sự vào cuộc của các ngành, địa phương và sự thay đổi nhận thức của người dân, môi trường ở vùng đồng bào dân tộc ngày càng được cải thiện.
Hiệu quả từ những giải pháp cụ thể
Đều đặn chủ nhật hàng tuần, bà con thôn Nà Khau, xã Đồng Tâm đều tự giác tham gia dọn vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm. Phong trào Ngày Chủ nhật xanh đã thu hút không chỉ người dân mà cán bộ, đảng viên, công chức sinh sống trên địa bàn đều tham gia. Điều đáng quý nhất là nhận thức của người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường ngày càng được nâng cao.
Huyện Bình Liêu với trên 96% dân số là đồng bào DTTS. Thời gian qua, do dân số tăng và lượng khách du lịch đến tham quan tại địa phương cũng khiến phát sinh khối lượng các thành phần chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. UBND huyện đã xây dựng và ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đến mọi đối tượng, tầng lớp nhân dân. Các xã trên địa bàn huyện đồng loạt ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường, nạo vét mương, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải. Bên cạnh đó, chính quyền các xã vận động người dân thu gom rác đến nơi quy định, hạn chế các điểm chứa rác tự phát. Nhân dân đồng lòng thực hiện các phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Biến rác thành tiền”, “Ủ phân hữu cơ”...
Đặc biệt, vận động người dân chăn nuôi gia súc, gia cầm có chuồng trại, hạn chế nuôi thả rông gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường sống. Riêng năm 2024, toàn huyện đã huy động được trên 11.000 lượt người tham gia vệ sinh môi trường, quét dọn, thu gom, xử lý trên 230m3 rác thải với trên 50km trục đường chính, đường dân sinh và các nhà văn hóa thôn khu. Nhiều ha rừng trồng đã phủ xanh đất trống đồi, núi trọc…
Tại huyện Hải Hà thời gian qua, cấp uỷ đảng và chính quyền luôn xác định phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi với công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, nhất là trong vùng đồng bào DTTS chiếm 25% dân số toàn huyện. Đồng thời, tăng cường quản lý, kịp thời phát hiện, có biện pháp xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Huyện duy trì thực hiện thường xuyên phong trào toàn dân tham gia tổng vệ sinh môi trường vào các ngày thứ bảy, chủ nhật xanh, triển khai mô hình 5 không 3 sạch, mô hình đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng. Qua đó đã thu gom rác thải, phát quang, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, thực hiện làm sạch môi trường qua 55 buổi với sự tham gia của 1.750 lượt người. Đặc biệt, nước thải sinh hoạt khu vực nông thôn phát sinh trên địa bàn huyện khoảng 4.911,6 m³/ngày. Tỷ lệ nước thải được thu gom, xử lý đạt 66,3% bằng biện pháp phù hợp, hiệu quả (bể tự hoại) trước khi xả vào hệ thống thoát nước chung của khu vực.
Chính quyền các xã tuyên truyền về tầm quan trọng của việc xây nhà tiêu, nhà tắm đúng chuẩn, xây hầm bể tự hoại. Nhiều gia đình đồng ý tu sửa nhà vệ sinh hoặc được huyện hỗ trợ xây mới. Từ đầu năm 2025, huyện tiếp tục đầu tư xây mới 5 nhà tiêu hợp vệ sinh cho nhân dân trên địa bàn. Bà Mã Thị Liên, thôn 7, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà, cho biết: Trước kia, gia đình tôi không có nhà vệ sinh. Nhưng sau khi cán bộ xã, cán bộ thôn tuyên truyền mới thấy, việc phóng uế bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh. Đầu năm 2025 khi được hỗ trợ chi phí để xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, gia đình rất phấn khởi. Đến giờ nhà vệ sinh đã được sử dụng, góp phần cải thiện đời sống cũng như đảm bảo sức khoẻ và vệ sinh môi trường.
Thiếu hụt về nước sinh hoạt và vệ sinh là một trong những tiêu chí được quan tâm giải quyết trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Ngoài việc tập trung đầu tư hạ tầng đường ống cung cấp nước cho người dân trên địa bàn các xã, huyện Hải Hà tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đấu nối, sử dụng nước sạch, nước sinh hoạt từ các công trình cấp nước tập trung. Theo đó, ít nhất 69% tỷ lệ người dân khu vực đô thị được sử dụng nước sạch; trên 99,6% tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh.
Anh Trưởng Văn Lý, thôn 7, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà, cho biết: Trước đây, gia đình tôi luôn trong tình trạng bị thiếu nước nghiêm trọng. Vào mùa mưa thì chủ động tích nước trong bể chứa, còn vào mùa khô thì phải sử dụng rất tiết kiệm. Cuối năm 2024, nhân dân trong thôn được lắp đường ống nước, ai cũng phấn khởi, giờ đây đã được sử dụng nước hợp vệ sinh. Quan trọng hơn là chúng tôi không còn lo vì bị thiếu nước nữa.
Ba Chẽ cũng là địa phương có trên 80% là đồng bào DTTS. Xác định bảo vệ môi trường ở khu vực đồng bào DTTS đòi hỏi sự kết hợp giữa nâng cao nhận thức, phát triển bền vững và ứng dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp với đặc điểm của từng vùng, thời gian qua, huyện Ba Chẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Qua đó dần thay đổi thói quen của người dân trong sinh hoạt và sản xuất, không chỉ hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn góp phần tạo nên diện mạo mới cho khu vực nông thôn.
Ông Vi Thanh Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Ba Chẽ, cho biết: Thời gian qua, huyện Ba Chẽ luôn bám sát Luật Bảo vệ môi trường, các văn bản chỉ đạo của cấp trên để ban hành các văn bản, kế hoạch, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ môi trường sát với tình hình thực tế của địa phương. Hằng năm, huyện thường xuyên phát động phong trào trồng rừng, trồng cây xanh, thu gom rác thải, nạo vét các dòng suối, phát quang bụi rậm, khơi thông dòng chảy… kịp thời ứng phó khi xảy ra thiên tai. Phòng Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Hội LHPN huyện tập huấn, tuyên truyền hướng dẫn công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rác thải hữu cơ tại xã Thanh Sơn, Đạp Thanh, Minh Cầm và thị trấn Ba Chẽ. Qua đó, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải tạo cảnh quan và hạn chế tối đa việc phát sinh chất thải rắn ra môi trường, duy trì độ che phủ rừng trên địa bàn huyện đạt trên 72%...
Đồng bộ các giải pháp
Đồng bào DTTS miền núi sinh sống chủ yếu ở vùng núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa - có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế, an ninh và quốc phòng. Đó cũng là những địa bàn điều kiện cơ sở hạ tầng còn khó khăn, thiếu thốn. Cùng với đó, nhiều nơi còn tồn tại phong tục, tập quán, thói quen lạc hậu làm ảnh hưởng đến môi trường sống…Vì vậy, khắc phục hoàn cảnh sống khó khăn và hướng tới điều kiện sống hoàn thiện, bền vững cho đồng bào DTTS là chủ trương quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH, đảm bảo vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh xác định bảo vệ môi trường vùng đồng bào DTTS là giải pháp căn bản góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và mang lại hạnh phúc cho người dân. Theo đó, các địa phương trong tỉnh đều xây dựng kế hoạch của từng địa phương, giao nhiệm vụ cho các phòng, đơn vị trực thuộc triển khai. Nhiều địa phương đã vận dụng các cách làm hay đem lại hiệu quả tích cực trong công tác bảo vệ môi trường như: Triển khai thí điểm mô hình cộng đồng tham gia quản lý, phân loại rác thải tại nguồn, vận động, hỗ trợ người dân di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở, đảm bảo vệ sinh môi trường, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh...
Đặc biệt, để thuận lợi cho người dân trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, Quảng Ninh tích cực đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, trong đó có các xã miền núi, xã vùng DTTS để việc di chuyển xe thu gom rác được dễ dàng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 3/5 khu xử lý rác cấp vùng đi vào hoạt động; 9/13 địa phương có lò đốt rác được đầu tư đã đi vào hoạt động với tổng số 19 lò đốt rác. Nhờ đó đến nay, đã có gần 92% số rác thải sinh hoạt của người dân vùng nông thôn, miền núi được thu gom, xử lý theo đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh tích cực đầu tư hạ tầng cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 274 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, góp phần đảm bảo tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,9%.
Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên theo đánh giá của nhiều địa phương, đơn vị, vẫn còn những tồn tại vướng mắc khiến công tác bảo vệ môi trường tại một số khu vực chưa được nhân rộng; công tác phân loại rác thải tại nguồn, tuần hoàn, tái sử dụng rác thải hữu cơ còn hạn chế; xây dựng giá và thu tiền thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn các xã…
Giai đoạn trước mắt và lâu dài, để công tác bảo vệ môi trường vùng đồng bào DTTS đạt hiệu quả, ngoài các kế hoạch, cách làm của mỗi địa phương thì việc tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư tiếp tục phải được triển khai đồng bộ. Ngoài ra, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát về bảo vệ môi trường của các ngành chức năng thường xuyên, kịp thời xác định mức độ ô nhiễm để có các biện pháp xử lý kịp thời.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/bao-ve-moi-truong-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-3359647.html
Bình luận (0)