LTS: Từng là tỉnh thuần nông, Bắc Giang đã tạo nên sự bứt phá ngoạn mục, nhiều năm liên tiếp dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Không chỉ thu hút hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, Bắc Giang còn đang hình thành hệ sinh thái công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp ngày càng hoàn chỉnh. Chuyên đề này đi sâu giải mã sức bật nội sinh đã đưa một tỉnh không có nhiều lợi thế vươn lên thành hiện tượng tăng trưởng của Việt Nam và mở ra kỳ vọng lớn khi Bắc Giang hợp nhất với Bắc Ninh để bước vào kỷ nguyên phát triển mang tầm vóc mới.
BẮC GIANG - Từ năm 2022 đến nay, Bắc Giang liên tiếp dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế, năm 2022 đạt 19,3%, năm 2023 đạt 14,99% và năm 2024 đạt 13,85%, cao gần gấp đôi mức trung bình cả nước. Nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi, chính sách thu hút đầu tư hiệu quả và sự điều hành quyết liệt, tỉnh đã trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn công nghệ lớn, từng bước hình thành trung tâm công nghiệp năng động phía Bắc. Với kết quả nổi bật đó, Bắc Giang được Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 ở mức 13,6%, cao nhất cả nước.
Nhiều tập đoàn lớn “làm tổ”
Nhờ sự chủ động trong cải thiện môi trường đầu tư cùng chính sách thu hút có trọng tâm, trọng điểm, Bắc Giang ngày càng khẳng định vai trò là trung tâm sản xuất công nghiệp mới nổi của miền Bắc. Nhiều tập đoàn xuyên quốc gia trong lĩnh vực linh kiện điện tử, chất bán dẫn, năng lượng tái tạo đến từ Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã chọn tỉnh làm nơi đặt cơ sở sản xuất, tiêu biểu như: Foxconn, Luxshare, JA Solar, Hana Micron... Trong đó, Foxconn và Luxshare hiện là hai doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất tỉnh, với quy mô lên tới hàng chục nghìn người. Cùng với đó, lợi thế hạ tầng giao thông kết nối thuận tiện đã thu hút hàng loạt doanh nghiệp vệ tinh về linh kiện, phụ tùng từ các địa phương lân cận như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, góp phần hình thành chuỗi giá trị sản xuất gắn kết trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc...
Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Hosiden Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu). Ảnh: Đỗ Quyên. |
Điển hình cho dòng vốn công nghệ cao là dự án mở rộng giai đoạn 2 của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hana Micron Vina (Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Vân Trung, với tổng vốn gần 600 triệu USD, đạt suất vốn đầu tư khoảng 90 triệu USD/ha – gấp 8 lần mức bình quân tại các khu công nghiệp trong tỉnh. Đây là dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc, mở ra cơ hội đón thêm các dự án công nghệ cao phù hợp định hướng quốc gia. Trong số các tập đoàn lớn, Foxconn là nhà đầu tư tiêu biểu nhất.
Từ năm 2007 đến nay, Tập đoàn đã triển khai 11 dự án tại Bắc Giang, với tổng vốn hơn 2,2 tỷ USD và hiện là doanh nghiệp FDI lớn nhất tỉnh, sử dụng khoảng 80.000 lao động. Năm 2024, doanh thu đạt 268.000 tỷ đồng, xuất khẩu hơn 11 tỷ USD, nộp ngân sách trên 550 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng doanh thu năm 2024 vượt 70% và Foxconn đặt mục tiêu tăng tiếp 50% trong năm 2025.
Từ năm 2022 đến nay, Bắc Giang liên tiếp đạt mức tăng trưởng kinh tế hai con số và dẫn đầu cả nước. Năm 2022 đạt 19,3% (cao hơn gấp đôi mức bình quân cả nước); năm 2023 là 14,99% (cả nước tăng trưởng 5,07%); năm 2024 đạt 13,85% (cả nước tăng trưởng 7,09%). |
Riêng tháng 4/2025, nhiều doanh nghiệp thành viên của Foxconn như Fukang Technology, Chính xác Fuyu, Fulian đều ghi nhận doanh thu tăng gấp 2 - 3 lần so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sức bật mạnh mẽ của cụm công nghiệp điện tử tại Bắc Giang. Đại diện Foxconn thông tin, Tập đoàn sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư, nâng cao trình độ công nghệ, đồng thời cam kết thực hiện trách nhiệm xã hội, tạo môi trường làm việc tốt cho người lao động, đồng hành phát triển bền vững cùng tỉnh.
Theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh, đến nay Bắc Giang có hơn 512 dự án đầu tư trong khu công nghiệp, gồm 392 dự án FDI và 120 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký hơn 11,2 tỷ USD và 41 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp này đang tạo việc làm cho hơn 227.000 công nhân – mức cao nhất từ trước tới nay, tiếp tục tăng thêm 6.000 người chỉ trong một tháng gần đây. Sự gia tăng quy mô và hiệu quả hoạt động trong các khu công nghiệp đã giúp ngành công nghiệp của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng hơn 20% trong nhiều năm, đưa Bắc Giang trở thành một cực tăng trưởng mới ở vùng Đông Bắc.
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Bắc Giang nổi lên như một điểm sáng thu hút đầu tư nhờ vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng được đầu tư đồng bộ và môi trường kinh doanh năng động. Từ Bắc Giang, doanh nghiệp dễ dàng kết nối với Thủ đô Hà Nội, sân bay quốc tế, cảng biển và cửa khẩu, tạo điều kiện lý tưởng cho giao thương quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bắc Giang không đợi nhà đầu tư tìm đến mà chủ động “làm ổ đón đại bàng”, vì Bắc Giang xác định thành công của nhà đầu tư cũng chính là thành công của tỉnh.
Bức tranh kinh tế ấn tượng
Từ năm 2016 - 2020, GRDP của Bắc Giang tăng bình quân 13,8%/năm, riêng công nghiệp đạt mức tăng ấn tượng 23,2%. Năm 2021, dù chịu tác động mạnh của dịch Covid-19, tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng 7,82%, đứng thứ 10 cả nước; công nghiệp tăng 12,7%, xếp thứ 4. Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, Bắc Giang liên tiếp đạt mức tăng trưởng kinh tế hai con số và dẫn đầu cả nước. Năm 2022 đạt 19,3% (cao hơn gấp đôi mức bình quân cả nước); năm 2023 là 14,99% (cả nước tăng trưởng 5,07%); năm 2024 đạt 13,85% (cả nước tăng trưởng 7,09%). Kim ngạch xuất khẩu cũng ghi nhận bước tiến mạnh mẽ: Năm 2023 đạt hơn 27,4 tỷ USD, tăng 22,3%, đưa tỉnh lên vị trí thứ 6 cả nước và là địa phương duy nhất xuất siêu. Quý I/2025, xuất khẩu lần đầu tiên xếp thứ 2 toàn quốc, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh.
Vải thiều Bắc Giang nổi tiếng trong và ngoài nước, đóng góp lớn vào tăng trưởng ngành nông nghiệp. Ảnh: Thế Đại. |
Năm 2025, lần đầu tiên Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể cho từng địa phương. Bắc Giang được giao mức cao nhất cả nước, 13,6%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn triển khai thực hiện Kết luận số 123-KL/TW ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Đồng chí Nguyễn Việt Oanh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Bắc Giang đề ra mục tiêu tăng trưởng từ 14–15%, cao hơn chỉ tiêu Chính phủ giao.
Từ đầu năm đến nay, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế – xã hội của tỉnh đều vượt kế hoạch. Tỉnh phân công 105 nhiệm vụ cụ thể, giao rõ trách nhiệm cho từng sở, ngành, địa phương. Các đơn vị đã chủ động nắm bắt thời cơ, triển khai đồng bộ các giải pháp theo lĩnh vực; đẩy nhanh đầu tư hạ tầng giao thông, khu – cụm công nghiệp và hạ tầng số.
Bắc Giang xác định công nghiệp là động lực chủ đạo nhưng đồng thời coi trọng phát triển nông nghiệp, dịch vụ để bảo đảm tăng trưởng bền vững. Đặc biệt, tỉnh nổi bật trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, tạo diện mạo mới cho nông thôn. Vải thiều trở thành “điển hình nông sản Việt”, được sản xuất theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP, xuất khẩu tới hơn 30 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU… Bắc Giang hiện dẫn đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc về giá trị tăng thêm trong ngành nông nghiệp.
Theo Chi cục Thống kê tỉnh, tăng trưởng kinh tế quý I/2025 của Bắc Giang ước đạt 14,02% – cao nhất cả nước. Trong đó, khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 17,24%, riêng công nghiệp tăng tới 17,97%; nông, lâm, thủy sản tăng 1,05%; dịch vụ tăng 5,79%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 6.400 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 5,16 triệu đồng/tháng, tăng 1,33%, phản ánh xu hướng cải thiện đời sống dân cư song hành với tăng trưởng kinh tế.
Bức tranh kinh tế của Bắc Giang tiếp tục cho thấy đà tăng trưởng ổn định, mạnh mẽ ngay cả trong bối cảnh nhiều thách thức. Các chỉ số về xuất khẩu, GRDP và thu ngân sách đều tăng cao, khẳng định vai trò ngày càng rõ nét của tỉnh trong cấu trúc kinh tế quốc gia. Đồng chí Đồng Văn Sủng, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê tỉnh cho biết: Khu vực công nghiệp – xây dựng tiếp tục là động lực chính, chiếm hơn 75% GRDP và đóng góp 12,68 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng chung. Trong đó, nhóm sản phẩm điện tử, máy tính và quang học giữ vai trò chủ lực, chiếm hơn 53% giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp.
Năm 2025, Bắc Giang được giao chỉ tiêu tăng trưởng cao nhất cả nước. Quý I vượt dự kiến, quý II ước đạt khoảng 13,8% – là những tín hiệu tích cực để tỉnh tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng. Với nền tảng vững chắc và môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, Bắc Giang tiếp tục là điểm đến chiến lược của nhiều tập đoàn lớn.
Những kết quả đạt được không phải đến từ may mắn nhất thời mà là kết tinh của một quá trình lựa chọn đúng hướng, triển khai bài bản và kiên trì qua từng nhiệm kỳ, đặc biệt ở các lĩnh vực trụ cột như công nghiệp, liên kết vùng, thu hút đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh.
Nguồn: https://baobacgiang.vn/giai-ma-suc-bat-bac-giang-hien-tuong-tang-truong-kinh-te-cua-viet-nam-bai-1-tang-truong-kinh-te-lien-tuc-giu-vi-tri-quan-quan--postid418832.bbg
Bình luận (0)