“Pháo lệnh” cho kinh tế tư nhân
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam nhận định: “Ngày 4/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.” Ông nhấn mạnh, đây là một Nghị quyết có tầm quan trọng to lớn, mở ra bước ngoặt lịch sử để thúc đẩy sự vươn mình đột phá của kinh tế tư nhân. Nghị quyết 68 được coi như “pháo lệnh”, lần đầu tiên kinh tế tư nhân được trao trọng trách là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế”.
PGS, TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị) |
Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Nghị quyết 68 đã nhìn thẳng vào thực tế khối kinh tế tư nhân. “Chúng tôi cảm thấy như đang được sống và lao động, cống hiến trong thời khắc lịch sử của thời kỳ Đổi mới lần thứ 2”, bà Nga nói.
Thực tế, nguồn vốn FDI đang chiếm đến 2/3 tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hiện tập trung vào giai đoạn gia công, lắp ráp mang lại giá trị gia tăng thấp, ưu tiên khai thác nguồn lao động giá rẻ hơn là mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh cốt lõi tại Việt Nam. Ngược lại, khối tư nhân nội địa còn tiềm năng dồi dào, dư địa phát triển rất lớn, từ các DN lớn, đến nhóm vừa và nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Nga nhận định: "Nghị quyết 68, cùng với các Nghị quyết thức thời khác trong thời gian qua như Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59 về “Hội nhập quốc tế trong tình hình mới;” Nghị quyết số 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới đã mang lại động lực, cảm hứng và niềm tin lớn cho giới doanh nhân trong công cuộc chung phát triển kinh doanh, góp phần phát triển đất nước và thực hiện trách nhiệm xã hội".
"Cởi trói" cho doanh nghiệp
Tham luận tại hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ cho biết: “Chúng ta có lịch sử hành trình của kinh tế tư nhân chính thống là 40 năm. Lịch sử hình thành khá dài, cho đến bây giờ thì vai trò của kinh tế tư nhân mới được khẳng định. Như vậy chúng ta mất khá nhiều thời gian, tuy nhiên Nghị quyết 68 mới đã không chỉ khẳng định mà sẽ định hình sứ mệnh của các doanh nhân".
Cũng theo ông Trần Đình Thiên, "vòng kim cô” cho doanh nghiệp tư nhân đã được cởi bỏ và phải làm việc này thật triệt để. Các doanh nghiệp nhà nước có thể dẫn dắt hay đồng hành cùng kinh tế tư nhân; đặc biệt là cần có những chính sách phát triển khu vực này khác biệt so với trước đây.
Các đại biểu, chuyên gia kinh tế tại Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị) |
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nêu vấn đề cấp thiết là rút ngắn thủ tục để vốn vào nền kinh tế nhanh nhất.
Ông cho biết, một dự án sử dụng đất phải qua ít nhất 15 thủ tục, khiến doanh nghiệp phải "đi nhờ vả". Khảo sát cho thấy 74% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy kế hoạch đầu tư do vướng mắc thủ tục hành chính đất đai. Ông Đậu Anh Tuấn đề nghị cải cách quy trình, cần sự hành động mạnh mẽ hơn từ Quốc hội, Chính phủ.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhìn nhận, để thực thi Nghị quyết đòi hỏi nỗ lực của Chính phủ và song hành của doanh nghiệp.
“Trước đây, thủ tục phức tạp là cái khiên bảo vệ doanh nghiệp khỏi sự cạnh tranh. Do đó, khi cải cách thủ tục trở nên đơn giản, nhà đầu tư trẻ có năng lực sẽ gia nhập thị trường, cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn", Tiến sĩ Phan Đức Hiếu nhận định.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/khan-truong-thao-go-rao-can-phat-huy-dong-luc-kinh-te-tu-nhan-213813.html
Bình luận (0)