Nhiều giải pháp căn cơ ngay từ đầu năm
Triển khai nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2025, Quảng Ninh đã chọn chủ đề “Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới”, để thể hiện rõ các quyết tâm, nỗ lực của tỉnh đồng hành cùng Chính phủ tạo tăng trưởng mới trong giai đoạn đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.
Khẳng định quyết tâm cao, nỗ lực lớn, trên cơ sở tính toán căn cơ từng nguồn lực, từng nhân tố tăng trưởng trong từng ngành, từng lĩnh vực, Quảng Ninh xác định, một trong những giải pháp cốt lõi, được coi là "đột phá của đột phá" là giải phóng toàn bộ nguồn lực. Nhằm hiện thực hoá các chỉ tiêu, mục tiêu, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã phát huy vai trò chủ động, rà soát các dư địa phát triển để đóng góp vào kịch bản chung của tỉnh. Trong đó xác định, để đạt mục tiêu tăng trưởng 14% ở năm 2025, khu vực công nghiệp - xây dựng cần phải tăng 14,33%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 33,74%; dịch vụ tăng 16,45%; quy mô GRDP đạt khoảng 396.000 tỷ đồng…
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã đẩy mạnh đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách làm, đột phá trong chính sách để thúc đẩy phát triển; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tập trung triển khai có hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược; định vị lại giá trị địa phương, nhận diện đầy đủ lợi thế, thách thức, mâu thuẫn, “điểm nghẽn” để tìm cách hóa giải, tìm cơ hội trong khó khăn thách thức, định hình phương thức phát triển mới; đẩy mạnh và làm mới động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, phát triển mạnh mẽ KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao… trên cơ sở bám sát “Bộ tứ Nghị quyết trụ cột” của Bộ Chính trị.
Song song với đó, xác định rõ cần phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của các vùng động lực là các đô thị lớn của tỉnh, các tuyến hành lang kinh tế và các mũi đột phá. Ưu tiên tăng nhanh quy mô, tỷ trọng đóng góp vào GRDP và thu ngân sách của công nghiệp chế biến, chế tạo, gắn với nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI thế hệ mới; giữ ổn định, phát triển hợp lý, bền vững ngành than, điện; phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư về TTHC, quy hoạch, đất đai, GPMB, vật liệu san lấp... để các dự án sớm đi vào hoạt động; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm dịch vụ - du lịch… Đồng thời có biện pháp, giải pháp chủ động, tích cực thực hiện các dự án đầu tư công và đầu tư tư, đây là giải pháp để nhanh nhất đạt, hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng.
Từ đó, 6 tháng đầu năm 2025, nhiều dự án trọng điểm như Đường ven sông, Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, Công viên Đại Dương Hạ Long, Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh... được đẩy nhanh tiến độ, bù đắp cho thời gian chậm trước đó. Một số dự án mới cũng được khởi công, như Nhà máy Lite-On Quảng Ninh giai đoạn 1 tại KCN Sông Khoai với tổng vốn đầu tư 690 triệu USD; đưa Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng vào sản xuất thương mại…
Với cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá cả ở tầm chiến lược và sách lược để đồng bộ triển khai thực hiện, giai đoạn nửa đầu năm 2025, Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 11,03%, đứng thứ 3 cả nước, cao hơn 2,01% so cùng kỳ năm 2024. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng cao nhất với mức tăng 13,03%, chiếm tỷ trọng 35,6%, đóng góp 4,58 điểm trong tăng trưởng chung của tỉnh. Khu vực công nghiệp và xây dựng mặc dù gặp phải nhiều khó khăn, tồn đọng kéo dài nhiều năm qua, nhưng vẫn đạt mức tăng 11,48%, tăng 3,8% so cùng kỳ. Các lĩnh vực thuế, sản phẩm, nông, lâm, thủy sản tăng trưởng, đảm bảo kế hoạch, kịch bản đã đề ra.
Những kết quả này đã cho thấy rõ những nỗ lực của Quảng Ninh trong mục tiêu đồng hành cùng Chính phủ tạo bứt phá mới trong tăng trưởng.
Tập trung tối đa nguồn lực, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cả năm
Bước vào nửa chặng đường còn lại của năm 2025, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới, nhất là các vấn đề phát sinh khi hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp đã chính thức đi vào hoạt động từ 1/7. Tuy nhiên, xác định năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối của nhiệm kỳ và kế hoạch 5 năm 2021-2025; năm tiến hành đại hội đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc… Do vậy, nối tiếp kết quả đã thực hiện được ở 6 tháng đầu năm, Quảng Ninh đã thực hiện rà soát, đánh giá, chủ động nhận định tình hình trong giai đoạn mới để cụ thể hóa các kế hoạch, mục tiêu trên cơ sở tăng tốc, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế và tăng trưởng.
Theo đó, tại Kỳ họp thứ 29, HĐND tỉnh khóa XIV vừa diễn ra, đa số đại biểu HĐND tỉnh đều thể hiện rõ quyết tâm, tham gia hiến kế, đề ra các giải pháp để Quảng Ninh đạt mục tiêu tăng trưởng 14% trong năm 2025 thông qua Nghị quyết số 281/NQ-HĐND ngày 17/7/2025 về tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH ở 6 tháng cuối năm.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm đó là sẽ tiếp tục tạo bứt phá trong phát triển kinh tế; tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới thông qua việc thúc đẩy tiến độ, nâng cao tỷ lệ, chất lượng giải ngân vốn đầu tư công. Bởi đây là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để làm được điều này, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, tháo gỡ dứt điểm các khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án, nhất là các dự án quan trọng, gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Mục tiêu giai đoạn 6 tháng cuối năm sẽ hoàn thành tuyến đường ven sông; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 279; đẩy nhanh tiến độ các công trình dự kiến khởi công, khánh thành để chào mừng kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2/9 và chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
Song song với đó, tiếp tục đẩy mạnh thu hút nguồn vốn FDI thế hệ mới, quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB nhằm tạo “quỹ đất sạch” để thu hút nhà đầu tư; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để sớm đi vào hoạt động, bổ sung năng lực, tăng năng suất, sản lượng. Đối với lĩnh vực dịch vụ - du lịch, sẽ tập trung thu hút các dự án chất lượng cao; phát triển các sân golf theo quy hoạch; đổi mới, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm du lịch, dịch vụ gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường...
Tỉnh cũng sẽ thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số bằng việc thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động của các cơ quan đảng, Nhà nước. Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số gắn với chuyển đổi số trong các lĩnh vực trọng điểm như: Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, giáo dục, y tế, logistics…; tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của khu vực kinh tế tư nhân. Thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế…
Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, chủ động hóa giải những khó khăn, thách thức nhằm giải phóng toàn bộ nguồn lực để tạo đột phá trong tăng trưởng… chắc chắn rằng, Quảng Ninh sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả quan trọng ở giai đoạn nửa chặng đường còn lại của năm 2025. Điều này, sẽ đáp ứng được những kỳ vọng, tin tưởng gửi gắm từ Chính phủ, góp phần đồng hành cùng đất nước đạt tốc độ tăng trưởng trên 8% ở năm 2025, là tiền đề quan trọng để đạt tăng trưởng 2 con số từ năm 2026 - năm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, giai đoạn đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/dot-pha-de-hoan-thanh-muc-tieu-tang-truong-kinh-te-3367600.html
Bình luận (0)