Giảm thiểu tác động tiêu cực
Trong quý I-2025, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu chủ lực của tỉnh như gỗ, dệt may, giày da ghi nhận mức tăng trưởng đơn hàng so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, từ tháng 4-2025, trước những biến động của thị trường thế giới, đặc biệt là việc tăng thuế đối ứng của Hoa Kỳ đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, buộc DN phải chủ động hoạt động sản xuất, xuất khẩu, thích ứng với những biến động khó lường của thị trường thế giới.
Ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Gỗ An Cường, cho biết một số mặt hàng xuất khẩu của công ty đang chịu thuế đối ứng mới khi vào thị trường Hoa Kỳ. Diễn biến sắp tới sẽ phụ thuộc vào kết quả đàm phán song phương. Nếu duy trì mức thuế ở ngưỡng 15-20%, hoạt động xuất khẩu của công ty vẫn duy trì hiệu quả. “Tranh thủ thời gian thuế đối ứng tạm hoãn, công ty đang đẩy nhanh sản xuất để kịp giao đơn hàng cho đối tác Hoa Kỳ. Công ty đã chủ động giảm giá cho khách hàng, chia sẻ khó khăn về chi phí vận chuyển tăng cao, đồng thời đưa ra các chương trình chiết khấu nhằm giữ thị phần”, ông Lê Đức Nghĩa nói.
Ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Nhật Nam, cho biết công ty nỗ lực duy trì sản xuất, giữ chân lao động và cân đối tài chính. Hiện các DN ngành gỗ đang chủ động nguồn cung nguyên liệu, đa dạng hóa thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và tính minh bạch giúp ngành gỗ giảm thiểu tác động tiêu cực từ thuế quan của Hoa Kỳ và các biến động thương mại khác. Các DN mong muốn cơ quan chức năng tạo điều kiện hơn nữa về mặt cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, kịp thời cảnh báo về nguồn gốc gỗ nguyên liệu phục vụ sản xuất sản phẩm xuất khẩu…
Trong khi đó, theo các DN dệt may, một số khách hàng đã đề xuất giảm giá bán thêm 2% do họ chấp nhận chịu mức thuế 10% tăng thêm từ thị trường Hoa Kỳ nhằm tránh việc phải tăng giá khi đến tay người tiêu dùng. Để ứng phó với biến động chi phí đầu vào, các DN đã chủ động ký kết hợp đồng dài hạn với nhà cung cấp nguyên phụ liệu và lên kế hoạch dự trữ nhằm ổn định giá mua trong bối cảnh giá nguyên phụ liệu có xu hướng tăng trở lại. Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, cho rằng trong bối cảnh thị trường xuất khẩu có nhiều biến động như hiện nay, các DN trong nước nếu chưa thực sự xác lập được vị thế, chưa nâng cấp được giá trị sẽ dễ rơi vào thế bị tổn thương. Hiện khách hàng đang đứng trước hàng loạt yêu cầu, thách thức của các thị trường xuất khẩu lớn, như chiến lược “dệt may bền vững” với 3 tiêu chuẩn độ bền, khả năng tái sử dụng, tái chế từ sợi thành sợi và hàm lượng tái chế bắt buộc.
Nâng cấp giá trị
Theo các chuyên gia, do có vị trí thấp trong chuỗi giá trị khiến hàng Việt gặp khó khăn trong cạnh tranh, lợi nhuận thấp và khó mở rộng thị trường. Hơn nữa, phần lớn nguyên liệu đầu vào đều nhập khẩu, khiến tỷ lệ giá trị nội địa gia tăng trên tổng sản lượng xuất khẩu thấp. Chính vì vậy, việc tăng tốc nâng cấp giá trị cho hàng hóa là rất cần thiết trong thời điểm này. Các DN cần chuyển đổi hình ảnh từ một nhà sản xuất chi phí thấp sang một nhà cung ứng thay thế đáng tin cậy, chẳng hạn như có khả năng cung cấp các mặt hàng đặc sản độc đáo, có giá trị cao.
Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Gỗ Hiệp Long, việc chuyển đổi từ mô hình sản xuất gia công (OEM) sang mô hình nhà sản xuất thương hiệu gốc (OBM) phải đầu tư vào xây dựng thương hiệu, đổi mới và sở hữu cơ sở khách hàng. Với mô hình OBM, các DN sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả mọi thứ, bao gồm sản xuất và phát triển, chuỗi cung ứng, giao hàng và tiếp thị. Tuy nhiên, ưu điểm mang lại là họ sẽ bán hàng hóa dưới tên thương hiệu riêng của mình để tăng thêm giá trị. Mô hình này còn giúp DN tiết kiệm chi phí khi giảm bớt các vấn đề rắc rối phát sinh. Tuy nhiên, đây là con đường đi dài, cần đầu tư kỹ lưỡng.
Theo ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, vẫn còn nhiều thị trường mở có tiềm năng và lợi thế về thuế quan mà Việt Nam chưa khai thác hiệu quả, như Trung Đông, Mỹ Latinh (điển hình là Brazil, Argentina, Chile, Colombia)... VCCI - Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh đồng hành cùng DN khai mở thị trường, tìm kiếm các đối tác phù hợp và sản xuất những sản phẩm đáp ứng đúng phân khúc, nhu cầu thị trường và đặc biệt là những thị trường có mức độ văn hóa tương đồng, có thể tương tác trực tiếp với DN. Bản thân các DN cũng cần chủ động khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, trong bối cảnh thị trường thế giới nhiều biến động khó lường, các doanh nghiệp cần thích ứng với hoạt động xúc tiến thương mại, đổi mới và đẩy mạnh triển khai các hình thức để mở rộng thị trường xuất khẩu mới. Ngành công thương tiếp tục kịp thời chia sẻ thông tin về các thị trường ngách (tập hợp con của thị trường mà sản phẩm được thu hút bởi một nhóm nhỏ người tiêu dùng), cập nhật cơ hội phát triển xuất khẩu mới cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp... |
TIỂU MY - ANH TUẤN
Nguồn: https://baobinhduong.vn/nang-cap-chuoi-gia-tri-mo-rong-thi-truong-xuat-khau-a347492.html
Bình luận (0)