng cao cho thành viên các CLB văn nghệ dân gian do các Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ sĩ Vùng mỏ giảng dạy. Hình thức truyền dạy được tổng hợp hài hòa, nhuần nhuyễn nhiều thể loại, như trích đoạn then cổ, then mới, các điệu múa cơ bản trong diễn xướng then cổ...
Đặc biệt, nội dung này đã được đưa vào sinh hoạt ngoại khóa ở các trường học. Học sinh Trường PTDT nội trú huyện Bình Liêu mặc trang phục dân tộc trong lễ chào cờ, tham gia gói bánh gù, bánh cốc mò, biểu diễn hát dân ca... không chỉ để vui chơi, mà còn để sống với di sản văn hoá của dân tộc mình. Các CLB trở thành cầu nối giữa thế hệ già và thế hệ trẻ, giữa quá khứ và tương lai. Qua đó, ý thức về gìn giữ bản sắc văn hoá không còn là khẩu hiệu, mà thực sự được lan tỏa từ trái tim tới hành động.
Tại huyện Ba Chẽ cũng đã phục dựng, mở được 12 lớp truyền dạy văn hoá phi vật thể cho 320 người tham gia hát dân ca, thêu hoa văn của dân tộc Dao, hát soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ, hát then - đàn tính của dân tộc Tày… Đồng thời, thành lập được 3 CLB Hát soóng cọ, 2 CLB Hát đối của dân tộc Dao, 1 CLB hát then - đàn tính của dân tộc Tày, 2 CLB Thêu thổ cẩm của dân tộc Dao, với hơn 230 người tham gia sinh hoạt.
Từ những CLB văn nghệ dân gian nơi bản, làng xa xôi đã có hàng trăm nghệ nhân, hàng nghìn lượt học viên được truyền dạy. Nhiều nghệ nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý, như Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân dân gian... Điều quan trọng nhất là những làn điệu dân ca, lời hát dân gian không còn bị mai một, mà đang sống trong mỗi nhịp đập đời thường.
Các CLB văn nghệ dân gian hoạt động sôi nổi, đều đặn và gắn với những sự kiện văn hóa, du lịch của địa phương không chỉ giúp bảo tồn di sản của dân tộc, mà còn trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch. Nhiều CLB đã mang lời ca, tiếng hát đi biểu diễn liên tỉnh, tham gia hội diễn toàn quốc, quảng bá hình ảnh Quảng Ninh ra cả nước.
Đến nay, chưa có thống kê đầy đủ về số lượng các CLB văn nghệ dân gian trên địa bàn tỉnh, nhưng một điều chắc chắn là các CLB đang tồn tại với nhiều hình thức rất đa dạng. Tại các địa phương trong tỉnh, các CLB chịu sự quản lý của tổ chức hội văn học nghệ thuật, văn nghệ dân gian, hội phụ nữ, hoặc UBND các xã. Riêng Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh cũng đã thành lập và hỗ trợ hoạt động chuyên môn cho 48 CLB, trong đó có nhiều CLB văn nghệ của đồng bào DTTS.
Việc phát triển mạnh mẽ của các CLB văn nghệ dân gian ở vùng cao Quảng Ninh là minh chứng rõ ràng cho sức sống mãnh liệt của văn hoá, văn nghệ dân gian. Không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, các CLB này đã và đang thổi bùng ngọn lửa gìn giữ bản sắc, tiếp lửa cho thế hệ trẻ, biến những “tài nguyên phi vật thể” thành nguồn lực phát triển kinh tế, du lịch bền vững, giàu bản sắc.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/danh-thuc-vai-tro-cua-nhung-chu-nhan-van-hoa-3359643.html
Bình luận (0)