
Sau hợp nhất, thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị có quy mô lớn nhất trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương với với diện tích gần 12.000km2 và gần 3 triệu dân.
Tuy nhiên, thực lực về hạ tầng xã hội và mức phát triển giữa đô thị trung tâm và vùng ven, đặc biệt ở khu vực miền núi - nông thôn đang tồn tại khoảng cách đáng kể. Đây cũng chính là thách thức để cân bằng chất lượng dân số giữa các địa phương.
Khoảng cách ở miền núi
Chăm sóc sức khỏe sinh sản ở miền núi hiện vẫn là thách thức đối với người làm công tác y tế. Dù đã tổ chức rất nhiều hoạt động tuyên truyền, tư vấn cho phụ nữ tuổi sinh đẻ về các vấn đề tầm soát, khám định kỳ, nhưng gần như phụ nữ vùng cao không có điều kiện để thực hiện.
Đối với các sản phụ, vấn đề tầm soát trước sinh, sơ sinh gần như rất hiếm. Đại diện Trung tâm Y tế khu vực Nam Trà My cho biết, đối với vùng cao, người dân đa số là đồng bào dân tộc thiểu số nên chưa quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản định kỳ.
Ngoài nhận thức của cộng đồng, điều kiện chăm sóc y tế ở các xã vùng cao hiện vẫn là vấn đề khi cơ sở vật chất, thiết bị và thuốc men đều không đáp ứng. Một cán bộ của Trung tâm Y tế khu vực Nam Giang chia sẻ: “Cũng có nhiều người chọn sinh tại trạm y tế thì lại không thực hiện tầm soát được do quá trình bảo quản mẫu, gửi mẫu không đảm bảo”.
Nhiều năm nay, ngành y tế đã và đang triển khai chương trình tầm soát trước sinh các hội chứng edward, hội chứng down, hội chứng patau, thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh) và nguy cơ tiền sản giật; tầm soát sơ sinh... nhưng các bà mẹ ở các xã vùng cao vẫn chưa hình thành thói quen khám sức khỏe khi mang thai.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, các địa phương của Quảng Nam (cũ) thực hiện công tác sàng lọc, khám sức khỏe hơn 88% bà mẹ mang thai, hơn 76% trẻ sơ sinh được sàng lọc. Đa số bà mẹ thực hiện tầm soát đều ở các địa phương đồng bằng.
Chị Hồ Thị Hiếu, cán bộ y tế có nhiều năm công tác tại vùng cao Trà My chia sẻ, còn rất nhiều phụ nữ tại địa phương chọn cách sinh tại nhà; có người sáng lên rẫy thì trưa sinh luôn tại rẫy. Trong khi đó, số nhân viên y tế thôn bản hiện ở các xã vùng núi rất ít.
Ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, người dân gặp khó trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế, thiếu hỗ trợ của nhân viên y tế cho đến nhận thức về chăm sóc y tế chưa cao. Đó chính là những thách thức lớn trong việc xóa dần khoảng cách chênh lệch về chất lượng dân số giữa các vùng.
Xây dựng chính sách hợp lý
Trong khi các địa phương của Đà Nẵng (cũ) có mức độ đô thị hóa đến 87,8% thì Quảng Nam cũ chỉ đạt 30,8%. Ở các địa bàn nông thôn, vùng ven biển, vùng cao có mức sinh cao hơn nhưng năng lực y tế, giáo dục còn hạn chế.
Ông Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, hiện tại các địa phương tạm thời áp dụng chính sách, cơ chế hoạt động hiện hành trước đây theo đúng đối tượng, địa bàn nhằm bảo đảm sự ổn định, tránh xáo trộn trong hệ thống và tạo điều kiện xây dựng chính sách thống nhất trong thời gian tới.
Sau thời gian ổn định, Sở Y tế yêu cầu Chi cục Dân số chủ trì, phối hợp với các trung tâm y tế khu vực đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu chuyên môn về dân số - phát triển tại hai địa bàn cũ. Đồng thời sớm tham mưu, đề xuất trình UBND thành phố giao chỉ tiêu về dân số - phát triển cho thành phố Đà Nẵng phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và đặc điểm tình hình địa phương.
Các nội dung cần thiết phải được triển khai theo từng vùng cụ thể, trong đó chú trọng tăng cường chăm sóc sức khỏe, tư vấn sinh đẻ ở nông thôn... Nhiều xã vùng núi đang thụ hưởng sự hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia; đây chính là nguồn lực cần được ưu tiên để tích hợp lồng ghép trong chương trình phát triển chất lượng dân số sau này.
Thống kê của Bộ Y tế, trong hai thập niên qua, mức sinh khu vực thành thị đã xuống dưới mức sinh thay thế, dao động quanh 1,7-1,8 con/phụ nữ. Tại thành phố Đà Nẵng (cũ), tỷ lệ tăng dân số tự nhiên duy trì dưới 1,2%; tỷ lệ sinh con thứ 3 chỉ 4,9%; tỷ suất sinh 2,02 con/phụ nữ, đảm bảo mức sinh thay thế.
Bộ Y tế đang hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Dân số và dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10/2025. Sau khi được Quốc hội thông qua, Luật Dân số sẽ có hiệu lực thi hành, thay thế cho Pháp lệnh Dân số hiện hành.
Trước đó, Quốc hội thông qua Pháp lệnh dân số mới với việc bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng, cá nhân sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định. Đối với dự thảo Luật dân số, bên cạnh các chính sách khuyến sinh, một trong những trụ cột quan trọng được đề cập là chính sách nâng cao chất lượng dân số. Nội dung này tập trung vào các biện pháp dự phòng sớm nhằm bảo đảm thế hệ tương lai có thể chất và trí tuệ phát triển tốt.
Nguồn: https://baodanang.vn/giam-do-venh-cai-thien-chat-luong-dan-so-3296945.html
Bình luận (0)