Chuyển biến thể chế, thức tỉnh nguồn lực tư nhân
Ngày 27/5, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức tọa đàm "Gỡ điểm nghẽn thể chế - Khơi thông nguồn lực tư nhân". Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Quang Sáng - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh - nhấn mạnh lý do tổ chức chương trình bắt nguồn từ yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh loạt nghị quyết lớn về phát triển kinh tế tư nhân vừa được ban hành. Đây là thời điểm thích hợp để lắng nghe, ghi nhận và kết nối những ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp với quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm Gỡ điểm nghẽn thể chế, khơi thông nguồn lực tư nhân. (Ảnh: Thời báo Ngân hàng) |
Ông Nguyễn Quang Sáng chia sẻ: “Chúng tôi mong rằng sẽ tạo được diễn đàn công khai để cộng đồng doanh nghiệp tư nhân nói thẳng, nói thật về những mong mỏi, băn khoăn của mình. Từ các diễn đàn đối thoại thiết thực như thế này, tiếng nói của doanh nghiệp sẽ được lắng nghe nhiều hơn, và chính sách sẽ đến gần thực tiễn hơn".
Chia sẻ tại tọa đàm, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright khẳng định, kinh nghiệm quốc tế cho thấy mọi nền kinh tế duy trì được tăng trưởng bền vững đều có điểm chung, đó là: Khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò trung tâm.
Theo ông Thành, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải tái thúc đẩy tăng trưởng, việc ban hành các chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân đã có, vấn đề quan trọng là việc thực thi, các đột phá thể chế cụ thể ở cấp cơ sở.
Khơi thông vốn, "bệ phóng" cho doanh nghiệp
Chia sẻ giải pháp về tín dụng, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), đề nghị kiểm soát chặt việc cho vay phục vụ hệ sinh thái nội bộ; cần đa dạng hóa kênh tín dụng, khơi thông thị trường trái phiếu; sửa Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đơn giản hóa thủ tục tiếp cận vốn ưu đãi. Cũng theo ông Từ Tiến Phát cho biết, doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn do thiếu tài sản đảm bảo, tài chính không minh bạch. Giải pháp là hệ thống xếp hạng tín dụng, doanh nghiệp minh bạch tài chính, ngân hàng thay đổi tiếp cận.
Còn theo ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch MoMo, cải cách thể chế là giải pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất và tiết kiệm nhất để hỗ trợ doanh nghiệp. Từ nghị quyết đến hành động là hành trình cần sự vào cuộc quyết liệt của cả Nhà nước và doanh nghiệp. Khi được tiếp sức bằng chính sách đúng đắn, kinh tế tư nhân sẽ bứt phá, trở thành trụ cột vững chắc của nền kinh tế.
Đặc biệt, ông Nguyễn Bá Diệp đánh giá cao việc Nhà nước đã bước đầu thiết lập cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) - một khung pháp lý đặc biệt dành cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là một bước tiến rất lớn trong tư duy quản lý, cho phép các doanh nghiệp công nghệ được thử nghiệm mô hình mới trong môi trường pháp lý linh hoạt, từ đó rút kinh nghiệm trước khi mở rộng triển khai.
“Điều các doanh nghiệp kỳ vọng không chỉ là sự ra đời của sandbox, mà là cách nó được triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống, từ trung ương đến địa phương, từ cơ quan quản lý đến cấp thực thi. Nếu làm được điều đó, sandbox sẽ không chỉ là chính sách mang tính biểu tượng, mà thực sự trở thành “bệ phóng” cho những mô hình kinh doanh đột phá. Thời gian tới, nếu việc đẩy mạnh triển khai sandbox được thực hiện nhanh chóng, đồng bộ và có sự lắng nghe từ thực tiễn, đây sẽ là lực đẩy lớn cho hệ sinh thái startup Việt Nam”, ông Nguyễn Bá Diệp chia sẻ.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/go-diem-nghen-the-che-khoi-thong-nguon-luc-tu-nhan-213837.html
Bình luận (0)