Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Gen Z cõng việc gấp 3, sếp vẫn bĩu môi "không bằng ChatGPT"

(Dân trí) - Tưởng rằng sử dụng AI, tăng năng suất gấp bội sẽ được sếp cưng, nhiều người trẻ lại ngã ngửa khi mình chẳng những không được tăng lương mà còn bị đặt lên bàn cân so sánh khập khiễng với máy móc.

Báo Dân tríBáo Dân trí26/05/2025

Từ "bảo bối thần kỳ" đến gánh nặng vô hình

Là thế hệ đầu tiên hoàn toàn trưởng thành trong môi trường kỹ thuật số, không có gì ngạc nhiên khi Gen Z (những người sinh từ khoảng năm 1997 đến 2012) chính là những người tiên phong đón nhận và nhanh chóng thích ứng với các công cụ AI.

Với việc sử dụng thường xuyên các công cụ như ChatGPT, Gemini, Grok trong học tập, nghiên cứu, công việc, Gen Z đã góp phần đẩy nhanh sự phát triển của xu hướng ứng dụng AI để hỗ trợ, tăng tốc cho công việc, nâng cao năng suất.

Gen Z cõng việc gấp 3, sếp vẫn bĩu môi không bằng ChatGPT - 1

Ứng dụng AI vào công việc gần như trở thành một điều mặc định với nhiều ngành nghề ở thời điểm hiện tại (Ảnh: Minh Nhật).

Quỳnh Anh (22 tuổi), hiện đang làm công việc kiểm thử phần mềm cho biết: "AI đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc hiện tại, từ việc tìm kiếm các lỗi (bug), kiểm tra tính năng cho đến xây dựng kịch bản kiểm thử AI đều làm rất tốt. Nhờ vậy mà chỉ riêng xây dựng kịch bản, năng suất của tôi đã tăng gấp 3 lần".

Hay đối với Phương Uyên (21 tuổi), đang đảm nhận công việc giáo viên tại một trung tâm tiếng Anh nhận định: "AI giúp tôi đẩy nhanh tiến độ trong việc chấm, chữa bài viết cho học sinh. Đặc biệt, tôi cũng thường xuyên sử dụng các công cụ này để thiết kế slide nhanh chóng hoặc xây dựng giáo án cho các buổi dạy".

Trước sự hỗ trợ của AI, Uyên cũng ước tính rằng năng suất công việc đã tăng lên khá đáng kể, cụ thể lên gấp 2 lần so với bình thường.

Cũng giống như 2 nhân sự kể trên, Thanh Huyền (23 tuổi), đang làm sáng tạo nội dung cho một công ty mỹ phẩm chia sẻ về hiệu quả của AI trong công việc của mình: "Các công việc mà tôi đang làm từ lên ý tưởng, viết nội dung, xây dựng kịch bản video để quảng cáo sản phẩm đều có sự tham gia của các công cụ AI. Tôi nhận thấy hiệu suất làm việc của bản thân tăng lên rất nhiều so với trước kia, ước tính khoảng 3 lần".

Tuy nhiên bản thân các nhân sự này cũng đang áp lực với chính công cụ mà mình đang sử dụng bởi việc ứng dụng AI hiện nay không còn là một việc hiếm hoi, thậm chí đang trở thành tiêu chuẩn cần thiết.

Phần thưởng không còn chỉ đến với nhân viên chỉ dùng AI đơn thuần mà còn phải dùng hiệu quả để tạo ra kết quả vượt trội so với đồng nghiệp của mình.

Gen Z cõng việc gấp 3, sếp vẫn bĩu môi không bằng ChatGPT - 2

Nhiều nhân sự trẻ đang áp lực bởi chính việc phải dùng AI hiệu quả hơn so với người khác (Ảnh minh họa: Getty).

Nhưng để tạo ra được kết quả vượt trội đó là điều không hề đơn giản, các nhân sự phải liên tục học hỏi thường xuyên, thích nghi nhanh chóng với các công cụ AI ngày càng cập nhật thêm các tính năng mới.

Trước thực tế này, Hồng Vy (21 tuổi), phụ trách sáng tạo nội dung cho một công ty về thực phẩm cho hay: "Tôi chắc chắn rằng không chỉ có mình tôi sử dụng AI thường xuyên trong công việc mà rất nhiều người ngoài kia cũng như vậy.

Chính điều này đã tạo cho tôi áp lực phải biết cách sử dụng AI vượt trội hơn người khác. Vì vậy tôi thường dành thời gian để học sâu hơn về AI, tìm hiểu liên tục các công cụ mới, tham gia các khóa học để không bị tụt lại so với những người trong ngành".

Sam Altman, CEO của OpenAI cũng đã nhiều lần nhấn mạnh trong tương lai, việc thành thạo các công cụ AI không còn là lợi thế, mà là điều kiện tối thiểu để tồn tại trên thị trường lao động. Khả năng hiểu và sử dụng AI được dự báo là một trong những kỹ năng được săn đón nhất.

Nhà kinh tế học Richard Baldwin đã từng có phát biểu tại một Hội thảo của Diễn đàn kinh tế thế giới: "AI sẽ không lấy mất việc của bạn. Chỉ có người sử dụng AI mới có thể lấy mất điều đó".

Bị sếp dội thẳng "gáo nước lạnh"

Thế nhưng, khi việc ứng dụng AI không còn là của hiếm, chính các sếp cũng bắt đầu biết đến nhiều hơn về sức mạnh của công nghệ này, một "cú sốc văn hóa" đã diễn ra đối với nhiều nhân sự. Năng suất cao nhờ AI giờ đây là điều hiển nhiên, là "tiêu chuẩn mới" mà bất cứ ai cũng phải đạt được trong thời đại số.

Gen Z cõng việc gấp 3, sếp vẫn bĩu môi không bằng ChatGPT - 3

Năng suất cao nhờ AI giờ đây là điều hiển nhiên, là "tiêu chuẩn mới" mà bất cứ ai cũng phải đạt được trong thời đại số (Ảnh: Getty).

Và tệ hơn, nó còn trở thành cái cớ cho những so sánh khập khiễng, những đòi hỏi vô lý.

Thanh Huyền cho biết sự thật trớ trêu tại công ty mình đang làm việc: "Dù AI giúp tôi tăng năng suất gấp 3, nhưng mức lương vẫn dậm chân tại chỗ". Thậm chí cô chia sẻ: "Tôi bị giao việc, "bóc lột" nhiều hơn nhưng mức lương vẫn giữ nguyên bởi lý do sếp cho rằng có AI làm tí là xong".

Huyền còn tâm sự về việc nhiều lần bị sếp so sánh với AI. "Không bằng AI", "AI nó còn làm nhanh hơn em" trở thành những câu nói mà cô được nghe mỗi ngày. Chính điều đó khiến cho cô nhân viên này hình thành tâm lý bị sếp coi thường.

Phương Anh (23 tuổi), đang làm công việc chăm sóc khách hàng nêu quan điểm: "Việc năng suất tăng nhờ AI, mức lương không điều chỉnh cũng là điều hiển nhiên bởi năng suất tăng thì công việc mình làm sẽ tốt hơn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện sớm hơn và có thêm thời gian cho việc khác. Để tăng lương còn phải đến từ nhiều yếu tố chứ không phải chỉ riêng gì biết sử dụng AI".

Ngoài ra cô cũng khẳng định về việc năng suất tăng lên nhờ AI không đồng nghĩa với việc lương phải tăng bởi AI là tiêu chuẩn mà người lao động buộc phải có để tồn tại được.

"Cũng giống như trước đây sử dụng thành thạo tin học văn phòng giúp hiệu suất tăng nhưng lương đâu có tăng, quan trọng là nó giúp mình tạo ra lợi thế cạnh tranh tốt hơn khi đi xin việc hay trong quá trình làm việc", Phương Anh nhấn mạnh.

Gen Z cõng việc gấp 3, sếp vẫn bĩu môi không bằng ChatGPT - 4

Việc làm chủ AI hiện nay đang dần trở thành điều kiện tối thiểu để tồn tại trên thị trường lao động (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Một điều cần khẳng định, hầu hết Gen Z không hề e ngại AI. Ngược lại, họ đều nhận thức được đó là công cụ thiết yếu. Phương Uyên nhận định kỹ năng AI "quan trọng không kém kỹ năng chuyên môn, cũng như khả năng ngoại ngữ". Trong khi đó, Hồng Vy gọi nó là "lợi thế cạnh tranh lớn, gần như là bắt buộc".

Vấn đề thực sự nằm ở chỗ, một số nhà quản lý lại dùng chính sự tiến bộ đó để gây áp lực ngược. Thay vì ghi nhận sự khéo léo và trí tuệ của nhân viên khi thuần thục AI, họ lại biến AI thành thước đo cứng nhắc, thành thứ để so sánh và đòi hỏi. Chính điều này đã tạo nên "ám ảnh AI" trong lòng nhiều người trẻ.

Gen Z tìm cách thích nghi trong bối cảnh AI là "điều hiển nhiên"

Trước tình hình ứng dụng AI để tăng năng suất đã không còn là điều xa vời, việc điều chỉnh mức lương sẽ không diễn ra đã làm cho nhiều Gen Z xuất hiện các phản ứng khác nhau.

Với cá tính mạnh mẽ, không ngại thay đổi và đòi hỏi sự công bằng, họ bắt đầu có chiến lược riêng để "sinh tồn" trong môi trường làm việc mới.

Không ít Gen Z chọn cách im lặng là vàng, không trực tiếp đối đầu với sếp về vấn đề lương thưởng hay sự so sánh.

Thanh Huyền tâm sự: "Tôi chưa từng trao đổi trực tiếp với cấp trên" dù cảm thấy bị so sánh với AI, giao nhiều việc hơn mà lương vẫn giữ nguyên.

Khi nỗ lực không được ghi nhận bằng vật chất bởi biết sử dụng AI đã trở thành điều hiển nhiên, nhiều Gen Z cũng chọn cách "tự thưởng" cho mình bằng thời gian. Họ sử dụng AI để hoàn thành công việc trong định mức một cách nhanh chóng, hiệu quả, rồi dùng thời gian còn lại cho những mục đích cá nhân.

Hồng Vy cho rằng bản thân đang có thêm thời gian nhàn rỗi nhờ AI, cô sử dụng khoảng nghỉ đó để học thêm các kỹ năng bổ trợ cho công việc của bản thân cũng như nhận thêm các công việc khác để gia tăng thu nhập cho mình.

Gen Z cõng việc gấp 3, sếp vẫn bĩu môi không bằng ChatGPT - 5

Nhờ sự hỗ trợ của AI trong công việc, nhiều bạn trẻ có thêm thời gian để nhận thêm công việc khác hoặc trau dồi kiến thức cho bản thân (Ảnh minh họa: CV).

Nhiều Gen Z cũng coi đây là cơ hội để nâng cấp bản thân và tìm kiếm những "bến đỗ" tốt hơn, nơi giá trị của họ được trân trọng đúng mức. Họ chủ động dùng thời gian rảnh (có được nhờ AI) để trau dồi thêm kỹ năng, mở rộng mạng lưới quan hệ, và không ngần ngại "nhảy việc".

Phương Uyên chia sẻ: "Mức lương vẫn vậy nhưng tôi có nhiều thời gian rảnh hơn. Và có thể tập trung hoàn thiện những đầu công việc khác kiếm thêm thu nhập cho bản thân và có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn trước".

Đặc biệt, cô còn cho biết bản thân đã có thêm thời gian trau dồi các kỹ năng của mình, bao gồm cả sử dụng AI để chờ thời cơ "nhảy việc" sang chỗ lương cao hơn.

Đây là một phản ứng rất "Gen Z", thực tế, chủ động và không ngại thay đổi. Họ hiểu rằng, trong một thị trường lao động biến động, việc không ngừng học hỏi và sẵn sàng tìm kiếm cơ hội mới là chìa khóa để phát triển.

Số ít hơn, nhưng cũng có những Gen Z dự định hoặc đã bắt đầu "lên tiếng". Điển hình như Quỳnh Hoa (24 tuổi), đang làm công việc chăm sóc khách hàng tại một ngân hàng. Do nhận thấy việc năng suất tăng lên nhờ AI vẫn cần một mức tưởng thưởng xứng đáng nên cô cho biết sẽ "chủ động trao đổi với cấp trên về việc xem xét lại mức đãi ngộ trong thời gian tới".

Có thể thấy phần lớn việc năng suất tăng lên nhờ AI thì mức lương sẽ không được tăng lên trực tiếp. Nhưng không thể phủ nhận rằng nhờ vào AI, chính các nhân sự sẽ nâng cao giá trị bản thân, lợi thế cạnh tranh trên thị trường và họ vẫn có thể tìm kiếm cơ hội tăng lương thông qua việc dành thời gian nhàn rỗi nhờ AI để làm thêm các công việc khác giúp gia tăng thu nhập.

Gen Z cõng việc gấp 3, sếp vẫn bĩu môi không bằng ChatGPT - 6

Làm chủ AI giúp nâng cao giá trị bản thân, tạo lợi thế cạnh tranh và vẫn tồn tại cơ hội để người lao động tăng thêm thu nhập (Ảnh minh họa: CV).

Thậm chí tại nhiều doanh nghiệp, mặc dù việc năng suất tăng gấp 3 lần nhờ AI nhưng sẽ dẫn đến thực trạng các doanh nghiệp bán sản phẩm rẻ để chạy đua về giá.

Hy vọng cũng đến với các nhân sự khi doanh nghiệp khẳng định họ sẽ nhận được mức tăng trưởng lương, thưởng gián tiếp nhờ doanh thu công ty tăng do lợi thế mà AI tạo ra và đây cũng chính là động lực để nhân sự tìm tòi, ứng dụng sâu AI vào tác vụ hiện có.

Chị Nguyễn Thị Trang, CEO của công ty TNHH Giải Pháp Pisa khẳng định: "Sự gia tăng về hiệu suất nhờ AI mang lại những chiến dịch marketing hiệu quả hơn, từ đó giúp tổng doanh thu các sản phẩm, dự án của công ty gia tăng. Qua đó nâng cao thu nhập và sự phát triển của những nhân sự marketing tại công ty".

Báo cáo tương lai việc làm giai đoạn 2025-2030 của Diễn đàn Kinh tế thế giới được công bố đầu năm 2025 cũng chỉ ra rằng sẽ có đến hơn 60% nhà tuyển dụng ưu tiên tuyển dụng nhân lực sở hữu kỹ năng liên quan đến AI, đây là một con số cho thấy nhu cầu cấp thiết về lực lượng lao động thích ứng nhanh với công nghệ trí tuệ nhân tạo hiện nay.

Điều này cho thấy tương lai sẽ thuộc về những người biết làm chủ AI. Việc năng suất tăng nhanh nhờ AI có thể sẽ không trực tiếp làm tăng mức lương nhưng sẽ tạo ra các cơ hội để nhân sự cạnh tranh với chính những người khác. Và chắc chắn, các doanh nghiệp có tầm nhìn cũng sẽ biết cách tưởng thưởng xứng đáng, động viên cho các nhân sự của mình.

Nguồn: https://dantri.com.vn/cong-nghe/gen-z-cong-viec-gap-3-sep-van-biu-moi-khong-bang-chatgpt-20250525194152822.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm