Khi chúng tôi đến nhà ông, hỏi về trận đánh của Bộ đội Phòng không ở Vĩnh Linh (Quảng Trị), ánh mắt Đại tá Phạm Sơn vụt sáng lên. “Thịnh ngồi ngay bên tôi... chú ấy hy sinh trên tay tôi”. Nói xong, Đại tá Phạm Sơn lặng đi, những ký ức từ hơn nửa thế kỷ trước chợt ùa về...
Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Lê Hồng Thịnh. |
Người sĩ quan điều khiển trẻ tuổi trong câu chuyện của Đại tá Phạm Sơn là Trung úy, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Hồng Thịnh, anh đã hy sinh giữa trận địa rực lửa, khi tên lửa Shrike từ máy bay Mỹ lao thẳng vào xe chỉ huy. Nhưng trước khoảnh khắc định mệnh đó, anh vẫn bình tĩnh điều khiển quả đạn của ta đến trúng mục tiêu.
Giữa năm 1966, Trung đoàn Tên lửa 238 gồm 4 tiểu đoàn (81, 82, 83, 84) hành quân vào Vĩnh Linh, Quảng Trị chiến đấu, học cách đánh B-52, bởi theo nhận định của Bác Hồ và Trung ương Đảng: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra ném bom miền Bắc”. Thời điểm đó, Vĩnh Linh được mệnh danh là “vành đai lửa” do liên lục bị oanh tạc bởi không quân, hải quân và pháo binh địch. Để thực hiện nhiệm vụ, Trung đoàn 238 phải cơ động khối lượng khí tài khổng lồ từ Hà Nội vào Vĩnh Linh, phần lớn phải đi theo đường chiến lược mới mở, có nhiều đèo dốc, khe sâu, địch thường xuyên khống chế, đánh phá ác liệt.
Thế nhưng, hơn tất cả, thứ ám ảnh nhất đối với Bộ đội Phòng không chính là tên lửa Shrike-hung thần truy diệt sóng ra-đa. Khi bộ đội phát sóng ra-đa để tìm mục tiêu cũng là lúc Shrike từ máy bay địch phóng ra, bám theo sóng ra-đa, lao thẳng vào trận địa của ta với sức công phá vô cùng lớn. Trận địa nào đã trúng Shrike thì chắc chắn mất khả năng chiến đấu.
Ngày 11-7-1967, trời miền Trung gió Lào quạt lửa. Trong xe điều khiển hầm hập mùi mồ hôi và mùi dầu máy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 81 Phạm Sơn ngồi gần sĩ quan điều khiển Lê Hồng Thịnh. Các trắc thủ cự ly, phương vị, góc tà đã sẵn sàng vào trận. Trên màn hình xuất hiện tín hiệu của tốp máy bay địch. Thịnh chăm chú lắng nghe thông số từ các trắc thủ để chọn điểm ngắm. “Đây rồi!”, Thịnh khẽ reo lên, anh bấm nút “phóng”. Quả tên lửa rời bệ. Nhưng đột nhiên, trên màn hình hiện lên cùng lúc hai tín hiệu: Máy bay địch và tên lửa Shrike từ máy bay địch đang lao về phía trận địa ta. Thịnh đổ mồ hôi. Ngay lúc này, anh có thể tắt ra-đa để ngắt sự đeo bám của Shrike. Nhưng điều đó có nghĩa là quả tên lửa của ta cũng mất định hướng và rơi xuống, mục tiêu sẽ thoát, trận đánh sẽ thất bại. Giữa giây phút sinh tử, Thịnh chọn tiếp tục. Anh tin rằng tên lửa của ta sẽ đến mục tiêu trước khi quả Shrike kia kịp lao tới.
Một tiếng nổ lớn vang lên. Tên lửa của ta chạm mục tiêu trước, hạ "đo ván" máy bay địch, thế nhưng, Shrike lúc này đã quá gần trận địa, dù mất phương hướng nhưng vẫn lao thẳng vào xe điều khiển theo quán tính. Các mảnh vỡ từ vụ nổ bay tung tóe, một mảnh găm thẳng vào ngực Thịnh. Anh gục vào lòng Tiểu đoàn trưởng Phạm Sơn, hy sinh.
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Mạnh Hiến, nguyên sĩ quan điều khiển của Tiểu đoàn 82, Trung đoàn 238, nhớ lại: “Kết thúc trận đánh của Tiểu đoàn 81 và trận đánh của các phân đội trong Trung đoàn 238, cả Trung đoàn gom quân số lại chỉ đủ một tiểu đoàn, lấy chung phiên hiệu là Tiểu đoàn 84, bởi vì chỉ còn khí tài của Tiểu đoàn 84 bảo đảm hệ số kỹ thuật”.
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Sơn (bên phải) và tác giả bài viết. |
Trong trang nhật ký còn dang dở, Trung úy Lê Hồng Thịnh viết: “Chiến trường ngày càng ác liệt nhưng mình quyết không lùi bước. Nếu mình hy sinh, hãy đặt mình nằm quay đầu về phương Nam để mình được tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...”.
Mong muốn của Trung úy Lê Hồng Thịnh cũng như khát vọng chính đáng của toàn dân tộc đã được đồng đội của anh biến thành hành động cụ thể. Dồn hết căm thù, ý chí và kinh nghiệm phải đổi bằng xương máu lên bệ phóng, chiều 17-9-1967, Tiểu đoàn 84 đã hạ gục “pháo đài bay” B-52 đầu tiên ở chiến trường Việt Nam bằng 2 quả đạn, khẳng định nghệ thuật tác chiến đặc biệt là chọc thủng vành đai lửa của không lực Hoa Kỳ, xây dựng và hoàn thiện cẩm nang chiến đấu với B-52 cho toàn lực lượng. Để rồi trong cuộc tập kích chiến lược đường không vào Thủ đô Hà Nội cuối tháng 12-1972, B-52 của đế quốc Mỹ đã đại bại trước lưới lửa của Bộ đội Phòng không-Không quân và quân, dân miền Bắc.
Để có Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” thì dưới bầu trời Vĩnh Linh đã từng có những chiến địa đỏ lửa, hứng chịu tất cả đau thương, thử thách và hy sinh. Ở đó, giữa hai tín hiệu, Lê Hồng Thịnh hay bất cứ sĩ quan điều khiển tên lửa nào của Trung đoàn 238 năm ấy đều sẽ lựa chọn đưa quả đạn tới đích và sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Lúc hy sinh, Trung úy Lê Hồng Thịnh 30 tuổi, tóc còn xanh, nhưng ánh mắt rực lửa. Vệt sáng chói lòa cuối cùng anh để lại trên màn hiện sóng sẽ mãi nhắc nhớ chúng ta về một thế hệ chiến đấu quên mình vì độc lập, thống nhất đất nước.
Bài và ảnh: PHẠM KHẮC LƯỢNG - LÊ PHƯƠNG DUNG
Nguồn: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/hai-tin-hieu-mot-lua-chon-838402
Bình luận (0)