Trở về từ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng, nam tài tử Huỳnh Kiến An tiếp tục chứng minh tài năng diễn xuất tinh tế, thấm đẫm nhân văn trong phim ngắn cuối tuần “Tình làng nghĩa xóm” vừa phát sóng trên THVL1.
Ông một lần nữa chạm đến chiều sâu tâm lý nhân vật, khắc họa hình ảnh người đàn ông cô độc giữa cộng đồng, qua đó truyền tải thông điệp ý nghĩa về sự gắn kết.
Trong “Tình làng nghĩa xóm”, Huỳnh Kiến An hóa thân thành ông Lâm- một người đàn ông trung niên thành đạt, sống trong ngôi nhà khang trang với vợ và con cái thành đạt. Tuy nhiên, ẩn sau vẻ bề ngoài chỉn chu là một con người khép kín, kiêu ngạo, luôn giữ khoảng cách với những người xung quanh.
Với ông, sự “nghèo khó” đồng nghĩa với “phiền phức” và “giúp đỡ” là một trách nhiệm không mong muốn. Ông Lâm tin rằng con người phải tự lực, độc lập và tự lo cho bản thân.
Cuộc sống của ông Lâm là minh chứng điển hình cho một kiểu người tự trọng nhưng cũng tự cô lập chính mình. Cho đến một ngày, cơn tai biến bất ngờ ập đến. Trong tình thế nguy kịch, người đàn ông từng xem nhẹ tình làng nghĩa xóm bỗng chốc không còn ai bên cạnh.
Điện thoại không một số liên lạc, hàng xóm vắng nhà, khiến người vợ đành phải cầu cứu bà Tới- người từng bị ông Lâm từ chối giúp đỡ. Chính bà Tới là người đã kịp thời gọi xe cấp cứu, cứu ông thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Câu chuyện khép lại bằng sự thay đổi thầm lặng nhưng đầy sức nặng: ông Lâm chủ động xin lỗi hàng xóm, tìm lại kết nối với cộng đồng và học cách trao đi sự tử tế.
Tập phim không chỉ tái hiện chân dung một con người mà còn đặt ra câu hỏi sâu sắc: Liệu con người có thể thực sự sống một mình? Khi đối diện với biến cố sinh tử, tiền tài, chức vị hay quan điểm sống tự cường đều không thể thay thế một cánh tay giúp đỡ. Đó chính là thông điệp cốt lõi mà bộ phim truyền tải một cách lặng lẽ nhưng thấm thía: con người có thể sống một mình nhưng không thể tồn tại một mình.
Huỳnh Kiến An diễn xuất bằng ánh mắt và sự im lặng
Điều khiến vai ông Lâm trở nên ấn tượng nằm ở cách Huỳnh Kiến An sử dụng sự tối giản để thể hiện chiều sâu nhân vật. Không cần lời thoại nặng nề, ông tạo hình một ông Lâm lạnh lùng chỉ bằng ánh mắt sắc lạnh, cái phẩy tay khước từ hay ánh nhìn khinh khỉnh dành cho người nghèo.
Từ sự tự tin của một người đàn ông thành đạt đến ánh mắt ngỡ ngàng, rồi sụp đổ trong giây phút phát bệnh- tất cả đều được ông truyền tải trọn vẹn bằng ánh mắt và nhịp thở.
Biến cố tai biến là cao trào của diễn xuất. Sự bất lực khi không thể cử động, sự sợ hãi khi thấy chính mình đang hoàn toàn phụ thuộc- những cảm xúc ấy không cần lời thoại mà vẫn truyền tới khán giả một cách đầy ám ảnh.
Và cũng chính Huỳnh Kiến An, bằng một ánh nhìn biết ơn hay một cái cúi đầu nhẹ nhàng sau hồi phục, đã cho người xem thấy sự chuyển hóa từ bên trong: một người đàn ông học lại cách sống, với ánh nhìn mang lời xin lỗi và cả sự biết ơn dành cho bà con hàng xóm.
Phim ngắn cuối tuần mang đến những câu chuyện sâu sắc, giàu cảm xúc. Mỗi phim là một lát cắt chân thực về cuộc sống, gửi gắm thông điệp nhân văn về tình thân, tình người, giúp khán giả suy ngẫm về giá trị cuộc sống hiện đại. Phim phát sóng lúc 19 giờ 50 phút chủ nhật hàng tuần trên THVL1.
Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/van-hoa-giai-tri/phim-tren-thvl/202507/dien-vien-huynh-kien-an-ghi-dau-voi-vai-dien-day-chieu-sau-trong-phim-ngan-cuoi-tuan-e9e3db8/
Bình luận (0)