Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo đang tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm. |
Nhiều lực cản
Thời gian qua, hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng từ các yếu tố mang tính toàn cầu, như: Căng thẳng địa chính trị giữa các cường quốc; xung đột thương mại kéo dài; sự suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu; đặc biệt là quyết định áp đặt các chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ…
Những khó khăn, “rào cản” này làm giảm sức mua tại các thị trường xuất khẩu truyền thống, khiến nhiều doanh nghiệp (DN) trong cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng, rơi vào tình trạng gián đoạn đơn hàng xuất khẩu, giảm doanh thu và gặp khó khăn trong duy trì chuỗi cung ứng.
Giá trị xuất khẩu của Thái Nguyên 4 tháng năm 2025. |
Trong đó, nhóm sản phẩm điện tử - chiếm hơn 95% trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh, chịu tác động rõ nét nhất. Kim ngạch xuất khẩu điện thoại, máy tính bảng và linh kiện điện tử trong 4 tháng đầu năm nay chỉ đạt khoảng 9,7 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đơn cử như với Công ty TNHH UTI Vina tại Khu công nghiệp (KCN) Điềm Thụy - là DN phụ trợ của Samsung, chuyên sản xuất tấm kính bảo vệ camera và màng bảo vệ loa cho điện thoại di động xuất khẩu sang Ấn Độ. Do ảnh hưởng từ việc cắt giảm đơn hàng của đối tác, sản lượng của Công ty trong những tháng vừa qua giảm hơn 20% so với thông thường. Hiện nay, Công ty duy trì sản xuất khoảng 2 triệu sản phẩm/tháng.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép trên địa bàn tỉnh trong 4 tháng đầu năm nay đạt 9,8 triệu USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất linh kiện máy phát điện gió xuất khẩu sang thị trường châu Âu tại Công ty TNHH KD Heat Technology Thái Nguyên (Khu công nghiệp Điềm Thụy). |
Biến nguy thành cơ
Đứng trước nhiều khó khăn, các DN xuất khẩu tại Thái Nguyên vẫn đang nỗ lực tìm cách thích ứng. Nhiều đơn vị đã chủ động đa dạng hóa thị trường, cải tiến công nghệ, tối ưu chi phí sản xuất và mở rộng xuất khẩu sang các khu vực phi truyền thống như: Đông Nam Á, Trung Đông...
Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh, cho biết: Tập đoàn Samsung tại Thái Nguyên mỗi năm đạt giá trị xuất khẩu khoảng 25 tỷ USD, trong đó xuất sang Hoa Kỳ chiếm khoảng 24%. Trước nguy cơ Mỹ áp thuế cao, Tập đoàn đang tăng cường xuất khẩu sang châu Âu, Trung Đông...
Không chỉ các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhiều DN trong nước cũng đang chủ động biến thách thức thành cơ hội. Theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG: Nếu trong thời gian tới Hoa Kỳ tiếp tục tăng thuế đối với hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc, nhiều nhà máy của Trung Quốc có thể sẽ dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Xu hướng này có thể mang lại lợi thế cho các DN Việt Nam, trong đó có TNG, khi tận dụng được nguồn nguyên liệu với chi phí hợp lý hơn, qua đó giúp giảm giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh về giá trên thị trường quốc tế.
Để đón đầu làn sóng dịch chuyển này, TNG đang tập trung nâng cao năng lực sản xuất thông qua việc phát triển hệ thống robot vận hành tự động (AGV), đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu và tích hợp các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) cùng hệ thống quản trị nguồn lực DN (ERP), hướng tới mục tiêu đạt mức độ 3 trong lộ trình chuyển đổi số toàn diện.
Song song với việc theo dõi sát diễn biến thị trường xuất khẩu tại Hoa Kỳ, TNG cũng đang tích cực mở rộng và gia tăng tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác như Nga và Liên minh châu Âu (EU).
Các doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh đang tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu sang Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á... Trong ảnh: May hàng xuất khẩu tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT. Ảnh: Việt Hùng |
Ngoài ra, việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu các kim loại quý hiếm cũng tạo ra cơ hội mới cho các DN Việt Nam. Những mặt hàng như Vonfram, Bitmut, Florit - vốn không thuộc diện bị áp thuế đối ứng đang có lợi thế rõ rệt. Đối với tỉnh Thái Nguyên, Công ty Masan High-Tech Materials sở hữu mỏ đa kim và nhà máy tinh luyện Vonfram lớn nhất cả nước, đang đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu phục vụ cho các ngành hàng không vũ trụ, điện tử, ô tô trên toàn cầu.
Trong quý I/2025, doanh thu từ Vonfram của đơn vị tăng 117 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2024; doanh thu Florit đạt 300 tỷ đồng (tăng mạnh so với mức 179 tỷ đồng của quý I/2024)...
Dự báo quý II/2025, hoạt động xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là việc Mỹ áp thuế đối ứng. Nhằm đảm bảo mục tiêu giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt 30 tỷ USD, tăng khoảng 9% so với năm 2024, cùng với sự nỗ lực từ phía các DN, tỉnh đã và đang tích cực chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện linh hoạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên: Trước những khó khăn của thương mại quốc tế, nhiều doanh nghiệp chọn phương án đàm phán chặt chẽ với các đối tác, tính toán để chia sẻ rủi ro về thuế của Mỹ có thể xảy ra sau thời hạn 90 ngày. Đồng thời chú trọng khâu truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chủ động chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một thị trường.
Ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Ngành Công Thương đang tích cực theo dõi diễn biến thị trường, biến động kinh tế, chính trị, chính sách trong khu vực và trên thế giới ảnh hưởng tới thương mại của Việt Nam, nhằm kịp thời tham mưu các chính sách hỗ trợ DN mở rộng thị trường. Cùng với đó, Sở Công Thương sẽ tăng cường phổ biến, cung cấp thông tin, hướng dẫn về việc tận dụng ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường duy nhất; đề nghị các hiệp hội DN và DN xuất khẩu gửi kiến nghị về các vấn đề phát sinh để tổng hợp và báo cáo lên Bộ Công Thương, nhằm tìm kiếm giải pháp hỗ trợ kịp thời...
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202505/doanh-nghiep-xuat-khauno-luc-trong-gian-kho-73a1c5f/
Bình luận (0)