Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giải phẫu nụ hôn trong thơ Phạm Đình Phú

(QBĐT) - Đại tá, bác sĩ Phạm Đình Phú là con rể Quảng Bình. Vợ ông là Nguyễn Thị Diệu Mỳ, quê ở phường Quảng Phong (TX. Ba Đồn). Năm 1972, cô văn công Tỉnh đội Quảng Bình phục vụ tại Viện Quân y 112, nơi bác sĩ Phạm Đình Phú đang công tác. Mối tình nảy nở từ đó và sau năm 1975, hai người “về chung một nhà”.

Báo Quảng BìnhBáo Quảng Bình24/05/2025

 
Mồ côi cha từ năm 6 tuổi, người con trai duy nhất của liệt sỹ chỉ biết có học. Năm 1965 thi đỗ vào Trường đại học Y Hà Nội, ra trường, Phạm Đình Phú xung phong vào chiến trường Quảng Trị, gắn bó với các chiến sĩ từ Mặt trận B5 đến biên giới phía Bắc. Ông từng công tác tại Viện Quân y 43 Yên Thế, Bắc Giang; Viện Quân y 105 Sơn Tây, Hà Nội, cho đến khi chuyển vào Viện 175, TP. Hồ Chí Minh. Năm 2003 ông được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.
Trang bìa tập thơ “Ấm lòng những nụ hôn như thế” của nhà thơ Phạm Đình Phú.
Trang bìa tập thơ “Ấm lòng những nụ hôn như thế” của nhà thơ Phạm Đình Phú.
Vốn đam mê văn chương, sau những ca mổ khó, khi tiễn một bệnh nhân xuất viện, hoặc phải đau đớn vĩnh biệt một đồng đội…, ông đều viết thành những bài thơ. Hiện ông đã xuất bản 8 ấn phẩm, gồm 1 tập truyện ký và 7 tập thơ; là hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
 
"Ấm lòng những nụ hôn như thế", Nhà Xuất bản Hội Nhà văn 2025, là tác phẩm mới nhất. Tập thơ là những cung bậc hạnh phúc và khổ đau, hiện hữu và vô hình, xa cách và sum họp, thường tình và khắc nghiệt, mà nụ hôn là phương tiện thể hiện: "Qua rồi!/Năm tháng dần xa/Sáng gom ngọn gió/Chiều rà giọt sương/Đêm về bịn rịn nhớ thương/Trăng nghiêng cánh võng/Con đường ngày xưa" (Người xưa ơi). Bước ra từ khoảng trời sực mùi thuốc súng, có người lính nào không liên tưởng những dòng địa chỉ một thời ghi dấu: Ở đó, "nụ tươi hồng/Chỉ dành cho riêng anh!Nở ra/Hoa đời/Chân chất/Đồng ruộng quê mùa về bát ngát//Cánh môi em dừng lại nơi anh" (Nụ em đồng chiêm trũng).
 
Ở đó, hoài niệm dội về với: "Khúc hát sông quê bềnh bồng sóng nước/Tiếng ve gom chiều vào chạng vạng triền đê" (Bến đò quê). Đây là câu thơ hay, đánh thức ký ức tuổi thơ, niềm suy tư, luyến nhớ của độc giả. Ở bài Ngày chị sang sông, câu thơ "Lửa chiến tranh sém tháng ngày/Chơi vơi chị giữa biện bày có không" như lách nhẹ vào nơi sâu kín nhất tâm hồn người đọc. Những âm thanh từ quá khứ, như hai nửa tâm hồn, tìm nhau bổi hổi yêu thương: "Trường Sơn/Vọng tiếng gió cười/Mừng vui hai nửa/Sóng đôi/Thành đời//Đâu đây sắc nước hương trời/Rừng xanh đủng đỉnh ghi lời/Nửa kia" (Nửa kia).
 
Lật mở tập thơ, ta đến với “Chưa có người nhận”, bài thơ gợi chất tự sự, đậm tính triết lý; tâm sự của những người đã “đi qua” quá nhiều xa cách, nhớ nhung. Những câu thơ mang vẻ đẹp của nỗi buồn: "Mấy chục mùa xuân chúng mình đáo hạn/Ánh đèn chong quen mắt hanh hao." Những ngôn từ thường nhật đặt trong ngữ cảnh cuộc đời trở nên thật đặc biệt. Với “Ấm lòng những nụ hôn như thế”, bài thơ dùng đặt tên cho ấn phẩm, Phạm Đình Phú đề cập mọi cung bậc của nụ hôn: Cha mẹ và con, ông bà và cháu, bạn bè trai gái, gặp lại đồng môn, tình cảm vợ chồng…
 
Cao đẹp hơn, giữa cô y tá, người nữ cứu thương với người chiến sĩ trước phút từ giã cuộc đời: "Ba mẹ nũng nịu//Ông bà ẳm bồng//Nụ hôn truyền hơi ấm//Chàng hôn nàng/Nuôi dưỡng tin yêu//Bạn đồng môn/Nghĩa tình lưu giữ//Vợ chồng vai kề vai/Rong ruổi xế chiều//Nụ hôn cô y tá/Nữ cứu thương/Nữ thanh niên xung phong nơi chiến trường lửa đạn/Tặng riêng người chiến sĩ trước phút lâm chung//Thánh thiện/Trong sáng/Ấm lòng."
 
Dưới cái nhìn của ông, nụ hôn khác nào một bức tráng ca: ""Chiến trường” hiện về trong ánh mắt/Tổ quốc trên vai/Quê hương gửi gắm chí trai/Hiểm nguy/Gian khó//Biên giới bình yên/Lấp lánh lời nguyền//Hương bưởi hương cau/Dấu chân trần ngơi nghỉ/Anh đi vào “Giấc ngủ ngàn thu”/Nơi quê nhà tha thiết lời Mẹ ru/Và nơi đó/Nụ hôn còn dang dở!" Những năm tháng biền biệt cách xa, đôi bạn tình đã trải qua nhiều giấc mơ khao khát: "Hơi thở dồn/Nhịp lồng ngực rung rinh/Em tan chảy và có lúc bất lực/Anh nồng nàn/Em ngập tràn hạnh phúc/Trong giấc mơ cánh môi cháy rực trời". Những giấc mơ như thế đi cùng "Đợi chờ/Vời vợi/Đơn côi, cho đến ngày thanh bình thư thái, thì giấc mơ tròn đầy lấp lánh lung linh/Mỏng manh cánh môi mềm đỏ thắm/Ngày trở về em bẻn lẻn/Vẹn tròn/Riêng mỗi mình anh" (Riêng dành cho anh).
 
Mỗi bài thơ thêm một tầng nấc của sự xúc động, cảm thương những tâm hồn khát yêu, khát sống. Họ “nũng nịu” nhau trong vời vợi, để dỗ dành con tim, xua đi nỗi nhớ, bởi họ biết giá trị của sự xa nhau: "Anh hư thế/Để người ta mắc cỡ/Hễ gặp là kiếm cớ đòi “thơm”/Tim lao xao rạo rực chập chờn/Cuống quýt trôi vào anh chịu trận//Anh hư thế/Chỉ mình em thánh thiện/Nơi chiến hào khao khát để ngày mai//Chiến dịch về anh nằm lại rừng sâu//Mãi muôn sau//Hanh hao/Dĩ vãng//Anh hư thế//Chẳng thể nào được “hư” nữa/Anh ơi!" (Anh hư thế). “Yêu em đi” là tựa một bài thơ còn có tên “Lời từ vong hồn nữ liệt sỹ”. Sự xa cách mênh mông, cuộc chia ly kéo dài vô tận, dồn nén khắc khoải, đến mức người nữ liệt sỹ ấy (vong hồn) tự cất lời: Yêu em đi! Để rồi, trong hơi thở phập phồng, họ nhận biết, sự ngọt ngào đang làm cháy nhau trong ánh ban mai: "Em hiểu rồi! Từ lâu…anh có biết?//Cho nhận cháy nhau quá đỗi ngọt ngào/Hơi thở phập phồng nghe lòng hoang dại//Yêu…em…đi/Thì thầm thanh tịnh ánh ban mai." Bài thơ đẹp một cách man mác, không ai nghĩ đó là lời từ cõi âm.
 
Những năm tháng bề bộn giữa vô vàn khốc liệt của chiến tranh, tâm hồn và trái tim Phạm Đình Phú ngồn ngộn những ký ức. Ông coi nụ hôn như một phép màu, mà “ông trời” ban tặng cho con người. Ông đặc tả một cách mộc mạc, trần trụi, không mỹ từ ví von, chỉ cách ngắt dòng đầy nghệ thuật mà xốn xang cảm xúc: "Vết thương sâu/Đau/Rát/Khùng/Môi cô y tá ấm bừng ríu ran/Bờ mi ánh mắt dâng tràn/Ngực anh chiến sĩ rộn ràng/Hết đau?//Rộng/Dài/Vết thương “tự khâu”/Vừng đông hừng sáng/Phép màu trời ban."
 
Càng về cuối tập thơ, ta càng cận cảnh nụ hôn đặc biệt: "Mãi nhớ muôn sau “nụ hôn đầu”/Trường Sơn ngày ấy/Xào xạc cuối chiều lao xao suối chảy/Hố bom thù khét cháy đau thương//Nữ cứu thương vật vã/Nét thơ ngây hao gầy trinh trắng/“Bông hoa rừng” từng hạt nắng mắc giăng" và "Tặng cô gái nụ hôn đầu thắm đỏ//Cánh môi cười/Em ở lại với rừng xanh!" (Nụ hôn đầu).
 
Được viết ra từ tiếng lòng, chân thành, giản dị nhưng chan chứa nỗi niềm nhân sinh. Tập thơ vừa làm phong phú cách nhìn chiến tranh bằng ngôn ngữ thi ca, vừa giúp ta yêu thêm cuộc sống hiện tại và mãi mãi nâng niu những nụ hôn ấm lòng!  
Nguyễn Tiến Nên

Nguồn: https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202505/giai-phau-nu-hon-trong-tho-pham-dinh-phu-2226527/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa
Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm