Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhiều khó khăn trong quản lý mã số vùng trồng

(Baothanhhoa.vn) - Được xem là “tấm vé thông hành” để nông sản tiếp cận và được tiêu thụ ở những thị trường lớn, mã số vùng trồng (MSVT) đã trở thành tiêu chuẩn sản xuất khắt khe mà nhiều địa phương, vùng sản xuất hướng tới để tăng giá trị kinh tế. Sau thời gian triển khai, việc cấp MSVT trên địa bàn tỉnh đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng MSVT sau khi được cấp đã trở thành bài toán khó đối với các địa phương và người sản xuất.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa23/07/2025

Nhiều khó khăn trong quản lý mã số vùng trồng

Vùng sản xuất lúa đã cấp mã số vùng trồng của HTX Dịch vụ nông nghiệp - điện Thiệu Phúc, xã Thiệu Hóa được giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất.

Để tăng sức cạnh tranh cho nông sản, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đang tập trung đẩy mạnh thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhất là hỗ trợ nông dân thực hiện cấp MSVT cho các cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, việc xây dựng MSVT không phải điều dễ dàng. Bởi, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, lạc hậu, diện tích sản xuất tập trung chưa nhiều (trong khi yêu cầu để được cấp MSVT là diện tích từ 10ha trở lên); chi phí cho việc cấp MSVT tương đối lớn cũng là khó khăn đối với quá trình triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khách quan chính là không phải quốc gia, thị trường nhập khẩu nông sản nào cũng đưa tiêu chuẩn về MSVT vào quy định xuất, nhập khẩu. Chính vì vậy, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn chưa chú trọng, thậm chí phớt lờ việc xây dựng MSVT cho nông sản.

Trước những khó khăn đó, ngành nông nghiệp và các địa phương đã nỗ lực, phát triển MSVT để nâng cao giá trị cho nông sản. Từ năm 2022, HTX Dịch vụ nông nghiệp - điện Thiệu Phúc, xã Thiệu Hóa đã xây dựng kế hoạch phát triển MSVT cho cây lúa với diện tích 10ha, khoảng 50 hộ dân tham gia sản xuất. Mô hình áp dụng quy trình canh tác lúa cải tiến, nâng cao chất lượng gạo. Để có được sản phẩm đạt tiêu chuẩn, HTX đã tổ chức các buổi tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích khi tham gia xây dựng MSVT; tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất để người dân áp dụng vào sản xuất thực tế. Trong quá trình thực hiện, HTX luôn đồng hành, thường xuyên kiểm tra, giám sát về quy trình kỹ thuật... Đồng thời, hướng dẫn các hộ dân thực hiện ghi chép tỉ mỉ các công đoạn bón phân, phun thuốc, thu hoạch; sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục được phép sử dụng, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng, tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ và đảm bảo đủ thời gian cách ly trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Mặc dù quy trình sản xuất mới, song nhờ áp dụng đúng kỹ thuật và giám sát chặt chẽ quy trình nên chất lượng của vùng sản xuất lúa đạt chuẩn, được cơ quan chuyên môn cấp MSVT. Đến nay, sau gần 3 năm, vùng sản xuất này vẫn được duy trì, năng suất hằng năm đạt 70 - 72 tạ/ha, cao hơn khoảng 10% so với diện tích sản xuất lúa truyền thống; chất lượng lúa bảo đảm nên được ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 2 doanh nghiệp lớn là Công ty TNHH Thực phẩm công nghệ cao Tâm Phú Hưng và Công ty TNHH Lương thực Thuần Dũng. Tuy nhiên, ông Trương Văn Tuấn, giám đốc HTX, cho biết: "Việc xây dựng MSVT cho cây lúa đã khó thì việc quản lý còn khó hơn. Trong đó, việc duy trì ý thức sản xuất của người dân là khâu quan trọng. Ngoài ra, hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện việc mạo nhận sản phẩm gạo của vùng được cấp MSVT của HTX làm ảnh hưởng đến “danh tiếng” của sản phẩm. Do đó, chúng tôi mong muốn cơ quan chuyên môn có biện pháp xử lý nghiêm để bảo vệ sản phẩm chất lượng và phát huy được giá trị của chứng nhận đã cấp”.

Thực tế, trong quản lý MSVT cũng xuất hiện nhiều vấn đề bất cập, như: ở một số vùng sản xuất không ghi chép, lưu trữ hồ sơ về truy xuất nguồn gốc theo quy định (nhật ký canh tác); một số chủ sở hữu vùng trồng chưa có ý thức bảo vệ mã số, để xảy ra tình trạng chưa liên kết sản xuất theo quy trình chung; chất lượng sản phẩm không đồng đều... Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp tỉnh đã tuyên truyền hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số, chuẩn hóa từ giống, quy trình canh tác; quy trình thu hoạch và sau thu hoạch; tổ chức sản xuất theo hướng an toàn, có liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm... Đồng thời, xử lý đình chỉ, thu hồi những MSVT không duy trì chất lượng và vi phạm các quy định về cấp MSVT theo Quyết định số 3156/QĐ-BNN-TT ngày 19/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường).

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh đã cấp mới 13 MSVT với diện tích 120,18ha, nâng tổng số vùng trồng được cấp mã lên 121 vùng với 1.125ha. Đồng thời, thực hiện xuất khẩu được hơn 553.000 tấn rau, quả đóng hộp, 150 tấn gạo theo đường chính ngạch. Thực tế cho thấy, MSVT là yêu cầu bắt buộc đối với một số loại mặt hàng nông sản xuất khẩu và cũng là xu thế tất yếu của một nền nông nghiệp cần minh bạch nguồn gốc xuất xứ, cần bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn. Do đó, nhằm chuẩn bị cơ sở tốt để cấp MSVT, tỉnh Thanh Hóa đã hình thành được 17 vùng sản xuất tập trung cấp tỉnh và 55 vùng sản xuất tập trung cấp cơ sở, hơn 4.000ha nông sản được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP... Đồng thời, tăng cường áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, bảo đảm các yêu cầu, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố còn chú trọng đến việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản địa phương...

Bài và ảnh: Thanh Hòa

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nhieu-kho-khan-trong-quan-ly-ma-so-vung-trong-255875.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm