
Tiện lợi
Sự chuyển mình diễn ra lặng lẽ nhưng đang làm thay đổi cách người dân quê bàn việc chung, giữ nếp làng giữa thời đại công nghệ.
Buổi chiều tà, trên sân nhà văn hóa thôn 3, xã Tân Hương (Ninh Giang) có vài người cao tuổi ngồi chuyện trò dưới gốc cây. Không còn tiếng loa truyền thanh vang vọng khắp làng trên, xóm dưới gọi người dân ra nhà văn hoá họp, cũng chẳng còn cảnh người lớn xếp ghế, trẻ nhỏ nô đùa quanh "chiếu họp làng" như trước đây.
Cách nhà văn hóa không xa, ông Nguyễn Xuân Mấp (71 tuổi), ngồi bên hiên nhà, cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh xem các nội dung thông báo từ lãnh đạo thôn qua ứng dụng Zalo. “Có thông báo là tôi đọc và lưu lại ngay để khỏi quên. Trước kia, cứ nghe loa gọi họp là phải đi. Giờ thì ngồi ở nhà cũng biết được hết việc làng,” ông Mấp nói.
Không chỉ người dân, những người làm công việc “giữ làng” như ông Bùi Văn Tú cũng đang sống giữa ranh giới của cũ và mới. Gần 20 năm làm trưởng thôn 3, xã Tân Hương, ông vẫn nhớ như in những ngày cầm tập giấy mời đi từng nhà gửi mỗi khi thôn có việc.
“Có hôm đang đi gửi giấy mời thì trời đột ngột đổ trận mưa rào, cả người và giấy mời ướt hết. Nhiều nhà đi vắng, tôi phải quay lại 2 - 3 lần mới gặp. Cứ mỗi lần thôn tổ chức họp là phải mất bao nhiêu thời gian soạn, in giấy mời để đi phát”, ông Tú kể.
Cuộc sống nay đã khác, thời đại công nghệ bùng nổ, gần như nhà nào cũng có điện thoại thông minh, việc họp hành cũng giản tiện. Cả làng có khoảng 1.300 nhân khẩu. Thôn lập các nhóm Zalo, nhóm Facebook. Khi có việc gì cần thông báo, lãnh đạo thôn chỉ cần mất ít thời gian soạn nội dung tin nhắn rồi gửi, vậy là cả làng đều biết.

Bà con cũng tiếp cận thông tin nhanh, có việc ra tỉnh ngoài cũng nắm được, đồng thời có ý kiến gì cũng phản hồi luôn trên nhóm.
“Nhưng cũng vẫn phải đến nhà hoặc gọi điện thoại cho những người cao tuổi không có điện thoại hoặc không dùng điện thoại thông minh. Không được bỏ sót ai”, ông Tú cho biết thêm.
Những nỗi niềm không dễ gọi tên
Hài lòng với cách điều hành thông tin mới của thôn, nhưng trong ánh mắt ông Nguyễn Xuân Mấp thỉnh thoảng vẫn ánh lên chút bâng khuâng. Có lẽ là nỗi nhớ những buổi chiều rộn ràng, khi trong nhà văn hóa thôn đầy ắp người, tiếng cười nói xen lẫn chuyện làng, chuyện xóm.
Cùng chung tâm trạng, bà Hà Thị Kiềm (72 tuổi) nguyên cán bộ thôn 3, xã Tân Hương chậm rãi kể: “Ngày xưa loa truyền thanh treo ở đầu làng, ngày 2 buổi sáng, chiều phát tin. Dân làng vừa làm việc, vừa nghe, có chuyện gì cũng từ cái loa mà biết.”

Giờ thì chiếc loa ấy hầu như chỉ tiếp sóng, phát đi những bản tin của đài truyền thanh xã... Người già nghe không rõ, người trẻ bận bịu chẳng hay. Tin tức, mọi công việc điều hành của thôn giờ được cập nhật qua chiếc điện thoại.
Ông Mấp, bà Kiềm cùng hầu hết các hộ gia đình ở địa phương giờ đều dùng điện thoại để theo dõi thông tin về công việc chung của làng. Nhưng điều khiến họ tiếc nuối, có lẽ là sự vắng đi của những lần gặp mặt cả thôn, những cái gật đầu, những câu nói cười rôm rả, ấm tình làng, nghĩa xóm.
Công nghệ số giúp công việc của thôn trôi chảy hơn, trưởng thôn Bùi Văn Tú thừa nhận. Nhưng với những việc lớn, quan trọng như bầu cử trưởng thôn, chuẩn bị công tác bầu cử, bàn chuyện xử lý vi phạm… vẫn phải họp trực tiếp. “Phải nhìn mặt nhau mà nói, phân tích ngọn ngành của tất cả các bên để giải quyết vấn đề một cách thống nhất, bảo đảm khách quan, dân chủ,” ông Tú chia sẻ.

Không thể phủ nhận sự tiện lợi mà mạng xã hội mang lại trong quản lý cộng đồng. Người trẻ cập nhật nhanh, người đi làm xa vẫn theo dõi được tình hình quê nhà. Đối với trưởng thôn, khu dân cư thì giảm được thời gian in ấn, đi phát giấy mời. Nhưng đi đôi với sự tiện lợi ấy là những nốt trầm cảm xúc khi các cuộc họp làng không còn đông đủ, không khí chẳng còn rộn ràng, rôm rả như trước...
Công nghệ có thể thay đổi cách người ta gọi nhau đến họp nhưng không thể thay thế được tình làng nghĩa xóm. Với người làng, những ngày họp lớn không chỉ để bàn việc chung, mà còn là dịp để gần nhau hơn, hiểu nhau hơn.
Và dù những tin nhắn có nhanh đến đâu, lời mời họp có gọn đến mấy, thì mỗi dịp quan trọng, người dân quê vẫn sẽ trở lại sân đình, nhà văn hóa như một thói quen đã ăn sâu.
VĂN TUẤNNguồn: https://baohaiduong.vn/giam-hop-lang-ron-rang-nhom-mang-412081.html
Bình luận (0)