Những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân được Bình Dương xác định là lực lượng chủ lực trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP ổn định và tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động. Bình Dương đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.
Nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển
Ngay từ những ngày đầu phát triển, Bình Dương đã xác định kinh tế tư nhân (KTTN) là nguồn lực quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên quan điểm đó, Bình Dương đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển KTTN. Bình Dương đã tạo điều kiện tối đa cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh sử dụng đất đai, đầu tư sản xuất. Từ đây, hàng loạt doanh nghiệp tư nhân (trong và ngoài nước) đã tìm đến Bình Dương đầu tư theo chính sách “trải chiếu hoa mời gọi nhà đầu tư” của tỉnh.
Khu vực KTTN ở Bình Dương không ngừng lớn mạnh, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển của địa phương. Hàng ngàn doanh nghiệp tư nhân ra đời, tạo công ăn việc làm cho ngàn lao động, góp phần không nhỏ vào nguồn thu ngân sách Nhà nước. Khu vực KTTN đã tham gia đầu tư vào tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, từ ngành hàng truyền thống cho đến các ngành hàng mới, từ lĩnh vực chế biến đến lĩnh vực chế tạo, đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế. Để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, Bình Dương không ngừng triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường an toàn, thông thoáng, thuận lợi nhất để doanh nghiệp an tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Theo UBND tỉnh, thời gian qua, với các chính sách hỗ trợ phù hợp, số lượng doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Bình Dương thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực, hỗ trợ liên doanh, liên kết, tham gia cụm liên kết ngành, hợp tác đầu tư phát triển các cụm công nghiệp. Tin tưởng rằng trong thời gian tới, khu vực kinh tế tư nhân ở Bình Dương ngày càng vững mạnh hơn.
|
Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường. Đồng thời, Bình Dương đã triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia việc làm và dạy nghề, kết nối cung - cầu lao động hiệu quả; tăng cường hoạt động liên kết cung ứng lao động với hơn 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Bình Dương cũng thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực thông qua Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ liên doanh, liên kết, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, hợp tác đầu tư phát triển các cụm công nghiệp...
Sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương ngày nay đã thật sự thay da đổi thịt, lĩnh vực KTTN đóng góp ngày càng cao vào GRDP của tỉnh. Hiện nay, hơn 97% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thuộc khu vực KTTN. Đây được xem là lực lượng chủ lực, đóng vai trò then chốt trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP ổn định và tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động.
Phát triển doanh nghiệp 4.0
Những năm qua, khu vực KTTN luôn nỗ lực phát triển quy mô và khả năng cạnh tranh bằng các giải pháp như đổi mới công nghệ, áp dụng phương thức quản trị doanh nghiệp tiên tiến, có chiến lược phát triển thị trường tốt góp phần phát triển ổn định hệ thống doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh lớn mạnh không ngừng, mang nét đặc trưng của đất và người Bình Dương, như Minh Long I, Cường Phát, Vinamit, U&I...
Sau hơn 40 năm hình thành và phát triển, đến nay Công ty TNHH Cường Phát (TP.Thuận An) có hơn 500 công nhân lao động, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, xuất khẩu sản phẩm sứ cao cấp đến nhiều thị trường trên thế giới. Công ty duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm hơn 10%. Ông Lý Ngọc Bạch, Tổng Giám đốc công ty, chia sẻ có được thành công như ngày hôm nay ngoài những yếu tố thuận lợi về điều kiện giao thương, sản xuất của địa phương, công ty luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành tỉnh Bình Dương, nỗ lực lựa chọn quy mô tổ chức doanh nghiệp phù hợp với điều kiện của mình. Công ty đã áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất gốm sứ cao cấp tự động và bán tự động ở tất cả các khâu, quan tâm đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội cho người lao động.
Để nâng cấp nền tảng công nghiệp hướng đến hội nhập vào kỷ nguyên 4.0, Bình Dương đẩy mạnh các định hướng sản xuất thông minh, công nghệ thông minh, phát triển doanh nghiệp 4.0. Sẵn sàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Bình Dương tiên phong chuyển đổi mô hình khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái, thông minh thế hệ mới. Bình Dương đã và đang đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp thế hệ mới một cách đồng bộ và hiện đại, sẵn sàng phục vụ các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp quy mô lớn.
Trong bối cảnh thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ sang nền kinh tế tri thức và công nghiệp công nghệ cao, Bình Dương xác định phát triển công nghiệp công nghệ số và công nghiệp bán dẫn là một trong những định hướng chiến lược trọng tâm nhằm tạo động lực tăng trưởng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và chủ động hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, công nghiệp công nghệ số đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng nền tảng hạ tầng số phục vụ phát triển kinh tế số, chính quyền số và xã hội số. Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã dành không gian phát triển cho các khu công nghệ thông tin tập trung và đổi mới sáng tạo. Nổi bật là Công viên Khoa học và Công nghệ có quy mô 220 ha, bao gồm Khu công nghệ thông tin tập trung có quy mô diện tích 15,47 ha vừa được Chính phủ trao quyết định thành lập.
Trong quá trình phát triển hiện nay, Bình Dương luôn lấy doanh nghiệp làm trung tâm cho hoạt động đổi mới sáng tạo, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực theo xu hướng của cách mạng công nghiệp 4.0. Bình Dương đang chuẩn bị chu đáo chiến lược và giải pháp đồng bộ trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới nâng cao hiệu quả sản xuất, quản lý...
PHƯƠNG LÊ
Nguồn: https://baobinhduong.vn/dot-pha-moi-thuc-day-kinh-te-tu-nhan-phat-trien-ky-2-a347491.html
Bình luận (0)