Phát triển nông nghiệp bản địa
Lai Châu là vùng đất biên giới nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ, nhiều sông suối, những dãy núi cao. Nơi đây, cũng là xứ sở của những cánh rừng già xanh bạt ngàn, rất thuận lợi để phát triển các loại cây dược liệu quý dưới tán rừng, sâm Lai Châu là một trong số đó. Sâm Lai Châu được đưa vào Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam, thuộc đối tượng ưu tiên bảo tồn và phát triển. Sâm có vị ngọt, tính ôn, thân, rễ sâm có chứa saponin MR2 với tỷ lệ lớn. Hợp chất MR2 có tác dụng giải tỏa lo âu, chống trầm cảm, có triển vọng trong điều trị ung thư, điều hoà đường huyết...
Chị Tăng Thị Phương Thanh – Giám đốc HTX nông nghiệp bản địa Thu Ka hướng dẫn người dân xã Lản Nhì Thàng (huyện Phong Thổ) cách chăm sóc sâm Lai Châu.
Nhận thấy những giá trị quý của sâm Lai Châu, những năm qua HTX nông nghiệp bản địa Thu Ka đã chú trọng bảo tồn, nhân giống, phát triển sâm Lai Châu tại vườn trên dãy núi Hoàng Liên Sơn thuộc xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) sau đó di thực về xã Mồ Sì San (huyện Phong Thổ) và gần đây chuyển hẳn về xã Lản Nhì Thàng (huyện Phong Thổ) với diện tích trồng gần 1ha, gần 5.000 cây sâm từ 1 tuổi đến 8 tuổi. Các vườn trồng sâm đều nằm ở độ cao trên 1400m so với mực nước biển, dưới những tán rừng cổ thụ, được hấp thu đầy đủ những tinh túy của đất trời nên phát triển tốt, hàm lượng MR2 cao.
Chị Tăng Thị Phương Thanh – Giám đốc HTX nông nghiệp bản địa Thu Ka cho biết, để có được những cây sâm chất lượng chúng tôi lựa chọn vùng trồng cẩn thận. Nơi đó phải là nơi có khí hậu mát mẻ, đất dưới tán rừng có nhiều mùn, không bị ngập úng, độ thoát nước cao. Giống trồng phải là những củ sâm thuần chủng từ rừng sau đó trồng hoàn toàn tự nhiên, không phá vỡ hệ thống cấu trúc tự nhiên của sâm, không sử dụng bất cứ chất kích thích hay tăng trưởng hóa học nào. Sâm phát triển theo phương pháp hữu cơ tự nhiên nên có đặc điểm cây ngắn, củ không phân nhánh, lá mỏng, được thị trường ưa chuộng.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lai Châu, các sở, ban, ngành tỉnh tham quan gian hàng của HTX nông nghiệp bản địa Thu Ka tại Chương trình "Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử - Nâng tầm sản phẩm Trung du và miền núi phía Bắc".
Cùng với sâm Lai Châu, HTX nông nghiệp bản địa Thu Ka còn sản xuất tinh dầu sả, tinh bột nghệ, các sản phẩm từ hà thủ ô. Với từng loại nông sản, HTX chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng như: sâm lát khô, sâm bột, sâm tươi ngâm mật ong rừng, rượu sâm, bột hà thủ ô, cao hà thủ ô, tinh nghệ đỏ, tinh dầu sả… Riêng với tinh dầu sả được nấu trên nương trồng sả của người dân xã Thu Lũm (huyện Mường Tè).
Khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường
Các sản phẩm nông sản của HTX nông nghiệp bản địa Thu Ka cung ứng ra thị trường là những sản phẩm nguyên chất, tự nhiên, không chất bảo quản, không tạo màu, sản phẩm nguyên bản từ vùng trồng, vùng nguyên liệu, được khách hàng khắp nơi tin dùng nhất là khách hàng tại thành phố Hà Nội. Qua thống kê, trung bình mỗi năm HTX cung ứng ra thị trường từ 20-50kg sâm, 500-800 lít tinh dầu sả java, 500-600kg hà thủ ô và tinh bột nghệ.
Khẳng định chỗ đứng trên thị trường, HTX dần lớn mạnh với tổng số 15 thành viên (tăng 8 thành viên so với ngày đầu thành lập), vốn điều lệ 500 triệu đồng. HTX đã phát triển một công ty cổ phần là Thu Ka Gaden nằm trong hệ sinh thái Thu Ka. Thu Ka Gaden sẽ là một công ty để đưa những sản phẩm bản địa lên sàn thương mại điện tử là tiktok và shopee. Điều đáng quý nhất HTX chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn vùng trồng, nhân giống, phát triển sâm cho nhiều tập đoàn lớn, giúp bảo tồn, lan tỏa giá trị sâm Lai Châu đến khách hàng gần xa; tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động, trong đó lao động trông coi vườn sâm có mức lương 6 triệu đồng/người/tháng…
Sâm Lai Châu được HTX nông nghiệp bản địa Thu Ka trồng dưới tán rừng ở độ cao trên 1400m so với mực nước biển.
Chị Lù Thị Xanh – Người dân bản Tô Y Phìn bộc bạch: Là hộ thuần nông, quanh năm quen với công việc cấy lúa, trồng ngô, chăm sóc địa lan tuy nhiên gần đây tôi được nhận vào làm việc cho HTX nông nghiệp bản địa Thu Ka. Tại đây tôi được hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, chăm sóc sâm Lai Châu, từng bước thay đổi tư duy sản xuất cũng như hiểu được giá trị của rừng với cuộc sống. Làm việc tại đây tôi còn được trả công đầy đủ, có điều kiện trang trải cuộc sống, chi tiêu sinh hoạt cho gia đình và nuôi các con ăn học.
HTX còn đóng góp vào công tác an sinh xã hội trên địa bàn thông qua việc thăm hỏi, tặng quà các gia đình khó khăn trong dịp lễ tết; trực tiếp hỗ trợ và kết nối hỗ trợ xây dựng 2 cầu dân sinh tại xã Thu Lũm (huyện Mường Tè); ủng hộ kinh phí tổ chức Ngày hội văn hóa huyện Mường Tè; là nhà tài trợ cho Giải vô địch quốc gia marathon và cự li dài Báo tiền phong năm 2023…
HTX nông nghiệp bản địa Thu Ka đang tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Gần đây nhất là đến với Chương trình "Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử - Nâng tầm sản phẩm Trung du và miền núi phía Bắc" năm 2025 do UBND tỉnh Lai Châu phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức từ ngày 23-25/5/2025, các sản phẩm của HTX đã xuất hiện tại các phiên Mega live (bán hàng trực tuyến) và trong khu trưng bày thưởng thức trà, sâm cùng gian hàng chính của HTX tại quảng trường nhân dân tỉnh Lai Châu. HTX có những mã giảm giá sản phẩm và lợi nhuận trong phiên bán hàng trực tuyến, HTX sẽ ủng hộ công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Thời gian tới, HTX sẽ phát triển các sản phẩm chế biến sâu từ sâm Lai Châu và hà thủ ô (dựa trên công nghệ, máy móc, dây chuyền hiện đại chế biến nông sản dạng thô thành các mặt hàng khác nhau). Tin tưởng với nhiều năm kinh nghiệm, tinh thần dám nghĩ, dám làm, HTX sẽ ngày càng phát triển, mở rộng thị trường, góp sức vào giải quyết “bài toán” đầu ra sản phẩm nông sản, tạo sinh kế bền vững cho người dân cũng như góp phần bảo tồn, phát triển giống sâm quý của tỉnh Lai Châu, chung sức đưa Lai Châu ngày càng phát triển.
Nguồn: https://baolaichau.vn/kinh-te/dua-san-pham-nong-san-lai-chau-vuon-xa-1071474
Bình luận (0)