Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh tổ chức tập huấn triển khai nhiệm vụ theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp_Nguồn: baoquangninh.vn
1. Với những đặc điểm như tính siêu liên kết xã hội, tính đồng đẳng giữa người phát và người nhận, tính mở về thông tin, có khả năng đa phương tiện, tương tác cao, liên kết và lan tỏa nhanh chóng…, không gian mạng là nơi mà người sử dụng có thể tìm kiếm, theo dõi và tham gia vào các hoạt động như đăng bài viết, bình luận, chia sẻ thuận lợi, dễ dàng. Nhờ sự gia tăng liên tục các hoạt động đăng tải, chia sẻ và lưu trữ thông tin với nhiều hình thức, nên thông tin trên không gian mạng giúp con người ở mọi nơi trên thế giới kết nối, trò chuyện, trao đổi, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích và tiện ích, không gian mạng đã và đang gây ra những tác động tiêu cực đến cộng đồng; sự gia tăng các hành vi lệch chuẩn trong tư tưởng, văn hóa và đạo đức xã hội đang là vấn đề nhức nhối ở nhiều quốc gia.
Ở Việt Nam, việc nhận diện, phê phán kịp thời các biểu hiện, hành động lệch lạc, lệch chuẩn (biểu hiện lệch chuẩn) trên không gian mạng đã được Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng xác định là nhiệm vụ quan trọng, qua đó góp phần bảo vệ an ninh chính trị, tăng cường sức đề kháng của cộng đồng xã hội, nhất là giới trẻ; đồng thời củng cố và phát huy các giá trị tinh thần, văn hóa tốt đẹp của dân tộc...
Nhận diện và phê phán các biểu hiện lệch chuẩn trên không gian mạng được Đảng ta xác định là một trong những nội dung cốt lõi của nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cùng với các cơ quan, lực lượng chức năng, sự tham gia chủ động, tích cực của các địa phương, đặc biệt là những địa bàn có vị trí chiến lược, có ý nghĩa then chốt trong giữ vững thế trận an ninh tư tưởng và tạo sức đề kháng xã hội mạnh mẽ.
2. Biểu hiện lệch chuẩn được hiểu là những hành động, quan điểm, thái độ lệch lạc, sai trái hoặc không phù hợp với các chuẩn mực đạo đức, pháp luật hoặc những giá trị văn hóa, chính trị mà xã hội và cộng đồng đã xây dựng. Những biểu hiện này xuất hiện trong nhiều hình thức khác nhau, từ hành động “bạo lực mạng”, phát tán thông tin sai lệch, đến việc truyền bá những quan điểm chính trị, văn hóa cực đoan, phản động.
Không khó để nhận thấy, thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, nhiều “cư dân mạng”, một bộ phận giới trẻ, đã và đang có những “góc nhìn” và quan điểm sai lệch, đi ngược lại những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhiều biểu hiện đáng lo ngại như cổ vũ, tung hô cho lối sống thực dụng, sùng bái tiền bạc, chạy theo “sự nổi tiếng bất chấp” qua các trào lưu, xu hướng được gán mác là “hiện đại”, “tự do”, “sống cho mình”…
Không ít thanh thiếu niên luôn “nhiệt tình” cổ vũ cho những “thần tượng mạng” có những phát ngôn và hành vi coi thường thuần phong mỹ tục, vi phạm chuẩn mực xã hội, thậm chí là bất chấp pháp luật. Không hiếm những đối tượng được giới trẻ hâm mộ lại tỏ ra xem thường pháp luật; tung hô những hành động sai trái; nhiều người trẻ “bằng mọi giá” để “nổi tiếng”…
Trong những năm gần đây, không gian mạng là “mảnh đất” màu mỡ của rất nhiều thông tin sai lệch, xấu độc. Các đối tượng phản động, chống phá đã không ngừng lợi dụng tính ẩn danh và khả năng lan truyền nhanh của các phương tiện truyền thông xã hội để xuyên tạc lịch sử, truyền bá những tư tưởng thù hận, phân biệt đối xử, thậm chí kích động bạo lực, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bóp méo thông tin chính sách, phủ nhận thành quả cách mạng và vai trò lãnh đạo của Đảng. Điều đáng nói, không ít những nội dung chống phá, phản động lại được “khuyếch đại” lan tỏa bởi những hành động chia sẻ, bình luận lệch chuẩn của một bộ phận người tham gia các phương tiện truyền thông xã hội.
Mặc dù, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã xử lý hàng ngàn vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến những hành vi lệch chuẩn trên các phương tiện truyền thông xã hội, trong đó có những nội dung mang tính chất chống phá chính trị, xuyên tạc lịch sử, kích động ly khai, gây chia rẽ dân tộc và tôn giáo…, nhưng trên các nền tảng như Facebook, TikTok, YouTube… vẫn tồn tại hàng nghìn tài khoản ẩn danh đăng tải nội dung công kích chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước. Điều đáng nói là những thông tin này không chỉ dừng lại ở các đối tượng chống đối có tổ chức, mà có chiều hướng lan rộng trong các nhóm cộng đồng, diễn đàn mạng. Vì thiếu hiểu biết và không nhận thức rõ đúng - sai, một bộ phận “cư dân mạng” vẫn lan truyền những video clip xuyên tạc, bóp méo sự thật, nhưng việc đấu tranh phê phán, phản bác, lên án, chỉ rõ đúng - sai của những biểu hiện, hành vi lệch chuẩn đó có lúc, có nơi lại chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả.
Bên cạnh những hoạt động chống phá có chủ đích trên không gian mạng của các tổ chức phản động, thù địch, những biểu hiện lệch chuẩn - nhất là với những cá nhân, nhóm cộng đồng thiếu hiểu biết - nếu không được cảnh tỉnh, ngăn chặn kịp thời, sẽ “tiếp tay” cho kẻ xấu, làm mất ổn định xã hội và suy giảm niềm tin của người dân.
Do đó, cùng với việc tăng cường các thông tin phản bác, phê bình, phản biện trên không gian mạng đối với những biểu hiện, hành vi lệch chuẩn, cần chú trọng hơn nữa việc định hướng, giáo dục kỹ năng tiếp cận thông tin trên các phương tiện truyền thông xã hội; kiên quyết khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý; tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức của người tham gia các phương tiện truyền thông xã hội trong các trường học, cơ quan, đơn vị; bảo đảm năng lực, trình độ của cán bộ các cơ quan chức năng theo kịp với tốc độ phát triển của công nghệ…
Đoàn viên, thanh niên tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn người dân chuyển đổi số_Nguồn: baoquangninh.vn
3. Quảng Ninh là vùng đất mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa. Trong suốt quá trình phát triển, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng luôn được Đảng bộ tỉnh chú trọng.
Xác định công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và đấu tranh phê phán, chấn chỉnh những biểu hiện lệch chuẩn trên các phương tiện truyền thông xã hội có ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm an ninh quốc gia, an ninh chính trị nội bộ, an ninh tư tưởng - văn hóa, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án liên quan đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, thông tin xấu, độc, lệch chuẩn, nhất là triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị và Quy định số 85-QĐ/TW, ngày 7-10-2022, của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội gắn với vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá thông tin giả, sai sự thật, xấu, độc trên không gian mạng” và Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá thông tin giả, sai sự thật, xấu độc trên không gian mạng. Trên cơ sở đó, các lực lượng chức năng đã chủ động nắm tình hình, phân tích, đánh giá thông tin xấu, độc; đồng thời phối hợp tổ chức thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu độc trên internet, các phương tiện truyền thông xã hội. Công an tỉnh đã tích cực nắm bắt, phát hiện, xác minh, cảnh báo trên không gian mạng về những nội dung tin giả, sai sự thật, các thủ đoạn lừa đảo, hành vi vi phạm pháp luật; các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp tuyên truyền, giáo dục, cảnh báo, răn đe, nhắc nhở đối với những cá nhân, tổ chức có biểu hiện, hành vi lệch chuẩn trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Công an tỉnh và cơ quan chức năng kiên quyết xử lý đối với những trường hợp cố tình vi phạm. Trên địa bàn tỉnh, có thời điểm lan truyền thông tin sai lệch về chủ quyền biển đảo, khai thác khoáng sản, những vấn đề nhạy cảm về tôn giáo, chính trị… xuất phát từ một số cá nhân cố tình tạo dựng xuyên tạc và phát tán trên các phương tiện truyền thông xã hội. Những nội dung sai sự thật được nhiều phương tiện truyền thông xã hội sao chép, đăng tải lại, cắt ghép, thu hút nhiều lượt bình luận, chia sẻ. Với sự vào cuộc kịp thời của hệ thống chính trị và các lực lượng nòng cốt, các thông tin sai sự thật cũng như những biểu hiện, hành vi lệch chuẩn trong chia sẻ, bình luận, phát tán đã được ngăn chặn và xử lý hiệu quả.
Các cơ quan chức năng của tỉnh tích cực xây dựng các chuyên mục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch công khai trên các phương tiện truyền thông; thành lập, phát triển các fanpage, group trên các phương tiện truyền thông xã hội để tuyên truyền, chia sẻ, lan tỏa luồng thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phê phán, chấn chỉnh những biểu hiện lệch chuẩn. Trong đó, Trung tâm truyền thông tỉnh phát huy lợi thế tòa soạn đa phương tiện, đóng vai trò nòng cốt, là đường dẫn, là kênh thông tin chính thống, thông tin nguồn để các trang, nhóm của các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị tỉnh khai thác, trích dẫn.
Lực lượng chức năng các cấp đã lập hàng trăm trang, tài khoản các phương tiện truyền thông xã hội để cung cấp thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận với hàng ngàn thành viên. Một số trang hoạt động hiệu quả, có uy tín, đông người theo dõi, được nhân dân đón nhận và đánh giá cao như: Tôi yêu Quảng Ninh, Tự hào Quảng Ninh, Tuyên giáo Quảng Ninh, fanpage QMG, Tin tức Quảng Ninh 24/7 của Trung tâm Truyền thông tỉnh, Quảng Ninh Express, Leng Keeng, Hạ Long muôn màu, Người thợ… Các trang, nhóm, tài khoản trên các phương tiện truyền thông xã hội đã góp phần cung cấp thông tin chính thống; phản bác thông tin giả, sai sự thật, biểu hiện lệch chuẩn; định hướng dư luận xã hội.
Bên cạnh đăng tải, chia sẻ các bài viết đấu tranh, phản bác, phê phán trực diện, cơ quan chức năng của tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan truyền thông địa phương sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông xã hội để tuyên truyền các chủ trương, chính sách, thành tựu phát triển, các mô hình đổi mới, gương tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu theo hướng lấy “cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”; kịp thời đưa các chương trình thời sự lên các phương tiện truyền thông xã hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các thông tin chính thống của tỉnh; đa dạng hóa các hình thức đăng tải tin, bài, nhất là những nội dung đấu tranh phản bác, phê phán trên các phương tiện truyền thông xã hội...
Cùng với những kết quả đạt được, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác, phê phán các hoạt động chống phá, thù địch và những biểu hiện, hành vi lệch chuẩn trên mạng xã hội ở Quảng Ninh vẫn còn không ít hạn chế. Trong đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số kéo theo sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện truyền thông xã hội dẫn đến việc quản lý thông tin trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Bên cạnh những cố gắng, nỗ lực, các cơ quan chức năng còn gặp không ít khó khăn trong việc phối hợp giám sát và xử lý kịp thời các thông tin sai lệch, xấu độc, đặc biệt là những thông tin phát tán với diện rộng, có tính ẩn danh cao, sử dụng thư điện tử ảo để hoạt động. Công tác nắm bắt dư luận, tuyên truyền đấu tranh phản bác các quan điểm lệch lạc, lệch chuẩn, xấu độc, sai trái có lúc, có nơi, có việc còn thiếu kịp thời; số lượng các bài viết phản biện chất lượng chưa cao, chưa thu hút được nhiều chuyên gia, những người có ảnh hưởng tham gia viết bài; mức độ tiếp cận thông tin và thu hút độc giả còn hạn chế…
Thời gian tới, biện pháp cơ bản và đồng bộ trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch gắn với phê phán, chấn chỉnh, xử lý các hành vi lệch chuẩn trên các phương tiện truyền thông xã hội được xác định là:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, triển khai các hình thức, phương thức đấu tranh phê phán, phản bác trên không gian mạng đa dạng, khoa học, phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Luôn xác định công tác tư tưởng là một mặt trận trọng yếu, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược, cần đề ra những kịch bản, chương trình, kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.
Thứ hai, tiếp tục quán triệt, triển khai sâu rộng các nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương. Trong đó có Quy định số 85-QĐ/TW, ngày 7-10-2022, của Ban Bí thư, về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, các phương tiện truyền thông xã hội; Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; Bộ tiêu chí văn hóa số của người Quảng Ninh văn minh, lịch sự trên môi trường số.
Thứ ba, tăng cường công tác phối hợp của các cơ quan, lực lượng chức năng của tỉnh trong xác minh, triệu tập, yêu cầu đính chính và xử lý nghiêm minh, thông tin rộng rãi trên các phương tiện báo chí, truyền thông. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giám sát và quản lý thông tin trên không gian mạng.
Thứ tư, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn về an ninh mạng, nhận diện bài, tin giả, xấu độc, các biểu hiện lệch chuẩn cho nhiều đối tượng... Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ ở các địa bàn trọng điểm, nhất là các khu công nghiệp, vùng dân tộc thiểu số, khu vực biên giới. Tăng cường tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phổ biến kiến thức về lịch sử và những quan điểm, chủ trương của Đảng; giáo dục nâng cao nhận thức, nhận diện thông tin sai lệch, xấu độc, lệch chuẩn trên không gian mạng và những hậu quả của nó.
Thứ năm, tăng cường công tác nắm bắt tình hình thông tin và dư luận xã hội; tiếp tục vận hành và phát huy hiệu quả hoạt động của các lực lượng chức năng, tổ chuyên trách về tuyên truyền, đấu tranh với thông tin thù địch, sai trái, lệch chuẩn. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức, hội, đoàn thể tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội. Trong đó, tiếp tục duy trì các nhóm cộng tác viên tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, nhất là ngành giáo dục và đoàn thanh niên.
Thứ sáu, phát triển mạng lưới tuyên truyền viên trẻ, tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo phù hợp giới trẻ như các cuộc thi, diễn đàn, tọa đàm với các chủ đề phong phú, gần gũi, nhằm trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức cơ bản về lịch sử, văn hóa, tư tưởng của Đảng. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, hội viên, đoàn viên, thanh niên trong đấu tranh với những biểu hiện lệch chuẩn trên không gian mạng. Khuyến khích người dân nhận diện, báo cáo và tham gia vào các hoạt động đấu tranh phản bác, phê phán những hành vi, biểu hiện xấu độc, sai trái, lệch chuẩn…
Thứ bảy, phát huy vai trò của văn nghệ sĩ, nhà báo trong sáng tác các tác phẩm văn học - nghệ thuật, báo chí nhận diện, đấu tranh phản bác, phê phán những biểu hiện sai trái, lệch chuẩn trong xã hội và trên không gian mạng. Nâng cao vai trò “bộ lọc” thông tin, bảo đảm tính xác thực, khách quan và chuyên nghiệp của báo chí chính thống.
Thứ tám, tăng cường giáo dục văn hóa truyền thống dân tộc và quê hương “Đất Mỏ anh hùng”, qua đó tạo dựng thế hệ người dân Quảng Ninh “thời đại số” vừa thích ứng với hội nhập, phát triển, với khoa học - công nghệ, vừa nắm vững, hiểu sâu và tự hào về lịch sử, truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng.../.
Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/thuc-tien-kinh-nghiem1/-/2018/1101302/dau-tranh-phe-phan-cac-bieu-hien-lech-chuan-tren-khong-gian-mang---thuc-tien-tu-quang-ninh.aspx
Bình luận (0)