Di tích lịch sử cách mạng nhà mẹ Tơm - nơi khơi dậy niềm tự hào truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay.
Một mái nhà, một ngọn lửa cách mạng
Mẹ Tơm, tên thật là Nguyễn Thị Quyển (1880-1953), quê làng Hanh Cát, xã Đa Lộc (nay là thôn Đông Thành, xã Vạn Lộc) là một nông dân nghèo, sống giữa những tháng năm gian khó. Gia cảnh bần hàn, chồng làm nghề đan rổ rá, các con đi cắt tóc dạo để kiếm sống, nhưng ẩn sau mái nhà tranh vách nứa đơn sơ lại là một “pháo đài cách mạng” vững chãi.
Khi chiến khu du kích Ngọc Trạo bị vỡ (1941-1942), căn nhà của mẹ Tơm được Tỉnh ủy Thanh Hóa lâm thời chọn làm nơi trú ẩn, in báo, hội họp và liên lạc bí mật. Chồng mẹ Tơm đan rổ ngoài sân để quan sát động tĩnh; mẹ Tơm gánh rau đi chợ, dưới lớp rau là tài liệu, truyền đơn in báo “Đuổi giặc nước”. Hai người con, anh Sồ và anh Hậu mang theo dụng cụ cắt tóc, làm người liên lạc cách mạng dọc vùng Nga Sơn, Hoằng Hóa, Hà Trung thời bấy giờ.
Trong căn nhà ấy, nhà thơ Tố Hữu, khi đó là cán bộ hoạt động bí mật từng viết và in báo “Đuổi giặc nước”. Những cuộc họp quan trọng của Tỉnh ủy cũng được tổ chức tại đây với sự góp mặt của các đồng chí: Lê Tất Đắc, Hoàng Tiến Trình, Hoàng Xung Phong... Căn nhà tranh ven biển trở thành trung tâm đầu não giữa một vùng cát trắng hoang sơ.
Nhưng rồi cơ sở bị lộ. Năm 1944, mật thám ập đến bắt bớ, đánh đập dã man ông bà và hai người con. Anh Sồ và anh Hậu bị giam ở nhà lao Thanh Hóa, chịu đòn roi tra khảo nhưng vẫn giữ trọn niềm tin, không khai nửa lời. Đến tháng 4/1945 mới được thả, hai anh lại tiếp tục quay về tổ chức, chuẩn bị cho khởi nghĩa Tháng Tám. Một mái nhà nhỏ, một gia đình nghèo nhưng chính nơi ấy đã nuôi lớn một “ngọn lửa” cho cách mạng Việt Nam.
“Địa chỉ đỏ” hun đúc truyền thống
Sau hòa bình, những cống hiến thầm lặng ấy được Đảng, Nhà nước trân trọng ghi nhận. Gia đình mẹ Tơm được Thủ tướng Chính phủ tặng “Bằng có công với nước”, kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công”. Hai người con trai được trao tặng danh hiệu “Cán bộ cách mạng bị tù đày”. Năm 2009, căn nhà được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.
Từ một mái nhà tranh trên cồn cát, giờ đây, nhà mẹ Tơm đã trở thành điểm đến tâm linh và giáo dục truyền thống sâu sắc. Trong khuôn viên rộng gần 700m2, ngôi nhà ba gian lợp ngói đỏ tươi, phủ bóng cây xanh, khang trang mà vẫn giữ nguyên dáng dấp xưa cũ. Bài thơ “Mẹ Tơm” do nhà thơ Tố Hữu viết sau lần trở lại năm 1961, được in trang trọng trên tường. Năm 2022, khu lăng mộ mẹ Tơm được tôn tạo với diện tích 1.300m2, trở thành nơi tưởng niệm và tri ân.
Những ngày tháng 7 này, dòng người từ khắp nơi lại lặng lẽ tìm về. Trong căn phòng lưu niệm giản dị, ông Vũ Ngọc Rỡ (65 tuổi) - cháu nội mẹ Tơm - con trai út của ông Vũ Đức Hậu nâng niu chiếc hộp gỗ cũ chứa bộ đồ nghề cắt tóc dạo, những hũ sành, hòm đựng gạo từng nuôi cán bộ hơn 80 năm trước. “Đây không chỉ là kỷ vật của gia đình mà là một phần của lịch sử quê hương”, ông Rỡ nói. Gần đây, bức tượng “Mẹ Tơm” do Hội Văn nghệ sĩ - Nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội trao tặng cũng được đặt nơi trang trọng trong nhà, như một biểu tượng tinh thần bất diệt.
Không chỉ là điểm đến tham quan, nhà lưu niệm mẹ Tơm còn là nơi con cháu trong dòng họ và người dân địa phương tìm về trong những dịp lễ lớn. Mỗi bước chân về nguồn là một lần lắng nghe lại ký ức xưa qua lời kể của người thân, của ông Rỡ - người cháu nội vẫn gìn giữ từng kỷ vật và ký ức về một thời oanh liệt. Những câu chuyện về những bữa cơm gạo độn khoai, về mẹ Tơm gánh rau giấu tài liệu, về hai người con đi cắt tóc làm liên lạc... không chỉ được nhắc nhớ bằng lời mà còn được truyền lại bằng cả sự trân trọng, xúc động trong ánh mắt thế hệ hôm nay. Chính điều đó khiến cho ngôi nhà mẹ Tơm không chỉ là một di tích, mà là một phần máu thịt, tâm hồn của người dân, nơi truyền thống không ngừng được tiếp nối bằng những cách rất đỗi giản dị và thiêng liêng.
Thắp sáng lòng yêu nước
Không chỉ là nơi lưu giữ quá khứ, nhà mẹ Tơm còn là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống hiệu quả, sinh động. Những buổi ngoại khóa, lễ tri ân, sinh hoạt chuyên đề của học sinh, đoàn viên, cán bộ trẻ đều chọn nơi đây làm điểm đến, để được sống trong không khí cách mạng giữa đời thường.
Thầy giáo Đào Thanh Hương, người gắn bó gần 30 năm với Trường THCS Đa Lộc, xúc động chia sẻ: “Tôi thường đưa học sinh đến đây vào các dịp lễ lớn như 3/2, 27/7, 2/9. Không chỉ kể lại những câu chuyện lịch sử, tôi còn giúp các em hình dung rằng ngay trên mảnh đất quê mình, đã từng có một gia đình bình dị hy sinh thầm lặng vì độc lập dân tộc. Các em được tận tay chạm vào di vật, tận mắt nhìn thấy từng góc nhà, nơi từng có người mẹ già thức trắng đêm canh gác cho cán bộ”. Đó chính là cách thầy Hương gieo vào tâm hồn học trò niềm yêu nước, niềm tự hào chân thật không phải bằng khẩu hiệu, mà bằng cảm xúc thật từ mảnh đất thật.
Chia sẻ về vai trò của di tích, ông Lê Ngọc Hưng, Chủ tịch UBND xã Vạn Lộc, cho biết: “Chúng tôi xem đây là biểu tượng tinh thần của cả xã. Chính quyền thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tri ân, lồng ghép giáo dục truyền thống vào đời sống cộng đồng, để giá trị của di tích không nằm im mà lan tỏa mạnh mẽ”.
Chiến tranh đã lùi xa, mẹ Tơm và những người thân yêu trong gia đình cũng đã khuất, nhưng “ngọn lửa” cách mạng từng nhen lên từ mái nhà ấy vẫn “cháy” âm ỉ trong lòng người dân nơi đây. Trong tâm khảm của lớp lớp người con xứ Thanh, mẹ Tơm vẫn là biểu tượng sống động của tinh thần bất khuất, nghĩa tình và trung kiên.
Bài và ảnh: Trần Hằng
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/di-tich-lich-su-cach-mang-nha-me-tom-noi-thap-lua-long-yeu-nuoc-255976.htm
Bình luận (0)