
Robot chiến đấu trên cơ sở robot tự hành Warthog của Học viện Kỹ thuật Quân sự (Ảnh: Minh Nhật).
Chương trình nhằm cụ thể hóa các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội.
Chương trình được xác định là bước đi chiến lược nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo trên phạm vi toàn quốc, xây dựng nền tảng vững chắc cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Chương trình góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Theo định hướng này, đến năm 2030, đổi mới sáng tạo sẽ đóng vai trò then chốt trong phát triển văn hóa, xã hội và con người Việt Nam, đồng thời đưa nước ta vào nhóm 40 quốc gia dẫn đầu thế giới về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII).
Trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam sẽ đạt mức tiên tiến trong nhiều lĩnh vực, thuộc nhóm dẫn đầu các quốc gia có thu nhập trung bình cao.
Đáng chú ý, văn hóa đổi mới sáng tạo sẽ được lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, trở thành động lực phát triển bền vững từ doanh nghiệp đến cộng đồng.
Cùng với đó, năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực sẽ được nâng cao: đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt mức trên 55%; tỷ trọng đóng góp của đổi mới sáng tạo vào tốc độ tăng trưởng GDP ở mức trên 33%.
Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo sẽ đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo được hoàn thiện và phát triển đồng bộ. Số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16-18% mỗi năm; tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt từ 8-10%.
Yêu cầu đặt ra đối với chương trình hành động là bảo đảm tính toàn diện, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, với nội dung bao quát đầy đủ 5 trụ cột chính của đổi mới sáng tạo tại Việt Nam: đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu suất, sáng tạo công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Bộ KH&CN đã đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, bao gồm:
- Nâng cao nhận thức và phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo;
- Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo;
- Tăng cường đầu tư và hoàn thiện hạ tầng cho hoạt động đổi mới sáng tạo;
- Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển đổi mới sáng tạo;
Thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và đổi mới sáng tạo trong toàn dân và doanh nghiệp.
Chương trình hành động không chỉ mang tính định hướng chiến lược, mà còn là cam kết hành động của Bộ KH&CN trong việc đưa đổi mới sáng tạo trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.
Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/den-nam-2030-ty-le-sang-che-duoc-khai-thac-thuong-mai-dat-8-10-20250528171438277.htm
Bình luận (0)