Miệt vườn Cái Bè, Tiền Giang là điểm đến yêu thích của nhiều du khách – Ảnh Internet
Văn hóa miệt vườn Tiền Giang giản dị, gần gũi và phóng khoáng với những sản vật đa dạng từ thiên nhiên, với dòng sông Tiền đỏ nặng phù sa mang theo mỡ màu bồi đắp cho biết bao vườn cây say trái, cho ao bè cá lội tung tăng và tôm cá đầy khoang mỗi lần ngư dân thu hoạch trở về.
Không gian của miệt vườn là con đường làng thẳng tắp, với lũy tre làng rợp bóng mát đường quê, với cánh đồng lúa chín vàng ươm, thấp thoáng những cánh cò bay lả, bay la giữa trời chiều gió lộng… cùng với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với sự đặc trưng của hai mùa mưa, nắng mang đến sự khác biệt riêng cho vùng đất Tiền Giang, tạo nên một không gian văn hóa miệt vườn với sự hấp dẫn của ẩm thực nơi đây mà nếu tách rời khỏi không gian này thì chắc hẳn không thể tạo nên nét đặc sắc của hương vị ẩm thực văn hóa miệt vườn.
Khai thác từ những di tích văn hóa, lịch sử
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Tiền Giang có 22 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia (trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt) và 160 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh gắn liền tên tuổi các anh hùng dân tộc, các sự kiện văn hóa lịch sử đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến như: Di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút, Di tích chiến thắng Ấp Bắc, Đền thờ Trương Định, Lăng Hoàng Gia, Đình Long Hưng, Di tích khảo cổ Óc Eo - Gò Thành...
Vãn cảnh Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, ngôi chùa lớn nhất Tiền Giang – Ảnh Internet
Ngoài ra, Tiền Giang còn là một trong những cái nôi của đờn ca tài tử, nghệ thuật cải lương và là quê hương của những làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Tủ thờ Gò Công, nón bàng buông, dệt chiếu Long Định… Đó là những lợi thế để phát triển du lịch. Để tận dụng lợi thế này, thời gian qua, việc xây dựng sản phẩm du lịch của tỉnh được thực hiện gắn với việc phát huy văn hóa truyền thống, lợi thế tài nguyên du lịch và đặc biệt là kết nối các khu, điểm du lịch với các di tích lịch sử - văn hóa để hình thành các tour du lịch đặc trưng.
Theo ông Giản Bá Huỳnh, Chủ tịch UBND TX Gò Công, hiện địa phương này đang quản lý nhiều di sản văn hóa vật thể vô cùng quý giá được bảo tồn, gồm nhiều di tích lịch sử, kiến trúc cấp quốc gia, cấp tỉnh (3 di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia và 12 di tích được công nhận cấp tỉnh)...
Chùa Vĩnh Tràng - Điểm du lịch tâm linh nổi tiếng Tiền Giang
– Ảnh Internet
Hằng năm, trên địa bàn thị xã diễn ra nhiều lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc thu hút trên 30.000 lượt khách trong và ngoài địa phương tham quan cúng viếng. Để khai thác lợi thế này trong phát triển du lịch, thời gian tới, thị xã sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ngành tỉnh có liên quan tổ chức các lễ hội truyền thống. Đồng thời, khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên sinh thái, truyền thống văn hóa, lịch sử của thị xã, du lịch nhà vườn sơ ri, ẩm thực, tham quan các di tích lịch sử, làng nghề…
Tạo bước đột phá, mang bản sắc riêng
Tiền Giang nằm ở cửa ngõ Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là nơi hội tụ của ba vùng sinh thái (sinh thái nước ngọt phù sa, sinh thái rừng ngập mặn và vùng sinh thái ngập phèn Đồng Tháp Mười), tạo nên những vườn cây trái đặc sản nổi tiếng. Tiền Giang cũng là vùng đất giàu truyền thống với 22 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia (trong đó có 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt) và 162 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Để khai thác lợi thế và cụ thể hoá Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, UBND tỉnh đã trình Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 05/4/2017 về phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến 2020 định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch 118/KH-UBND ngày 05/5/2017 về thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 05/4/2017.
Homestay nghỉ dưỡng tại miệt vườn Tiền Giang – Ảnh Internet
Tiền Giang đặt mục tiêu tạo bước đột phá phát triển toàn diện du lịch cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính bền vững; phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, có tỷ trọng, tốc độ, chất lượng tăng trưởng cao, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và có sức cạnh tranh mạnh;... đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể đến năm 2030, đón trên 4,74 triệu lượt khách, tăng bình quân 8,57%; trong đó, có khoảng 1,988 ngàn lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 24 ngàn tỷ đồng. Có khoảng 670 cơ sở lưu trú, với 18,7 ngàn phòng. Có ít nhất 359 ngàn lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có khoảng 14 ngàn lao động trực tiếp.
Ngành VH-TT&DL Tiền Giang còn khuyến khích các doanh nghiệp du lịch xây dựng chương trình du lịch, trong đó kết nối tour, tuyến du lịch sinh thái sông nước với các di tích lịch sử - văn hóa, các lễ hội, làng nghề để đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Bên cạnh đó, ngành VH-TT&DL sẽ nghiên cứu, chọn lọc một số lễ hội văn hóa đặc trưng như: Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định, Lễ hội Làng cổ Đông Hòa Hiệp để phát triển, nâng tầm trở thành lễ hội có tầm cỡ trong vùng và cả nước, từ đó tạo động lực cho du lịch Tiền Giang "cất cánh".
Tùng Anh
Bình luận (0)