Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

ĐBQH Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa): Đề nghị chỉ quy định trong Luật những khoản thu thuộc diện phải phân chi tỷ lệ % giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương

(Baothanhhoa.vn) - Sáng 26/5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa26/05/2025

ĐBQH Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa): Đề nghị chỉ quy định trong Luật những khoản thu thuộc diện phải phân chi tỷ lệ % giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương

Tham gia góp ý, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cơ bản thống nhất với tờ trình, báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).

Để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu xin có thêm một số ý kiến đó là: Khoản 12 Điều 8 nguyên tắc quản lý ngân sách nhà nước quy định: “Ngân sách nhà nước bố trí kinh phí cho các quỹ thực hiện nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xây dựng chính sách, pháp luật theo quy định của pháp luật chuyên ngành, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước”.

Đại biểu cơ bản thống nhất quy định ngân sách nhà nước bố trí kinh phí cho các quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; xây dựng chính sách, pháp luật là phù hợp và cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Nhưng đại biểu đề nghị cũng cần phản làm rõ các quỹ thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xây dựng chính sách pháp luật là những loại quỹ được quy định ở những luật chuyên ngành nào? Nếu không rõ thì sẽ dẫn đến rất nhiều quỹ, lĩnh vực nào cũng cần phải có sự đổi mới và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, như thế ngân sách nhà nước sẽ khó có thể đáp ứng được và cũng rất dàn trải.

Vì vậy, đại biểu đề nghị nên quy định ngân sách Nhà nước chỉ đảm bảo cho việc bố trí ngân sách cho các quỹ được quy định bởi Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đang được Quốc hội thảo luận và sẽ thông qua tại Kỳ họp này.

Góp ý tại Điều 30: Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp, theo đại biểu các nội dung được rà soát điều chỉnh, bổ sung khá rõ ràng, phù hợp với việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, phân cấp cho UBND quyết định một số chế độ, định mức chi ngân sách đại biểu rất đồng tình. Nhưng bên cạnh đó, đề nghị xem xét lại việc quy định bổ sung tại điểm i khoản 9 “Quyết định giao HĐND cấp xã ban hành các chính sách, chế độ phù hợp với trình độ phát triển và khả năng của ngân sách cấp xã”. Bởi vì, sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, quy mô xã lớn hơn, nhưng nguồn thu ngoài xã trung tâm, thì những xã nông thôn, miền núi, biên gới, hải đảo nguồn thu cũng sẽ còn nhiều khó khăn, không có khả năng tự cân đối, phần lớn các xã tới đây cũng sẽ phải nhận bổ sung trợ cấp cân đối từ ngân sách cấp trên.

Vì vậy, nếu giao cho HĐND xã có thẩm quyền ban hành các chế độ, chính sách, thì sẽ rất khó khăn cho việc cân đối ngân sách để đảm bảo thực hiện các chế độ, chính sách đã ban hành. Đại biểu đề nghị bỏ nhiệm vụ này đối với HĐND cấp xã.

Tham gia góp ý tại Khoản 2 Điều 35 Quy định các khoản thu phân chia và tỷ lệ % giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; đại biểu đề nghị cần phải xem xét lại cả 2 phương án như dự thảo. Bởi vì, dự thảo luật cả 2 phương án đang quy định chi tiết tỷ lệ % điều tiết giữa các cấp ngân sách ở một số khoản thu, quy định như vậy sẽ khó đảm bảo tính ổn định lâu dài của Luật. Để thực hiện công tác đổi mới, nâng cao chất lượng trong xây dựng luật, đại biểu đề nghị chỉ quy định trong Luật những khoản thu thuộc diện phải phân chi tỷ lệ % giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; và quy định nguyên tắc, tiêu chí phân chia. Còn tỷ lệ cụ thể thì nên giao cho Chính phủ quy định căn cứ vào điều kiện ngân sách từng thời kỳ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của các địa phương.

Đối với tiền sử dụng đất, tiền thuế đất theo Nghị quyết số 18 cần có cơ chế điều tiết hợp lý, đại biểu đề nghị nên để lại cho các địa phương hưởng 100% trong thời điểm hiện nay. Bởi vì, chúng ta thực hiện sắp xếp chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp. Khi chính quyền địa phương đi vào hoạt động, quy mô lớn, không gian phát triển mới, cần phải nhiều nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong khi đó, khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, các đơn vị hành chính mới cũng sẽ còn rất nhiều khó khăn về ngân sách, nhất là các xã ở nông thôn, miền núi, biên giới, còn phải phụ thuộc vào cân đối từ ngân sách cấp trên là chính.

Vì vậy, đề nghị ngân sách Trung ương nên để lại cho địa phương 100% tiền sử dụng đất, tiền thuế đất để các địa phương có nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương sau sáp nhập. Đối với phân chia tỷ lệ tiền sử dụng đất, đề nghị nên quy định tiền sử dụng đất đưa vào phân chia là sau khi đã trừ đi kinh phí lập quy hoạch, hỗ trợ, bồi thường GPMB, tái định cư; đầu tư hạ tầng đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án sử dụng đất...

Quốc Hương

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/dbqh-mai-van-hai-doan-dbqh-tinh-thanh-hoa-de-nghi-chi-quy-dinh-trong-luat-nhung-khoan-thu-thuoc-dien-phai-phan-chi-ty-le-giua-ngan-sach-trung-uong-va-ngan-sach-dia-phuong-249937.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm