Nghị quyết không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mà còn kỳ vọng tạo cú hích lớn, tháo gỡ những “nút thắt” về cơ chế, thủ tục hành chính đã tồn tại lâu nay, giúp giảm gánh nặng cho nhà đầu tư và đẩy nhanh tiến độ các dự án NƠXH trên cả nước.
“LIỀU THUỐC ĐẶC TRỊ”
Nghị quyết 201/2025/QH15 là một văn bản pháp lý quan trọng, quy định thí điểm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển NƠXH trên phạm vi toàn quốc trong 5 năm (từ ngày 1-6-2025 đến ngày 1-6-2030).
Đồng chí Phan Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp khảo sát Dự án D7 và Khu dân cư hai bên đường, khu đất NƠXH có diện tích khu đất là 7.284 m2 do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang làm chủ đầu tư. |
Nghị quyết 201/2025/QH15 mở ra một khung pháp lý mới, cho phép thí điểm các cơ chế và chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển NƠXH trên phạm vi toàn quốc. Phạm vi điều chỉnh bao gồm từ việc thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia, giao chủ đầu tư không qua đấu thầu, đến các thủ tục đầu tư, xác định giá bán, giá thuê mua và điều kiện hỗ trợ nhà ở. Điều này đánh dấu sự linh hoạt và quyết tâm của Quốc hội trong việc giải quyết vấn đề nhà ở - một nhu cầu thiết yếu nhưng vẫn còn nhiều thách thức tại Việt Nam.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Nghị quyết 201/2025/QH15 thực sự là “liều thuốc đặc trị” cho những vướng mắc đã kìm hãm sự phát triển của NƠXH trong nhiều năm qua. Các quy định đặc thù đã tập trung giải quyết những “điểm nghẽn” lớn nhất về cơ chế, thủ tục, giúp giảm đáng kể gánh nặng hành chính và tài chính cho nhà đầu tư.
Trước đây, việc lựa chọn chủ đầu tư NƠXH thường phải thông qua đấu thầu hoặc đấu giá quyền sử dụng đất, hoặc phải làm song song các thủ tục riêng lẻ giữa chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư. Quá trình này rất mất thời gian, tốn kém chi phí và tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư do sự phức tạp của thủ tục pháp lý.
Điều 1.1b và Điều 5 của Nghị quyết đã cho phép giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu, đấu giá đối với dự án NƠXH không sử dụng vốn đầu tư công, sử dụng quỹ đất do Nhà nước giao hoặc thuê.
Quy định này cắt giảm đáng kể thời gian và chi phí liên quan đến thủ tục đất đai và lựa chọn nhà đầu tư. Nhà đầu tư có thể nhanh chóng bắt tay vào triển khai dự án sau khi được chấp thuận, loại bỏ rủi ro về cạnh tranh trong đấu thầu, đấu giá mà vẫn đảm bảo tính công khai, minh bạch thông qua các tiêu chí lựa chọn năng lực. Điều này đặc biệt hấp dẫn các doanh nghiệp có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính trong lĩnh vực xây dựng.
Bên cạnh đó, việc miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (Điều 8) được đánh giá là một trong những ưu đãi lớn nhất. Trước Nghị quyết này, mặc dù có chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, nhưng việc xác định mức miễn, giảm, thủ tục thực hiện vẫn còn phức tạp, đôi khi gây chậm trễ. Việc quy định miễn toàn bộ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho dự án NƠXH giúp giảm trực tiếp chi phí đầu tư ban đầu của dự án, từ đó kéo giảm giá thành NƠXH, tăng khả năng tiếp cận cho người mua nhà.
Ưu đãi này trực tiếp giải quyết gánh nặng tài chính lớn nhất cho nhà đầu tư - chi phí đất. Khi chi phí đất giảm hoặc bằng 0, giá thành sản phẩm NƠXH sẽ thấp hơn, dễ tiếp cận hơn với các đối tượng thụ hưởng. Điều này không chỉ khuyến khích nhà đầu tư tham gia, mà còn giúp thị trường NƠXH trở nên sôi động hơn.
Thủ tục hành chính rườm rà, kéo dài thời gian là bất cập kéo dài trong nhiều năm qua. Quy định đơn giản hóa thủ tục đầu tư (khoản 2 và 3 Điều 7, Điều 8, khoản 1, 2, 6, 7 Điều 12), Nghị quyết đã mạnh dạn cắt giảm các khâu trung gian, rút ngắn thời gian phê duyệt các loại giấy tờ, chấp thuận đầu tư, cấp phép xây dựng.
Mặc dù Nghị quyết không nêu chi tiết từng thủ tục cụ thể bị cắt giảm, nhưng việc nhấn mạnh “quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù” và đặt ra hiệu lực thi hành sớm (từ ngày 1-6-2025 và ngày 1-7-2025 cho một số điều) cho thấy quyết tâm của Quốc hội trong việc tinh gọn quy trình. Sự chồng chéo, rườm rà trong thủ tục hành chính là một trong những rào cản lớn nhất đối với mọi dự án đầu tư, đặc biệt là NƠXH vốn có biên lợi nhuận thấp.
Việc đơn giản hóa thủ tục giúp rút ngắn thời gian thực hiện dự án, giảm chi phí cơ hội cho nhà đầu tư; đồng thời, giúp sản phẩm đến tay người dân nhanh hơn. Đây là yếu tố then chốt để thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia vào phân khúc NƠXH.
TẠO THUẬN LỢI NHẤT CHO DỰ ÁN NƠXH
Việc thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia (Điều 4) được các chuyên gia đánh giá là một quyết sách quan trọng tạo khung pháp lý, giúp các nhà đầu tư yên tâm hơn về khả năng tiếp cận vốn vay ưu đãi. Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng và sự gia tăng dân số tại các khu vực kinh tế trọng điểm, nhu cầu về nhà ở, đặc biệt là NƠXH, ngày càng trở nên cấp bách.
Nghị quyết 201/2025/QH15 được ban hành đã gỡ “nút thắt” về thể chế cho công tác phát triển NƠXH (trong ảnh: Dự án Nhà ở xã hội Victoria Premium Mỹ Tho, tỉnh Đồng Tháp). |
Nghị quyết cung cấp các công cụ pháp lý để huy động nguồn lực từ cả Nhà nước và tư nhân, thông qua Quỹ Nhà ở quốc gia - một quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, không vì mục đích lợi nhuận. Nguồn vốn này được hình thành từ ngân sách, tiền bán tài sản công, tiền đấu giá quyền sử dụng đất và các nguồn hỗ trợ tự nguyện.
Các nguồn vốn đa dạng và mục tiêu rõ ràng về hỗ trợ vốn, lãi suất cho cả nhà đầu tư và người mua nhà đã tạo ra một công cụ tài chính mạnh mẽ, bền vững hơn. Trước đây, nguồn vốn cho NƠXH chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước và một số gói tín dụng ưu đãi từ ngân hàng.
Việc thành lập quỹ mang lại nguồn vốn ổn định, lâu dài hơn, giảm áp lực lên ngân sách và tạo cơ chế chủ động trong việc cấp vốn cho các dự án, tránh tình trạng “đứt gãy” nguồn vốn do phụ thuộc vào phê duyệt ngân sách hằng năm. Điều này cũng giúp các nhà đầu tư yên tâm hơn về khả năng tiếp cận vốn vay ưu đãi.
Đặc biệt, mới đây, ngày 3-7-2025, Chính phủ ban hành Nghị định 192/2025/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết 201/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển NƠXH.
Nghị định này có vai trò cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đột phá của Quốc hội, biến các chủ trương thành hành lang pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để triển khai các dự án NƠXH trong thực tiễn.
Theo đó, Nghị định quy định chi tiết về Quỹ Nhà ở quốc gia như: Cơ cấu tổ chức và hoạt động, nguồn vốn và nguyên tắc sử dụng, chính sách hỗ trợ từ quỹ. Đồng thời, hướng dẫn chi tiết cơ chế giao chủ đầu tư không qua đấu thầu; chi tiết chính sách ưu đãi về thuế và đất đai; quy định cụ thể về tín dụng ưu đãi; đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính…
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cụ thể về công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị định 192/2025/NĐ-CP và Nghị quyết 201/2025/QH15, đảm bảo chính sách được triển khai hiệu quả, minh bạch và phòng ngừa tiêu cực...
Có thể nói, Nghị quyết số 201/2025/QH15 là một cột mốc quan trọng trong chính sách phát triển NƠXH tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện chủ trương sáp nhập các tỉnh, thành. Nghị định 192/2025/NĐ-CP là văn bản pháp lý rất quan trọng, trực tiếp biến các chủ trương lớn về NƠXH thành hiện thực, là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế về NƠXH, tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển phân khúc nhà ở này, đáp ứng nhu cầu bức thiết của xã hội.
Với các cơ chế linh hoạt và hỗ trợ cụ thể, Nghị quyết không chỉ giải quyết những khó khăn về nhà ở cho cán bộ, công chức, người lao động, mà còn góp phần xây dựng một xã hội công bằng, văn minh. Đây là minh chứng cho sự quyết tâm của Quốc hội trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống và củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn mới.
HOÀI THU
Nguồn: https://baoapbac.vn/chinh-tri/202507/nghi-quyet-ve-thi-diem-mot-so-co-che-chinh-sach-dac-thu-phat-trien-nha-o-xa-hoi-go-nut-that-ve-the-che-1046862/
Bình luận (0)