BHG - Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN) giai đoạn I (2021 – 2025) được triển khai từ năm 2022. Sau 3 năm, đời sống của người dân và bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS và MN nơi biên cương Tổ quốc từng ngày đổi thay.
Với đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới có 11 huyện, thành phố, với 192/193 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS và MN. Trong đó có 127 xã khu vực III, 2 xã khu vực II, 64 xã khu vực I. Toàn tỉnh có 2.071 thôn (1.353 thôn đặc biệt khó khăn); có 34 xã, thị trấn biên giới với 123 thôn, bản biên giới. Dân số của tỉnh hiện có trên 90 vạn người với 19 dân tộc cùng chung sống, DTTS chiếm 87,7%. Hầu hết đồng bào DTTS sinh sống ở địa bàn đặc biệt khó khăn (ĐBKK), cư trú chủ yếu vùng núi cao, địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khí hậu khắc nghiệt, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt; đa số các thôn, bản xa thị trấn và các trung tâm phát triển… Chính vì vậy, Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và MN với 10 dự án hỗ trợ bao trùm hầu hết các lĩnh vực đời sống, như: Hỗ trợ xây dựng, di chuyển, sửa chữa nhà ở; chuyển đổi nghề; cấp và trữ nước sinh hoạt; trồng và bảo vệ rừng; phát triển chuỗi giá trị sinh kế; đầu tư hạ tầng điện, đường, trường, trạm; nâng cao kiến thức, xóa mù chữ; thay đổi tư duy, xóa bỏ định kiến về giới trong gia đình; nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông… được tỉnh đặc biệt quan tâm, xác định có ý nghĩa quan trọng đối với các hộ gia đình DTTS, các địa phương vùng đồng bào DTTS, vùng ĐBKK.
Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian. Ảnh: Duy Tuấn |
Ngay khi Chương trình được triển khai, chính quyền các cấp đã thành lập Ban Chỉ đạo do Chủ tịch UBND các cấp làm Trưởng ban; 100% các thôn thành lập Ban phát triển thôn và Ban giám sát cộng đồng; xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình phù hợp với quy định về mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung các dự án, tiểu dự án thành phần gắn với điều kiện thực tiễn địa phương, địa bàn quản lý; chủ động lồng ghép các nguồn kinh phí, phân công các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện theo phương châm “rõ việc, rõ trách nhiệm”. Tính đến cuối năm 2024, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành 39 nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 53 quyết định, 25 kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
Hết năm 2024, tổng nguồn vốn đã giao thực hiện Chương trình là 5.354.120 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 2.819.393 triệu đồng, vốn sự nghiệp 2.534.727 triệu đồng. Tổng vốn đã giải ngân 3.101.467 triệu đồng. Ngoài ra, huy động vốn lồng ghép và nhân dân đóng góp (quy đổi thành tiền) 72.783 triệu đồng. Qua các nguồn vốn giao, toàn tỉnh đã xây mới 1.182 nhà ở, hỗ trợ 824 gia đình chuyển đổi nghề, hỗ trợ nước phân tán cho 26.313 hộ gia đình, xây mới 52 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung dự kiến cấp nước cho trên 5.100 hộ dân; sắp xếp, ổn định dân cư và di dân xen ghép 156 hộ; phát triển 43 chuỗi giá trị với 2.868 hộ tham gia; hỗ trợ 1.011 dự án phát triển sản xuất cộng đồng cho 29.551 hộ DTTS thụ hưởng; đầu tư trên 350 công trình giao thông nông thôn, gần 800 km đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa; xây dựng gần 120 công trình cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất ở thôn, bản; 51 trạm y tế xã, 145 nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng, đầu tư thiết bị đạt chuẩn; 37 chợ được xây mới và cải tạo, sửa chữa; trên 40 công trình thủy lợi nhỏ được sửa chữa, cải tạo.
Người dân tộc Dao thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ thoát nghèo từ phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: PV |
Ngoài ra có 103 công trình hạ tầng được đầu tư theo cơ chế đặc thù, 217 công trình trên địa bàn ĐBKK được duy tu, bảo dưỡng. Trên 100 công trình trường, lớp học, 40 phòng công vụ cho giáo viên được xây dựng; mở 1.275 lớp xóa mù chữ cho 4.728 người DTTS; đào tạo nghề cho trên 10.000 người; xây dựng 53 mô hình chăm sóc, nuôi dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho trẻ em; hỗ trợ 394 điểm tiêm chủng ngoại trạm; thành lập và duy trì hoạt động hàng nghìn tổ truyền thông cộng đồng, các CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới; hỗ trợ khoán bảo vệ trên 177 nghìn ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ...
Theo đánh giá của UBND tỉnh, Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và MN đã có nhiều tác động tích cực đến KT – XH của tỉnh; việc triển khai chương trình đã thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, kinh tế vùng đồng bào DTTS và MN tiếp tục tăng trưởng. Chương trình đã giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2024 bình quân 5,99%/năm, các huyện nghèo, xã ĐBKK giảm trên 6%/năm, đóng góp chung vào kết quả giảm nghèo toàn tỉnh trên 4%/năm. Tổng sản phẩm bình quân đầu người tăng trưởng khá và ổn định qua các năm, ước năm 2025 đạt 43 triệu đồng, tăng 44,2% so với năm 2020. Chất lượng hoạt động ngành Y tế, Giáo dục nâng cao. Hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được quan tâm. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Môi trường sinh thái đa dạng được bảo vệ, giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu. Phong tục, tập quán lạc hậu, tư tưởng trông chờ ỷ lại, định kiến về giới và bạo lực gia đình dần được xóa bỏ. Đồng bào các dân tộc đoàn kết, nỗ lực vươn lên, tham gia tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc…
DUY TUẤN
Nguồn: https://baohagiang.vn/xa-hoi/202505/doi-thay-doi-song-dong-bao-dan-toc-thieu-so-noi-bien-cuong-6643a53/
Bình luận (0)