Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng phải chấp nhận mất mát,...

Theo thống kê từ các địa phương, cả nước có khoảng 2.200 dự án đang tồn đọng. Nếu tháo gỡ được có thể giải phóng được khoảng hơn 230 tỷ USD, tương đương khoảng 50% GDP cả nước.

Báo Đắk NôngBáo Đắk Nông23/05/2025

Cả nước có khoảng 2.200 dự án đang tồn đọng

Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về nhiều nội dung trong đó có đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội về vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về tình trạng lãng phí liên quan các dự án tồn đọng, kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, cũng như lãng phí liên quan các chính sách không phù hợp như lĩnh vực điện gió, điện mặt trời.

Thủ tướng cho biết theo thống kê từ các địa phương, cả nước có khoảng 2.200 dự án đang tồn đọng. Nếu tháo gỡ được có thể giải phóng được khoảng hơn 230 tỷ USD, tương đương khoảng 50% GDP cả nước. Để có thể giải phóng nguồn lực ở các dự án tồn đọng, Chính phủ đang tiếp tục xây dựng các cơ chế chính sách trình các cấp có thẩm quyền để xử lý.

Riêng về điện gió, điện mặt trời, vừa qua phải xử lý một loạt dự án thông qua Nghị quyết 133. Nguyên nhân xuất phát từ chính sách không tốt, dẫn đến tiêu cực, ồ ạt xây dựng các dự án không đúng quy hoạch, không đúng thủ tục…

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định quan điểm là không hợp thức hóa sai phạm nhưng cần tìm giải pháp để xử lý. Như xử lý về mặt tổ chức, con người, xử lý về mặt thể chế, tháo gỡ pháp lý, tháo gỡ cách thức thực hiện. "Tình hình thay đổi, thì nhiệm vụ phải thay đổi, cơ chế chính sách phải thay đổi", Thủ tướng nói.

Giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng phải chấp nhận mất mát coi đó là bài học
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội sáng 23/5 (Ảnh: VGP)

Đáng chú ý, Thủ tướng cho rằng, cần phải chấp nhận đây như "căn bệnh", mà đã có bệnh thì phải chữa, song chữa thì phải đúng. "Chữa bệnh, một là phải mổ xẻ thì phải đau đớn, chịu mất máu, hai là chữa lâm sàng, uống thuốc cũng vẫn phải mất tiền. Tóm lại, nếu khắc phục hậu quả không thể nào đòi hỏi thu về 100%, cần phải chấp nhận mất mát, chấp nhận đau đớn, chấp nhận những cái phải cắt bỏ", Thủ tướng nêu quan điểm. Điều quan trọng là khi cắt bỏ những đau đớn này sẽ cho chúng ta những bài học mới, cho chúng ta kinh nghiệm mới để tránh lặp lại trong tương lai.

"Giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng là việc không thể không làm. Phải chấp nhận sự mất mát nào đó, coi đó là học phí. Từ đó đưa ra cơ chế chính sách, quyết tâm giải quyết và giải quyết dứt điểm", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng đất đai lâm trường, nông trường cũng là vấn đề nhức nhối. Trước đây, việc quản lý, thành lập nông lâm trường rất cần thiết trong quá trình phát triển, nhưng khi tiến hành lại buông lỏng quản lý, không có chính sách kịp thời, linh hoạt và hiệu quả.

Vì thế, bây giờ phải đi giải quyết hậu quả cả pháp lý và thực tiễn, làm sao khắc phục tối ưu nhất, nếu không chấp nhận đau đớn, mất mất thì không giải quyết dứt điểm được.

Về xử lý các trụ sở sau tinh gọn bộ máy, sắp xếp địa giới, Thủ tướng cho biết đã giao Bộ Tài chính hướng dẫn, nhưng quan trọng nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương, để không lãng phí thì có nhiều cách làm, phải vận dụng sáng tạo trong điều kiện cụ thể tại địa phương, cơ quan, đơn vị, miễn là không tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, còn luật pháp không bao giờ bao phủ được hết các góc cạnh của cuộc sống.

Thủ tướng cũng dành nhiều thời gian phát biểu về các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng thủy lợi, hạ tầng giao thông tại ĐBSCL theo lộ trình, như thực hiện mục tiêu tới năm 2030 có 1.200 km cao tốc, đồng thời xây dựng, mở rộng sân bay Cà Mau, Phú Quốc, Kiên Giang, Cần Thơ, cảng Cái Cui, cảng Trần Đề, cảng Hòn Khoai…

Các giải pháp để đạt tăng trưởng cao

Liên quan đến các giải pháp cho mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong bối cảnh rất khó khăn của thế giới, nhiều nước, khu vực đều dự báo tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với năm ngoái và so với đầu năm; nhưng Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn so với dự kiến ban đầu, phấn đấu đạt từ 8% trong năm 2025 và đạt 2 con số trong những năm tới.

Như vậy, chúng ta đi ngược xu thế thế giới về mục tiêu tăng trưởng, phải làm thế nào để hiệu quả và thành công, Thủ tướng đặt vấn đề và cho biết, chúng ta đang tiến hành tích cực 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực.

Trong đó, thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, là đột phá của đột phá, là động lực, là nguồn lực phát triển. Chúng ta quyết tâm trong năm 2025 cơ bản tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế và từ đó biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh. Thủ tướng đề nghị Quốc hội ủng hộ mạnh mẽ điều này.

Thứ hai, đẩy mạnh đột phá chiến lược về hạ tầng, đây hiện cũng là điểm nghẽn vì chi phí logistics chiếm từ 17-18% GDP, so với thế giới khoảng 10-11%, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Thủ tướng cho biết đang tập trung phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là cả 5 phương thức giao thông.

Trong đó, về đường bộ, hoàn thành ít nhất 3.000 km cao tốc và 1.000 km đường ven biển trong năm nay. Về đường sắt, triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, các tuyến kết nối với Trung Quốc, từ đó mở ra kết nối quốc tế với Trung Á, châu Âu, các tuyến đường sắt đô thị, nâng cấp đường sắt hiện có.

Về đường thủy nội địa, tập trung phát triển tại ĐBSCL là nơi có lợi thế về lĩnh vực này. Về hàng không, xây dựng, mở rộng, nâng cấp các sân bay mang tính chiến lược có thể đón các máy bay lớn nhất, phát triển đội bay, phát triển nhiều hãng hàng không để tạo cạnh tranh có lợi cho người dân. Về đường biển, xây dựng các cảng biển lớn như Lạch Huyện, Cái Mép-Thị Vải, Cần Giờ, Hòn Khoai… có thể tiếp nhận tàu lớn.

Đồng thời, phát triển đồng bộ hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, xã hội…, hạ tầng chuyển đổi số, hạ tầng khoa học công nghệ, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu…

Thứ ba, trong đột phá nhân lực, Thủ tướng cho biết chuyển từ đào tạo kiến thức là chính sang đào tạo cả kỹ năng toàn diện, đào tạo nhân lực đẳng cấp quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập, từ đó tăng năng suất lao động.

Thủ tướng cũng cho biết, chúng ta quyết liệt làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, Trong đó, chính sách tài khóa phải giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, người dân, đồng thời thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi cho đầu tư phát triển; về chính sách tiền tệ thì nỗ lực giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, khoanh nợ, giãn, hoãn nợ….

Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng, giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Việt Nam cũng sẵn sàng lắng nghe, đối thoại để giải quyết các vấn đề quan tâm của các đối tác trên tinh thần các bên cùng có lợi, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, trong đó tiếp tục đàm phán với Hoa Kỳ về thuế quan và thương mại.

Cùng với đó, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… Các động lực này được tạo động lực, truyền cảm hứng từ các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải tích cực, chủ động thực hiện.

Nguồn: https://baodaknong.vn/giai-quyet-dut-diem-cac-du-an-ton-dong-phai-chap-nhan-mat-mat-coi-do-la-bai-hoc-253445.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm