Ngày 23.5, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế tổ chức hội thảo "Ứng dụng AI trong giáo dục ĐH" nhằm nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong môi trường học thuật.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nhân công nghệ đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, cập nhật xu hướng và cùng khám phá cách thức tích hợp hiệu quả các công cụ AI vào giảng dạy, nghiên cứu.
Chuyên gia chia sẻ về ứng dụng AI trong giáo dục đại học
ẢNH: LÊ HOÀI NHÂN
Các chủ đề được chia sẻ tại hội thảo như: toàn cảnh xu hướng ứng dụng AI trong giáo dục ĐH trên thế giới và tại Việt Nam; khai thác tiềm năng từ các nền tảng AI hiện đại như ChatGPT, Gamma.app, Heygen; thực hành xây dựng trợ lý cá nhân sử dụng AI phục vụ giảng dạy và nghiên cứu.
Trong đó, nội dung xây dựng "trợ lý ảo" trong hoạt động giảng dạy và học tập được rất nhiều giảng viên và sinh viên quan tâm, đặt câu hỏi.
Chia sẻ về nội dung trên, ông Nguyễn Thanh Khiết, Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán ASCO Việt Nam, Chủ tịch Công ty CP NBO AI và hệ sinh thái NBO Holdings, đã trình bày chủ đề "Ứng dụng AI trong giáo dục: Tạo trợ lý xuất sắc, số hóa môn học chuyên ngành".
Theo ông Khiết, để tạo một trợ lý ảo xuất sắc bằng AI, mỗi người dùng cần đáp ứng các tiêu chí như: phải có tài khoản ChatGPT Plus; cá nhân hóa theo các nhiệm vụ cụ thể; tập trung vào mục "Định cấu hình" (với 4 nội dung chính là tên, mô tả, hướng dẫn, tài liệu)…
Theo ông Khiết, "Phần hướng dẫn" (instruction) được xem là trái tim và linh hồn của trợ lý ảo xuất sắc.
Ông Khiết cũng hướng dẫn cách tạo các câu lệnh để các công cụ AI cho ra kết quả chuẩn xác nhất, gồm ngữ cảnh, yêu cầu chính (Main Task), thông tin bổ sung (Additional information), định dạng kỳ vọng (Expected Output), ngôn ngữ và phong cách.
Theo các chuyên gia, AI đang là xu thế, mang lại rất nhiều lợi ích cho người dùng. Trong đó trợ lý ảo cá nhân cũng là một trong những công cụ đắc lực để giảng viên có thể tạo ra các bài giảng hấp dẫn; hoặc có thể đóng vai trò trợ lý để trực tiếp trả lời những câu hỏi của sinh viên qua hình thức trực tuyến, thay giảng viên thống kê lỗi, chấm điểm bài kiểm tra, phân tích…
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý những hạn chế như thông tin mà các công cụ AI cung cấp có thể sai lệch, tính bảo mật dữ liệu không cao…
PGS-TS Trương Tấn Quân, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế, cho rằng sự phát triển của AI đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng, pháp lý, đạo đức và đặc biệt là năng lực thích ứng của con người. Vì thế, vai trò của nhà trường, giảng viên, sinh viên càng trở nên quan trọng, không chỉ là người sử dụng công nghệ mà là người kiến tạo, điều hướng và phát triển công nghệ một cách nhân văn, bền vững.
Nguồn: https://thanhnien.vn/giang-vien-sinh-vien-hue-duoc-trang-bi-them-nhung-tro-ly-ao-185250523143921783.htm
Bình luận (0)