Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đề xuất cho TPHCM được nới trần nợ công để đầu tư các dự án trọng điểm, nhất là đường sắt đô thị

Sáng 26-5, các đại biểu Quốc hội (ĐB) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng26/05/2025

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng, đây là một đạo luật có tính nền tảng trong việc phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia và thúc đẩy phát triển bền vững trong tình hình mới. Do đó, luật cần thể hiện rõ tinh thần phân cấp, phân quyền thực chất, đi đôi với tăng cường trách nhiệm giải trình. Với vị trí là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, đóng góp khoảng 25–27% ngân sách quốc gia mỗi năm, TPHCM luôn mong muốn có cơ chế tài chính - ngân sách phù hợp để chủ động hơn trong đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng sống cho người dân, đồng thời tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho cả nước.

Phiên thảo luận sáng 26-5.jpg
Phiên thảo luận sáng 26-5. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thực tiễn cho thấy, sau gần 10 năm thực hiện Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) 2015, nhiều địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn như TPHCM, đang gặp khó khăn trong cân đối ngân sách, triển khai đầu tư công, cũng như chủ động trong điều hành tài chính - ngân sách. Một trong những nguyên nhân là khuôn khổ pháp lý hiện hành chưa tạo đủ không gian cho địa phương tự quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn năng động.

ĐB Nguyễn Thị Lệ đề nghị, dự thảo luật cần thể chế rõ: Trung ương giữ vai trò chủ đạo, nhưng địa phương phải được chủ động, sáng tạo, có quyền phân bổ nguồn lực phù hợp thực tiễn; cần mở rộng quyền của HĐND trong quyết định tỷ lệ điều tiết nội địa, phân cấp nhiệm vụ chi, và sử dụng kết dư ngân sách.

ĐB Nguyễn Thị Lệ.jpg
ĐB Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM. Ảnh: VIẾT CHUNG

Về quy định bội chi và hạn mức dư nợ vay của ngân sách địa phương, ĐB cho rằng, cần linh hoạt theo năng lực tài khóa và khả năng trả nợ. Dự thảo hiện quy định trần nợ vay địa phương theo tỷ lệ phần trăm thu được hưởng theo phân cấp (80% hoặc 120%). Nhưng ĐB Nguyễn Thị Lệ cho rằng, cách tính này chưa phản ánh đúng năng lực thực tế, không phù hợp với các địa phương có quy mô kinh tế lớn, có năng lực huy động vốn cao như TPHCM. TPHCM là địa phương có năng lực tài chính, uy tín tín dụng và khả năng huy động vốn cao, hoàn toàn có thể vay lại từ ODA, phát hành trái phiếu chính quyền để đầu tư các công trình trọng điểm. Do đó, Chủ tịch HĐND TPHCM đề xuất, ngoài tiêu chí thu phân cấp, cần bổ sung tiêu chí định lượng như GRDP, năng lực trả nợ, xếp hạng tín nhiệm và khả năng huy động vốn trên thị trường tài chính – tín dụng. Việc Quốc hội cho phép địa phương bội chi để đầu tư các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa vùng, cũng cần được luật hóa rõ ràng hơn.

Các đại biểu dự phiên thảo luận sáng 26-5.jpg
Các đại biểu dự phiên thảo luận sáng 26-5. Ảnh: VIẾT CHUNG

Về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, Chủ tịch HĐND TPHCM đề xuất, bên cạnh các quỹ do Trung ương thành lập, cần cho phép địa phương được lập một số quỹ tài chính ngoài ngân sách (theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, minh bạch) để đáp ứng các nhu cầu đặc thù, như: quỹ phát triển chuyển đổi số, quỹ đầu tư hạ tầng đô thị, quỹ phát triển KH-CN, quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo… nếu đảm bảo nguyên tắc minh bạch, không trùng lắp chức năng, có nguồn thu độc lập và được HĐND quyết định. Đây là cơ sở để địa phương huy động nguồn lực xã hội, giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước.

Chủ tịch HĐND TPHCM cũng đề nghị tăng cường thực quyền cho HĐND địa phương trong quyết định ngân sách; cần bổ sung các quy định để HĐND cấp tỉnh có quyền quyết định tỷ lệ phân chia nội bộ giữa các cấp ngân sách; có quyền quyết định chuyển nguồn, sử dụng kết dư, phân bổ vốn cho chương trình đột phá, các tình huống phát sinh chưa có trong kế hoạch; có quyền phê duyệt các dự án trọng điểm có tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội địa phương; quyền quyết định đầu tư các dự án ngoài kế hoạch trung hạn nếu có nguồn hợp pháp.

ĐB Trần Hoàng Ngân.jpg
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM). Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cũng đồng tình với việc điều chỉnh tăng mức dư nợ vay của ngân sách địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển trong tình hình mới hiện nay. ĐB đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét thêm đối với các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TPHCM đang có nhiều dự án lớn, đặc biệt là dự án đường sắt đô thị, nên cần nâng mức dư nợ vay của ngân sách địa phương.

Liên quan đến các khoản thu phân chia tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, ĐB Trần Hoàng Ngân đề cập, dự thảo quy định với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các địa phương không nhận bổ sung cân đối thì ngân sách trung ương hưởng 30%, địa phương hưởng 70% (hiện nay các địa phương đang hưởng 100%).

“Tôi cũng hiểu là chúng ta muốn nâng cao vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, nhưng đặt vào thời điểm và bối cảnh, đề nghị Quốc hội cân nhắc", ĐB Trần Hoàng Ngân nói.

ĐB Trần Hoàng Ngân ví dụ, theo kế hoạch đầu tư dự trù năm 2026-2030, TPHCM cần nguồn lực đầu tư công là 1,1 triệu tỷ đồng. Trong số này, nguồn thu từ đất khoảng 550.000 tỷ đồng. Nếu ngân sách trung ương điều tiết chỉ 30% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì TPHCM sẽ hụt thu 165.000 tỷ đồng trong 5 năm, tức mỗi năm hụt thu là 33.000 tỷ đồng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai đầu tư công của thành phố trong giai đoạn 2026-2030, trong khi thành phố rất cần nguồn lực để triển khai hàng loạt dự án lớn như: đề án đường sắt đô thị trong 10 năm sẽ cần khoảng 40 tỷ USD, trong 5 năm đầu là 16 tỷ USD; nguồn lực để kết nối với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu; mở rộng các quốc lộ, xây các cầu…

“Trong nguồn lực đầu tư của TPHCM thì nguồn thu từ đất chiếm vị trí rất quan trọng, do đó đề nghị Trung ương xem xét trước mắt có thể là trong 10 năm, chúng ta chưa thu khoản này, hoặc chỉ nên thu ở mức 5-10%”, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị.

Phát biểu tại phiên thảo luận, một số ĐB cũng cho rằng, khoản tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nên để các địa phương hưởng 100% để có nguồn lực đầu tư phát triển. Nhiều ĐB cũng băn khoăn về tỷ lệ phân chia ngân sách trung ương và địa phương, đề nghị cân nhắc lại, tránh tình trạng các tỉnh thành bị hụt nhiều ngân sách khi luật được ban hành...

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/de-xuat-cho-tphcm-duoc-noi-tran-no-cong-de-dau-tu-cac-du-an-trong-diem-nhat-la-duong-sat-do-thi-post796828.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm