Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

"Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương để lại nhiều dấu ấn trong sự nghiệp"

(Dân trí) - "Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương rất trọng tri thức chuyên môn, luôn khuyến khích lắng nghe ý kiến của giới khoa học, kỹ thuật" TS Tô Văn Trường nói.

Báo Dân tríBáo Dân trí24/05/2025

Trước sự ra đi của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, TS Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đau buồn, thương tiếc.

TS Tô Văn Trường là người đã có nhiều kỷ niệm với nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. 

Luôn đi đến tận cùng vấn đề

Chia sẻ với phóng viên Dân trí về những kỷ niệm với nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, ông Trường kể, lần đầu ông được gặp nguyên Chủ tịch nước là vào đầu năm 2000, theo lời mời của ông Nguyễn Cảnh Dinh, khi ấy là Chánh Văn phòng Chủ tịch nước.

Cuộc gặp gắn liền với một vấn đề thời sự nóng bỏng là quản lý tài nguyên nước Quốc gia và bảo vệ môi trường - lĩnh vực mà ông Tô Văn Trường đang theo đuổi.

Mùa lũ năm 2000, trận đại hồng thủy lịch sử xảy ra ở Đồng bằng sông Cửu Long. Lúc đó, Nhà nước tổ chức đoàn công tác khảo sát thực địa do nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dẫn đầu.

Kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng dài 45km xuyên qua Đồng Tháp Mười, nằm ở khu vực gần biên giới Campuchia của hai tỉnh Đồng Tháp và Long An. Trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp dài 24km, còn lại là ở tỉnh Long An. Đây được xem là con kênh dài nhất, lớn nhất được con người đào thủ công từ năm 1977.

Khi đó, mọi người trên thuyền tranh luận khá sôi nổi về dòng chảy tại kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng người nói chảy vào, người bảo chảy ra.

Khi đó, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương liên tục đặt những câu hỏi rất cụ thể, rất khó về thủy văn, địa hình và địa chất trong khu vực.

Trả lời những câu hỏi này, ông Trường trình bày chi tiết về nội hàm của bài toán thủy lực, tổn thất cục bộ,... đến tương quan giữa lưu lượng thượng nguồn, tác động của thủy triều và sản xuất nông nghiệp.

"Lúc đó, Chủ tịch nước Trần Đức Lương chăm chú nghe, không ngắt lời và thỉnh thoảng gật đầu, đặt thêm câu hỏi. Cách làm việc ấy khiến tôi thực sự nể phục. Sau này, tôi nhận ra đó là phong cách của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, không ồn ào, nhưng luôn đi đến tận cùng vấn đề", TS Tô Văn Trường kể.

Biết ông Trường từng là chuyên gia có nhiều năm làm việc ở nước ngoài, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã bày tỏ sự quan tâm và trao đổi với ông về những vấn đề lớn mang tầm chiến lược, đặc biệt là việc sử dụng nguồn nước trên toàn lưu vực sông Mê Kông sao cho hài hòa, bảo đảm lợi ích cân bằng giữa các quốc gia ven sông.

Người đứng đầu Nhà nước khi đó cũng đặc biệt chú trọng đến những hệ lụy môi trường do việc xây dựng thủy điện trên dòng chính, nhất là đối với hệ sinh thái mong manh của vùng hạ lưu, cụ thể là đồng bằng sông Cửu Long - nơi chịu nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn,...

Theo TS Tô Văn Trường, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương từng có thời gian giữ cương vị Phó Thủ tướng rồi Chủ tịch nước trong thời điểm đất nước chuyển mình sâu sắc và ông đã để lại dấu ấn bằng sự ổn định, chừng mực.

Nhiều cán bộ từng làm việc với ông chia sẻ rằng, nguyên Chủ tịch Trần Đức Lương rất trọng tri thức chuyên môn, luôn khuyến khích lắng nghe ý kiến của giới khoa học, kỹ thuật, điều mà không phải vị lãnh đạo nào cũng kiên trì theo đuổi trong thực tế điều hành.

"Tiễn biệt nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, tôi không chỉ nhớ một chính khách mẫu mực, mà còn nhớ một người lãnh đạo điềm đạm, sâu sắc, luôn đặt trí tuệ và trách nhiệm lên trên danh tiếng và hình thức.

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã để lại nhiều dấu ấn có giá trị bền lâu trong chính sách và trong lòng người dân" TS Tô Văn Trường ngậm ngùi nói.

Ảnh màn hình 2025-05-24 lúc 09.07.50.png

Chủ tịch nước Trần Đức Lương, TS Tô Văn Trường và các thành viên trong chuyến khảo sát trận lũ lịch sử năm 2000 ở Đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đức Lương luôn trăn trở và dành nhiều tâm huyết cho hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong việc thúc đẩy các mối quan hệ quốc tế bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương luôn nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong các cơ chế hợp tác đa phương, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cũng như các cam kết về môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu mà Việt Nam đã ký kết.

Sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, chia sẻ bên cạnh những đóng góp to lớn đối với nền thể chế hành chính và kinh tế - xã hội của đất nước, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương còn có cống hiến rất lớn cho ngành địa chất, tài nguyên khoáng sản.

"Trong điều kiện hiện nay, chúng ta càng thấy sự quan trọng của những nguồn tài nguyên thiên nhiên trong việc phát triển đất nước", ông Phúc nói. 

Ông kể, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương trở thành nhà lãnh đạo ở thời điểm chúng ta bắt đầu đổi mới và đã có những đóng góp vô cùng quan trọng khi cùng các lãnh đạo ở Trung ương, Bộ Chính trị,... hiện thực hóa đường lối đổi mới của Đại hội VI của Đảng. 

anh-man-hinh-2025-05-22-luc-194657-1747918137473-1748009884298.webp

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương (Ảnh: Vietnamnet).

"Trong sự nghiệp phát triển của đổi mới, điểm tiêu biểu mà tôi nhận thấy là Chủ tịch nước Trần Đức Lương có những cống hiến quan trọng về mặt xây dựng Nhà nước pháp quyền. 

Ông đã có công hiện thực hóa những quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo", ông Phúc nói.

Theo ông Phúc, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương có nhiều đóng góp trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, dùng pháp luật để quản lý, xây dựng đất nước.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhìn nhận, trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã có cống hiến rất lớn trong chính sách đối ngoại, đặc biệt thúc đẩy Việt Nam hội nhập quốc tế, tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, thiết lập mối quan hệ với các nước phát triển trên thế giới như với Mỹ, Trung Quốc,...

"Nguyên Chủ tịch Trần Đức Lương là tiêu biểu của sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc. Ông đặc biệt quan tâm trong việc củng cố, tăng cường đại đoàn kết dân tộc, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với các dân tộc, các tôn giáo, với người Việt Nam định cư ở nước ngoài,...", PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương sinh năm 1937, quê ở xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ (nay là thị xã Đức Phổ), tỉnh Quảng Ngãi.

Do tuổi cao, sức yếu, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương từ trần hồi 22h51 ngày 20/5, tại nhà riêng.

Quốc tang nguyên Chủ tịch nước diễn ra trong 2 ngày 24 và 25/5.

Linh cữu nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương được quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.

Lễ viếng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7h ngày 24/5 đến 7h ngày 25/5.

Lễ truy điệu nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương được tổ chức trọng thể lúc 7h ngày 25/5 tại Nhà tang lễ Quốc gia; Lễ an táng lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang quê nhà, xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Cùng thời gian này, tại Hội trường Thống Nhất (TPHCM) và tại Hội trường T50, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi, cũng diễn ra Lễ viếng, Lễ truy điệu nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.

Dantri.com.vn

Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/nguyen-chu-tich-nuoc-tran-duc-luong-de-lai-nhieu-dau-an-trong-su-nghiep-20250523212323611.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá
Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa
Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm