Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giải mã những khó khăn ảnh hưởng đến vị thế xuất khẩu nông...

Vị thế dẫn đầu xuất khẩu hạt điều, hồ tiêu, cà phê của Việt Nam đang bị lung lay, thậm chí mất thị phần. Các vấn đề từ cạnh tranh không công bằng đến thiếu hụt nguyên liệu nếu không sớm khắc phục sẽ rất khó cứu vãn.

Báo Đắk NôngBáo Đắk Nông20/05/2025

Về vấn đề cạnh tranh không công bằng

Trong trung tuần tháng 5/2025, tổ công tác của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc để trao đổi về chính sách kiểm soát nhập khẩu nhân điều đã qua chế biến vào Việt Nam. Tại buổi làm việc, Vinacas đề xuất không miễn thuế nhập khẩu đối với nhân điều nhập khẩu, kể cả khi dùng để tái chế xuất khẩu.

Đồng thời, Vinacas kiến nghị áp dụng mức giá nhập khẩu tối thiểu nhằm bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp chế biến trong nước. Bên cạnh đó, việc thiết lập các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt đối với nhân điều nhập khẩu cũng được nhấn mạnh để bảo vệ thương hiệu điều Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Họa – Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Chính sách của Vinacas cho biết, riêng quý 1/2025, Việt Nam đã nhập khẩu tới 19.561 tấn nhân điều. Cả năm 2024, lượng nhập khẩu đạt 131.620 tấn nhân điều, tương đương gần 600.000 tấn hạt điều thô, tăng 20,72% so với năm 2023.

Nguồn cung nhập chủ yếu từ châu Phi, nơi các quốc gia đang siết chặt xuất khẩu hạt điều thô để ưu tiên thúc đẩy chế biến trong nước và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nhân điều.

Ông Họa dẫn chứng chính sách của Bờ Biển Ngà – quốc gia sản xuất điều hàng đầu châu Phi, nơi cấm xuất khẩu điều thô vào đầu vụ nhằm ưu tiên cho các nhà máy chế biến trong nước thu mua nguyên liệu chất lượng cao, chỉ cho phép xuất khẩu khi nhu cầu nội địa được đáp ứng.

Trong năm 2025, giá thu mua tối thiểu tại nông trại của Bờ Biển Ngà đã tăng 54% lên 425 franc CFA/kg so với năm trước. Ngoài ra, điều thô xuất khẩu sang Việt Nam còn chịu thuế xuất khẩu (thuế DUS) từ 7% (giảm từ 10% năm 2019), trong khi nhân điều qua sơ chế lại được miễn thuế và hưởng trợ giá từ chính phủ.

Trái lại, Việt Nam miễn thuế nhập khẩu nhân điều dù là nguyên liệu để chế biến hàng xuất khẩu, dẫn đến tình trạng “cạnh tranh không công bằng” giữa ngành chế biến trong nước và sản phẩm nhập khẩu từ châu Phi. Điều này khiến lượng nhân điều nhập khẩu tăng nhanh, tiềm ẩn nhiều hệ lụy cho ngành điều Việt Nam.

“Doanh nghiệp chế biến trong nước phải cạnh tranh với nhân điều nhập khẩu giá rẻ, chất lượng thấp, gây nguy cơ thu hẹp sản xuất, mất thị phần và lãng phí đầu tư. Tác động tiêu cực cũng lan đến nông dân khi giá hạt điều thô trong nước giảm mạnh, gây khó khăn trong tiêu thụ và ảnh hưởng thu nhập, đặc biệt với bà con dân tộc thiểu số,” ông Họa nhấn mạnh.

Ngoài ra, giá trị gia tăng từ nhân điều nhập khẩu thấp, nguy cơ mất thương hiệu quốc gia do sản phẩm giảm chất lượng, cùng khả năng hàng trăm ngàn lao động mất việc là những thách thức lớn.

Ông Họa khẳng định nhân điều không phải mặt hàng Việt Nam không sản xuất được – ngược lại, Việt Nam chiếm trên 80% thị phần chế biến và xuất khẩu nhân điều toàn cầu. Do đó, nhân điều không nên được ưu tiên nhập khẩu. Ông đề xuất Chính phủ và các ngành xem xét áp dụng không chỉ quy định thuế mà còn các “hàng rào kỹ thuật” phù hợp để bảo vệ ngành điều trong nước.

Giải mã những khó khăn ảnh hưởng đến vị thế xuất khẩu nông sản Việt Nam
Các vấn đề từ cạnh tranh không công bằng đến thiếu hụt nguyên liệu nếu không sớm khắc phục sẽ rất khó cứu vãn.

Đối mặt với điểm nghẽn nguyên liệu

Không chỉ ngành điều mà vị thế xuất khẩu của hai mặt hàng nông sản chủ lực khác của Việt Nam là hồ tiêu và cà phê cũng đang đứng trước nguy cơ suy giảm nghiêm trọng do điểm nghẽn về nguồn nguyên liệu vẫn chưa được giải quyết.

Ở ngành hồ tiêu, dù Việt Nam chiếm khoảng 40% sản lượng và gần 55% kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu, được ví như “vua” xuất khẩu hồ tiêu thế giới, nhưng thực tế lại rất nghịch lý khi mỗi tháng nước ta phải chi hàng chục triệu USD nhập khẩu hồ tiêu để phục vụ chế biến xuất khẩu.

Trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập hơn 15.000 tấn hồ tiêu các loại với kim ngạch lên đến 88 triệu USD, tăng 25% về lượng và 105% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Nguyên nhân chính là diện tích trồng hồ tiêu giảm mạnh, từ khoảng 151.900 ha năm 2017 xuống còn 110.500 ha cuối năm 2024, phần lớn do chuyển đổi sang trồng sầu riêng.

Việc giảm diện tích trồng hồ tiêu và tăng nhập khẩu nguyên liệu khiến ngành hàng này chịu áp lực lớn về duy trì vị thế số 1 thế giới, nhất là khi cạnh tranh từ các đối thủ như Brazil ngày càng gia tăng. Năm 2025, sản lượng hồ tiêu của Brazil ước đạt 85.000–90.000 tấn, tăng đáng kể so với 75.000 tấn năm 2024.

Trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam là thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất của Brazil, chiếm 40,1% thị phần với 13.505 tấn, giá trị 79 triệu USD, tăng mạnh về khối lượng và kim ngạch so với cùng kỳ.

Tương tự, ngành cà phê cũng đang đứng trước thách thức lớn. Việt Nam, hiện là nhà sản xuất cà phê Robusta hàng đầu thế giới, đang bị Brazil và Indonesia đe dọa vị thế.

Theo Jakarta Globe, Indonesia – đứng thứ tư thế giới với hơn 700.000 tấn cà phê mỗi năm – đang nỗ lực nâng cao sản lượng nhằm vượt Việt Nam. Diện tích trồng cà phê ở Việt Nam cũng giảm do người dân chuyển sang trồng các cây khác như sầu riêng, bơ.

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, bày tỏ lo ngại về sự phân mảnh và nhỏ lẻ của vùng nguyên liệu cà phê. Ông cho rằng việc hợp tác hóa còn yếu kém, chưa phát triển được các hợp tác xã lớn như ở Brazil – nơi có HTX xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn cà phê, trong khi ở Việt Nam các HTX chỉ có diện tích vài chục đến vài trăm hecta, quá nhỏ bé.

Từ những vấn đề trên, có thể thấy nếu không sớm khắc phục điểm nghẽn nguyên liệu, thúc đẩy tự chủ và tăng sản lượng, vị thế xuất khẩu của các ngành điều, hồ tiêu và cà phê Việt Nam sẽ ngày càng bị suy yếu trước sức cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ lớn trên thị trường quốc tế.

Nguồn: https://baodaknong.vn/giai-ma-nhung-kho-khan-anh-huong-den-vi-the-xuat-khau-nong-san-viet-nam-253106.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng
Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm