Trong bối cảnh hoạt động cảng biển ngày càng đối mặt với những rủi ro phức tạp, đặc biệt là dưới tác động khó lường của biến đổi khí hậu và yêu cầu ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn an toàn – ổn định trong vận hành, hội thảo lần này được tổ chức nhằm củng cố nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy những chuyển biến thực chất trong công tác đảm bảo an toàn và phòng chống thiên tai trong toàn hệ thống VIMC.
Thực tiễn vận hành cho thấy thiên tai không còn diễn ra theo quy luật mùa vụ truyền thống. Các hiện tượng cực đoan như bão Yagi năm 2024 hay mưa lớn cục bộ, lốc xoáy trái mùa… đã tác động trực tiếp tới năng lực tổ chức, điều hành và phục hồi khai thác của nhiều doanh nghiệp cảng. Hội thảo khẳng định rằng việc ứng phó với thiên tai không thể dừng ở mức “đối phó”, mà phải trở thành một phần trong kế hoạch sản xuất – kinh doanh và quản trị rủi ro tổng thể.
Đáng chú ý, việc an toàn vẫn chưa thực sự được đặt ngang hàng với các mục tiêu sản xuất và kinh doanh. Khi chưa trở thành một phần của văn hóa doanh nghiệp, an toàn dễ bị xem nhẹ và tách biệt khỏi quá trình vận hành. Hội thảo kêu gọi sự thay đổi tư duy từ “an toàn là nhiệm vụ của một bộ phận” sang “an toàn là trách nhiệm của cả hệ thống”, với sự tham gia chủ động từ lãnh đạo đến người lao động trực tiếp tại hiện trường.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch HĐQT Lê Anh Sơn nhấn mạnh rằng an toàn không chỉ là quy trình hay khẩu hiệu, mà phải được chuyển hóa thành bản năng trong từng hành động của người lao động tại cảng. Theo ông, chỉ khi mỗi cá nhân trong hệ thống tự giác nhận diện rủi ro, chủ động tuân thủ quy tắc và phản ứng đúng trước mọi tình huống – kể cả trong điều kiện khẩn cấp hay áp lực sản lượng – thì lúc đó, văn hóa an toàn mới thực sự đi vào chiều sâu và trở thành nền tảng bền vững cho sự phát triển. Chủ tịch cũng kêu gọi các đơn vị thành viên không dừng lại ở việc ban hành quy định, mà cần thiết lập môi trường làm việc, cơ chế giám sát và đào tạo liên tục để hành vi an toàn trở thành phản xạ tự nhiên – không cần nhắc nhở, không cần ép buộc.
Tại hội thảo, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Ánh cùng đại diện các doanh nghiệp đã thảo luận, chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn và đề xuất giải pháp như tăng cường công nghệ giám sát – cảnh báo, chuẩn hóa quy trình tác nghiệp, đào tạo năng lực ứng phó hiện trường, và đầu tư hệ thống thiết bị chuyên dụng. Các ý kiến cũng thống nhất về sự cần thiết xây dựng cơ chế phối hợp liên vùng, nhằm bảo đảm phản ứng nhanh, hiệu quả trong các tình huống thiên tai phức tạp.
Với sự tham gia tích cực, nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm cao của các đơn vị, hội thảo đã đạt được mục tiêu đề ra, góp phần củng cố tư duy quản trị rủi ro hiện đại, tạo nền tảng vững chắc cho việc xây dựng hệ thống cảng biển an toàn – chuyên nghiệp – bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển trong giai đoạn mới.
Nguồn: https://vimc.co/doi-moi-tu-duy-de-chu-dong-ung-pho-thien-tai-va-dam-bao-an-toan-cang-bien/
Bình luận (0)