Chiều 22/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Huế thảo luận ở tổ 7 cùng các đoàn: Kiên Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn về ba dự thảo nghị quyết liên quan trực tiếp đến đời sống người dân: Miễn, hỗ trợ học phí cho học sinh phổ thông, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi, và kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam cho rằng đầu tư vào giáo dục chính là làm cách mạng cho tương lai

“Nếu làm tốt từ gốc, trẻ sẽ có thể tự học suốt đời”

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Hải Nam (Đoàn ĐBQH TP.Huế) mở đầu bằng một liên tưởng từ tác phẩm “Tuổi thơ dữ dội của nhà văn Phùng Quán. Nhân vật Mầm, một cậu bé tham gia cách mạng chỉ vì tình yêu với mẹ và quê hương, từng nói “Cách mạng là cử nhân hàng chục triệu, hàng trăm triệu”. Câu nói tưởng chừng ngây ngô ấy, theo đại biểu Nam, lại gợi mở một chân lý: Đầu tư vào giáo dục chính là làm cách mạng cho tương lai.

“Các nhà khoa học châu Âu và Mỹ đã chỉ ra rằng, từ 3 đến 7 tuổi là “thời kỳ vàng” để phát triển ngôn ngữ, hình thành thế giới quan và nền tảng nhận thức. Trẻ ở độ tuổi này giống như miếng bông khô, học rất nhanh và hiệu quả. Nếu chúng ta dạy tiếng Anh, kỹ năng sống, tư duy nền tảng từ độ tuổi này, thì sau này các cháu sẽ tự học rất tốt”, ông Nam nhấn mạnh.

Từ những lập luận đó, ông cho rằng việc phổ cập giáo dục mầm non là cần thiết, nhưng quan trọng không kém là phải phân bổ nguồn lực đồng đều giữa các địa phương. “Với các hộ khá giả, hỗ trợ không quá quan trọng. Nhưng với người nghèo, sự hỗ trợ chi phí học tập, phụ cấp là cả một sự tiếp sức quan trọng, góp phần tăng công bằng xã hội”, ông Nam nói.

Đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) đặt ra hàng loạt câu hỏi lớn về cách hiểu và thực thi “phổ cập giáo dục mầm non”. 

Theo ông Hoàng, phổ cập không chỉ dừng lại ở miễn, giảm học phí cho một số đối tượng, mà phải đảm bảo mọi trẻ trong độ tuổi từ 3 đến 5 đều được đến trường, có chứng nhận hoàn thành chương trình.

“Hiện nghị quyết chỉ nhấn mạnh đến trẻ từ 3 tuổi trở lên, nhưng còn nhóm trẻ dưới 3 tuổi thì sao? Các cháu cũng học trong trường mầm non, nhưng lại không được hỗ trợ gì. Trong khi, đây là nhóm tuổi mà cha mẹ, nhất là công nhân, rất khó khăn trong việc chăm sóc”, ông Hoàng nói.

Không chỉ vậy, ông Hoàng còn cho rằng việc chỉ giới hạn đối tượng hỗ trợ là con công nhân là chưa công bằng. “Vậy còn con nông dân, giáo viên, bác sĩ, y tá thì sao? Tất cả đều xứng đáng được hỗ trợ để các cháu có điều kiện đến trường từ sớm”, ông Hoàng nêu quan điểm

Ông kiến nghị Quốc hội cần tính đến phương án “hai trong một”: Vừa phổ cập cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi, vừa có cơ chế hỗ trợ cho trẻ dưới 3 tuổi. “Nếu làm tốt điều này, sẽ giúp các gia đình giảm áp lực tài chính, hạn chế tai nạn do trẻ nhỏ không được chăm sóc chuyên nghiệp”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị cần mở rộng phạm vi hỗ trợ học phí cho cả trẻ em học tại các cơ sở tư thục

Đừng để phổ cập chỉ nằm trên giấy

Là người có kinh nghiệm trong ngành giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) tỏ rõ sự lo lắng nếu Quốc hội thông qua nghị quyết mà không đi kèm nguồn lực phù hợp.

“Chúng ta đã từng chứng kiến khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Trung ương nói sẽ bố trí kinh phí, nhưng khi thực hiện, địa phương phải tự lo từ bồi dưỡng giáo viên đến đầu tư cơ sở vật chất,” bà Kim Bé chia sẻ. Theo bà, nếu tiếp tục cách làm này, những tỉnh nghèo sẽ gặp khó, thậm chí thất bại trong phổ cập.

Từ thực tiễn đó, bà kiến nghị Chính phủ cần có phương án hỗ trợ tài chính cụ thể cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Đồng thời, cần tính đến bài toán nhân lực – đào tạo đủ và đúng chuẩn giáo viên mầm non.

Một điểm đáng chú ý được bà Kim Bé nhấn mạnh là cần mở rộng phạm vi hỗ trợ học phí cho cả trẻ em học tại các cơ sở tư thục. “Hiện nay, do trường công không đủ, nhiều gia đình phải gửi con vào trường tư. Nếu trẻ đó cũng học chương trình mầm non quốc gia, thì Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ phù hợp để không bỏ sót quyền được học tập của trẻ”, bà Bé nhận định.

Trở lại với giáo dục mầm non, đại biểu Nguyễn Công Hoàng nhấn mạnh thêm: “Trong giáo dục mầm non, ưu tiên hàng đầu phải là chăm lo thể chất cho trẻ. Biết ăn, biết ngủ đã là tốt rồi, sau đó mới nói đến học hành”. Ông cảnh báo nếu phổ cập mà thiếu giáo viên, thiếu trường lớp, thì đó chỉ là phổ cập hình thức.

Tâm huyết của đại biểu các địa phương đã làm nổi bật một thực tế: Giáo dục mầm non, khởi đầu của mọi khởi đầu, đang là điểm nghẽn cả về cơ chế lẫn nguồn lực. Nếu không có sự đầu tư đúng mức từ Trung ương, thì mục tiêu phổ cập toàn diện khó đạt được. Còn nếu chỉ hỗ trợ cho trẻ từ 3 tuổi trở lên mà bỏ quên nhóm nhà trẻ, thì tính công bằng cũng sẽ bị ảnh hưởng.

 Đại biểu Nguyễn Thị Sửu yêu cầu phải làm rõ các quy định liên quan đến giảm thuế – điều đang bị bỏ ngỏ trong dự thảo trình Quốc hội lần này

Nông nghiệp không chỉ cần miễn thuế

Ở nội dung thảo luận về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. Huế) mang đến một góc nhìn rất khác. Bà không chỉ đề nghị duy trì miễn thuế mà còn yêu cầu phải làm rõ các quy định liên quan đến giảm thuế – điều đang bị bỏ ngỏ trong dự thảo trình Quốc hội lần này.

“Chúng ta đang căn cứ vào các nghị quyết từ 1993, nhưng hiện tại, phần lớn diện tích đất nông nghiệp đang được miễn thuế. Số tiền miễn mỗi năm lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng. Trong khi đó, cơ cấu GDP nông nghiệp đã giảm xuống chỉ còn một con số. Vậy hiệu quả chính sách nằm ở đâu?” bà Sửu đặt vấn đề.

Bà cũng chỉ ra những bất cập trong phương pháp tính thuế đất nông nghiệp vẫn đang dựa trên tiêu chí phân hạng từ năm 1996 – điều không còn phù hợp với tình hình sản xuất hiện nay. Đồng thời, bà đề xuất bổ sung quy định thu hồi đất hoặc thu thuế đầy đủ đối với các tổ chức được giao đất nhưng không trực tiếp sử dụng, nhằm tránh lạm dụng chính sách miễn thuế.

“Chính sách miễn, giảm thuế kéo dài suốt ba thập kỷ chỉ bằng nghị quyết có còn phù hợp? Tôi đề nghị nghiên cứu, xây dựng Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp riêng để có hành lang pháp lý ổn định, minh bạch và bền vững hơn”, bà kiến nghị.

Ở nội dung này đại biểu Nguyễn Hải Nam cũng đề nghị Bộ Tài chính cần mạnh dạn xây dựng một đạo luật mới thay vì tiếp tục nối dài chính sách miễn, giảm thuế qua các nghị quyết tạm thời từ năm 1993 đến nay.

Lê Thọ

Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/dau-tu-cho-giao-duc-mam-non-can-di-kem-nguon-luc-phu-hop-153898.html