Trả lời báo chí, đại diện VinSpeed từng thẳng thắn xác định đây là dự án cống hiến, làm vì khát khao đóng góp cho đất nước chứ không phải chỉ để tìm kiếm lợi nhuận.

Không chỉ để tìm kiếm lợi nhuận
Tại cuộc họp với các bộ ngành mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu các đơn vị nghiên cứu đề xuất xây đường sắt tốc độ cao của VinSpeed. Phản hồi chỉ đạo của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ thông báo các bộ, cơ quan cơ bản ủng hộ và hoan nghênh đề xuất của VinSpeed về việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.
Đồng tình với quan điểm trên, nhiều chuyên gia bày tỏ sự hoan nghênh khi một doanh nghiệp tư nhân đi tiên phong đầu tư vào một dự án khó bậc nhất Việt Nam.
“Đề xuất này của doanh nghiệp là rất đáng khích lệ, khi sẵn sàng đứng ra chung vai gánh vác những trọng trách lớn quốc gia, thậm chí là chấp nhận rủi ro”, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nói.
PGS.TS Trần Đình Thiên cũng nhấn mạnh quan điểm tin tưởng những doanh nghiệp tư nhân Việt có tiềm lực và khát vọng đủ lớn, để không những tăng tốc các dự án hạ tầng mà còn góp phần nâng tầm thực lực quốc gia.
Tuy nhiên, từ bộ ngành đến các chuyên gia đều bày tỏ quan ngại về khả năng lỗ kéo dài và không biết bao giờ hoàn vốn của dự án. Trên thế giới, đường sắt cao tốc luôn là đòn bẩy trọng điểm tạo nền tảng phát triển cho đất nước nhưng cũng là “thương vụ chắc chắn lỗ” với 98% dự án lỗ cao và kéo dài sau hàng thập kỷ vận hành. Điều này đã được nghiệm chứng tại nhiều nước đi trước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước ở châu Âu.
Đó là lý do, theo Nghị quyết của Chính phủ, dự án này phải khởi công trước 12/2026. Tuy nhiên, hiện tại gặp khó trong việc xác định doanh nghiệp làm chủ đầu tư cũng như khai thác, vận hành. Trong bối cảnh đó, việc có 1 doanh nghiệp mạnh dạn đề xuất đầu tư dự án này - theo ông Nghĩa chính là một sự đóng góp lớn.
Bản thân VinSpeed cũng không phủ nhận thực tế này. Trả lời báo chí, bà Đào Thụy Vân, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed cho biết: “Chúng tôi xác định đây dự án cống hiến, triển khai vì khát khao đóng góp cho đất nước chứ không phải chỉ để tìm kiếm lợi nhuận".
Vingroup sẽ lập thêm kỳ tích?
Dù hoan nghênh nhưng một vài ý kiến đã đặt ra lo lắng rằng, một doanh nghiệp mới thành lập như VinSpeed liệu có đủ sức đảm nghiệm và thậm chí chỉ cần 5 năm - một nửa thời gian so với dự kiến ban đầu - để hoàn thành một công trình tầm vóc quốc gia như đường sắt cao tốc Bắc - Nam?
Lên tiếng về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ sự tin tưởng: VinSpeed hoàn toàn có thể làm được. Theo ông, tuy là một cái tên mới nhưng đứng sau VinSpeed là tỷ phú Phạm Nhật Vượng với hệ sinh thái đa ngành lớn nhất Việt Nam.
Vị chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh năng lực triển khai của các doanh nghiệp do ông Phạm Nhật Vượng điều hành đã được chứng minh qua hàng loạt dự án hạ tầng lớn - từ nhà máy ô tô VinFast xây trong 21 tháng, tuyến vành đai 2 vượt tiến độ, cho tới trung tâm hội chợ triển lãm quy mô quốc gia thi công chỉ 10 tháng…
“Trước khi có VinFast, ít người tin rằng người Việt có thể làm ô tô, nhưng giờ họ đã là hãng xe bán chạy nhất thị trường với tỷ lệ nội địa hóa hiện tại gần 70%. Tôi tin VinSpeed cũng mang ‘mã gen kỳ tích’ đó”, TS. Lê Xuân Nghĩa dẫn chứng.
Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - VIAC, nhấn mạnh: Việc chọn tư nhân trong nước làm đường sắt cao tốc là để làm nhanh hơn, hiệu quả hơn và mang lại nhiều lợi ích hơn cho đất nước, chứ không phải để buông lỏng kiểm soát, né tránh trách nhiệm.
“Nhà nước thay vì mất rất nhiều công sức vào việc trực tiếp hoạt động đầu tư, kinh doanh thì sẽ tập trung nguồn lực tốt hơn vào việc ở ngoài, đứng trên để xây dựng cơ chế, đặt ra điều kiện và thực hiện giám sát, thanh kiểm tra để bảo đảm đúng mục tiêu, hiệu quả phục vụ lợi ích người dân và xã hội”, luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm.
Nguồn: https://vtcnews.vn/du-an-duong-sat-cao-toc-bac-nam-vi-sao-vinspeed-biet-lo-van-lam-ar945443.html
Bình luận (0)