Bà Hilde Solbakken – Đại sứ Na Uy tại Việt Nam: Việt Nam và Na Uy đang chia sẻ một ưu tiên chung, đó là ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và hướng tới nền kinh tế carbon thấp - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Sáng 28/5 tại Hà Nội, Cục Điện lực (Bộ Công Thương) phối hợp với Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam tổ chức hội thảo "Hỗ trợ hành trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam".
Sự kiện là diễn đàn quan trọng để hai bên khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững và giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.
Theo ông Trần Hoài Trang, Phó Cục trưởng Cục Điện lực, Việt Nam đang bước vào giai đoạn khởi động quá trình chuyển dịch năng lượng. Đây là giai đoạn bản lề để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của ngành năng lượng toàn cầu.
Ông Trang cho rằng, mặc dù đối diện với nhiều thách thức – như bài toán đảm bảo an ninh năng lượng, thiếu hụt nguồn cung trong nước, áp lực nhập khẩu tăng – song Việt Nam cũng có những cơ hội rõ rệt để xây dựng nền tảng ổn định, lâu dài cho phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đã chỉ rõ vai trò thiết yếu của năng lượng, đặc biệt là điện lực, trong việc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Nghị quyết cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại như cơ cấu nguồn điện chưa hợp lý, tỷ lệ năng lượng tái tạo còn thấp và sự phụ thuộc ngày càng lớn vào năng lượng nhập khẩu.
Trong bối cảnh đó, chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời, được xác định là hướng đi tất yếu, phù hợp với xu thế thế giới và tiềm năng sẵn có của Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi về xu hướng phát triển điện gió ngoài khơi tại châu Á – Thái Bình Dương; vai trò chiến lược của hydrogen trong chuỗi cung ứng năng lượng tương lai - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Na Uy đồng hành cùng Việt Nam vì một tương lai carbon thấp
Phát biểu tại hội thảo, bà Hilde Solbakken – Đại sứ Na Uy tại Việt Nam – đánh giá cao cam kết của Việt Nam trong việc đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo bà, Việt Nam và Na Uy đang chia sẻ một ưu tiên chung, đó là ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và hướng tới nền kinh tế carbon thấp.
Bà Solbakken nhấn mạnh, Chính phủ Na Uy mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng với Việt Nam. Trong khuôn khổ này, Na Uy đã cam kết đầu tư 250 triệu USD thông qua Quỹ Khí hậu Northfund để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng, đặc biệt trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Ngoài ra, Na Uy cũng tích cực tham gia hỗ trợ Việt Nam xây dựng Quy hoạch không gian biển – nền tảng quan trọng để phát triển các dự án điện gió xa bờ trong tương lai.
"Chúng tôi cũng rất quan tâm tới hợp tác trong vận tải hàng hải xanh, kinh tế tuần hoàn, tái chế rác thải và giảm tiêu thụ than. Quá trình chuyển dịch năng lượng không thể tách rời các giải pháp công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó vai trò của chính phủ và doanh nghiệp tư nhân đều quan trọng như nhau", bà nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi về xu hướng phát triển điện gió ngoài khơi tại châu Á – Thái Bình Dương; vai trò chiến lược của hydrogen trong chuỗi cung ứng năng lượng tương lai...
Sự đồng hành từ các quốc gia có kinh nghiệm như Na Uy sẽ góp phần quan trọng giúp Việt Nam tăng tốc trên hành trình chuyển đổi năng lượng. Đây không chỉ là lộ trình giảm phát thải, mà còn là cơ hội để tái cấu trúc ngành năng lượng theo hướng hiện đại, tự chủ và bền vững, đặt nền móng vững chắc cho phát triển kinh tế tuần hoàn và xã hội xanh trong tương lai.
Anh Thơ
Nguồn: https://baochinhphu.vn/hanh-trinh-chuyen-dich-nang-luong-cua-viet-nam-va-cam-ket-dong-hanh-tu-quoc-te-102250528144800816.htm
Bình luận (0)