Thân gái dặm trường

Tôi biết Vũ Nguyệt Anh từ lớp bồi dưỡng kiến thức quân sự năm 2019 tại mảnh đất Sơn Tây (Hà Nội) đầy nắng gió. Ngày ấy, trong mắt tôi, Nguyệt Anh là cô gái có phần yếu ớt với dáng người thanh mảnh, nước da trắng xanh cùng khuôn mặt thông minh, ưa nhìn. Tôi được biết, Nguyệt Anh đang là giáo viên Khoa Ngoại ngữ, Trường Sĩ quan Lục quân 1. Vậy mà bẵng đi mấy năm, một ngày trung tuần tháng 4-2023, tôi ngỡ ngàng khi thấy cô giáo tôi quen ngày nào nay đầy tự tin, rắn rỏi khoác trên mình bộ quân phục của lực lượng GGHB Việt Nam và tháng 1-2025 thì chính thức nhận quyết định sang Cộng hòa Nam Sudan công tác. Kể từ đó, tôi luôn chú ý dõi theo hành trình của cô...

Đại úy Vũ Nguyệt Anh vinh dự đón nhận Huy chương Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc do Trung tướng Mohan Subramanian, Tư lệnh Lực lượng Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan trao tặng.

Cho đến khi Nguyệt Anh gửi cho tôi đoạn video ghi lại hình ảnh mình lái chiếc xe chống đạn hạng nặng, băng băng qua những con đường chênh vênh ở Nam Sudan thì tôi không còn ý nghĩ nào về sự yếu ớt trước đây nữa. Tôi nhắn tin cho Nguyệt Anh:

- Trời, sao em có thể lái được chiếc xe ấy? Nó nặng dễ đến mấy tấn?

- Khoảng 5 tấn chị ạ! Sang đây em luyện tập và thi đấy!

Rồi Nguyệt Anh kể với tôi về quá trình cô luyện tập để thi được bằng lái xe chống đạn. Không chỉ phải lái qua những đoạn đường gập ghềnh, khúc khuỷu, dễ bị sa lầy vào mùa mưa mà phải lái 10 vòng tròn liên tục, nếu không chắc vô lăng thì sẽ trượt tay lái ngay.

Ngoài việc học tập, bồi đắp kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, thì thể lực là nỗi “khổ tâm” lớn nhất với cô. Thể trạng vốn yếu ớt, cô đã căng mình luyện tập đủ mọi môn, từ học chạy bộ mỗi sáng sớm, học bơi đường dài, đến tập kháng lực đều đặn mỗi ngày, có hôm mệt lả mà vẫn không cho phép mình bỏ cuộc. Đôi khi cô phải tranh thủ từng giờ nghỉ, tự đặt ra lộ trình chạy bộ, bơi, tăng dần cường độ, kiên trì từng ngày, từng tuần. Nhờ vậy mà cô mới đủ sức khỏe để thích nghi với công việc đặc thù vất vả, đòi hỏi thể lực bền bỉ ở môi trường quốc tế.

Nguyệt Anh vẫn bảo, nỗ lực nào cũng đều có cái giá của nó. Vì có những tháng ngày miệt mài ấy, mà khi bắt đầu sang nhận nhiệm vụ ở Nam Sudan, cô đã kịp thích nghi ngay với điều kiện khắc nghiệt ở đây.

Đó là lúc một mình cùng những va li hành lý giữa sân bay xa lạ, xung quanh toàn là những người khác màu da, chủng tộc. Cô thấy sợ! Một nỗi sợ mơ hồ của thân gái dặm trường khi ở nơi cách xa Tổ quốc đến hơn 8.000km. 

Đại úy Vũ Nguyệt Anh bên phụ nữ và trẻ em Nam Sudan.

Đó là khi được nhân viên của LHQ đưa về nơi ở-trong một thùng xe container, lúc nào nhiệt độ cũng lên đến 40-50 độ C, với duy nhất một cánh cửa ra vào. Cửa này lại không thể mở thường xuyên vì sợ đủ thứ rủi ro, bất trắc: Nếu mở cửa quá lâu, muỗi, côn trùng, thậm chí rắn dễ bò vào, mang theo nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm như sốt rét, sốt xuất huyết luôn rình rập trong môi trường châu Phi khắc nghiệt này. Ngoài ra, còn phải đề phòng cả đạn lạc, bởi thực tế đã từng xảy ra những cuộc đụng độ giữa các nhóm vũ trang, có lần đạn lạc bay vào căn cứ nhưng may mắn không ai bị thương. Đó cũng là những bất ổn thường trực ở một thành phố vẫn đang chìm trong chiến sự.

Và cả những gian khổ khi hành quân đi tuần. Đại úy Vũ Nguyệt Anh chia sẻ: “Công việc của một quan sát viên quân sự là thường xuyên phải đi địa bàn nắm bắt tình hình, đi quanh khu vực thì khoảng 100km, còn đi xa thì gấp nhiều lần khoảng cách ấy. Càng đi được đến vùng sâu, vùng xa càng tốt. Những nơi Chính phủ nước sở tại cũng như LHQ thậm chí chưa tiếp cận được để hỗ trợ, giúp đỡ”.

Mỗi chuyến đi tuần xa thường kéo dài 5-7 ngày, có khoảng vài chục người gồm các lực lượng GGHB của LHQ, nhưng chỉ có duy nhất Nguyệt Anh là nữ. Ngoài những bất tiện như không thể vệ sinh cá nhân dọc đường, không thể đi lẻ để đề phòng rủi ro thì việc đi bộ 10-15km, ốm không được nghỉ, hạn chế uống nước, ăn bằng lương khô của Việt Nam đã trở thành những việc bình thường.

Trong nhật ký, Vũ Nguyệt Anh đã ghi lại hành trình của mình: “Những ngày đầu ở thủ đô Juba nhộn nhịp, mọi thứ còn mới mẻ, tôi vẫn không ngừng chuẩn bị tinh thần cho những thử thách lớn hơn. Và rồi, tôi xung phong về vùng biên giới giáp giữa 3 nước Nam Sudan, Congo và Uganda... Những ngày này, lệnh cấm di chuyển áp dụng trên toàn thành phố, nhưng lực lượng quan sát viên chúng tôi vẫn không chùn bước, tiếp tục tuần tra để bảo vệ người dân”.

Ghi nhận những nỗ lực xuất sắc của nữ sĩ quan GGHB Việt Nam, sau 3 tháng thực hiện nhiệm vụ, Đại úy Vũ Nguyệt Anh đã được trao tặng Huy chương GGHB LHQ. Vinh dự ấy thường chỉ được xét tặng với sĩ quan GGHB khi làm việc liên tục 6 tháng. Bên cạnh đó, cũng sau đúng 3 tháng công tác, cô là sĩ quan đầu tiên của Việt Nam trúng tuyển vào đội Huấn luyện Quan sát viên quân sự của Phái bộ.

Ấm lòng ở những điểm nóng

Chỉ sau một tháng tới thủ đô Juba và vừa nhận nhiệm vụ tại Phòng Quan sát viên Quân sự, Đại úy Vũ Nguyệt Anh đã xung phong tới khu vực Yei-một điểm nóng về an ninh, xung đột sắc tộc và di cư tị nạn. Quan sát và ghi chép về cuộc sống ở đây, đặc biệt tại các trại tị nạn đã giúp Nguyệt Anh nhận ra: Phụ nữ, trẻ em là những người yếu thế trong xã hội, không được học hành đầy đủ, không được bảo vệ, có thể bị bạo lực và xâm hại bất cứ khi nào.

Vậy là cô báo cáo cấp trên và đưa ra giải pháp tăng tần suất tuần tra quanh khu vực nhiều hơn, nếu trước đây là ngày 1 lần thì tăng lên ngày 3 lần. Cô tích cực đi đến các trại tị nạn, các trường học ở Terekeka (Juba), tham gia các dự án phát triển cộng đồng, tuyên truyền nâng cao nhận thức về quyền trẻ em, bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ trong xây dựng hòa bình. Ở mỗi nơi đến, cô đều dành thời gian gặp gỡ, trò chuyện, lắng nghe và sẻ chia với học sinh, nhất là các em gái, tiếp thêm nghị lực và niềm tin vào tương lai cho các em.

Như lần đến Trường Bright Future, một ngôi trường mới được thành lập vài tuần trước đó, nhưng là nơi học tập của nhiều trẻ em từ mầm non đến trung học phổ thông tại Terekeka, cô đã cùng đồng nghiệp tổ chức các buổi giảng dạy về kỹ năng sống, chia sẻ kiến thức thực tiễn và động viên các em nhỏ duy trì việc học tập vượt qua khó khăn. Ngay sau đó, một em học sinh đã đến bên cô và tâm sự rằng, em mong muốn học thật giỏi để sau này lớn lên có thể làm được công việc như các cô chú, được giúp đỡ thật nhiều cho cộng đồng của mình.

Đại úy Vũ Nguyệt Anh bộc bạch: “Tôi luôn mong muốn mỗi em nhỏ, đặc biệt là các em nữ, nhận ra rằng các em hoàn toàn có khả năng quyết định tương lai của mình. Giáo dục không chỉ là con đường giúp các em thoát khỏi những khó khăn hiện tại mà còn là cách để các em tạo ra sự thay đổi thực sự trong cộng đồng”.

Tích cực thu thập, xử lý thông tin, những báo cáo do cô ghi nhận đã góp phần quan trọng trong việc đưa ra các biện pháp tăng cường tuần tra bảo vệ khu vực trại tị nạn, bố trí điểm cảnh giới an ninh ban đêm, phối hợp tổ chức các buổi truyền thông về phòng, chống bạo lực, xây dựng các nhóm tự vệ cộng đồng, hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, nước sạch. Đặc biệt, đã kết nối với các tổ chức nhân đạo để triển khai các dự án hỗ trợ dài hạn như xây dựng lớp học, cung cấp vật tư y tế và tập huấn kỹ năng sống cho phụ nữ và trẻ em. Những biện pháp này góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác GGHB của LHQ tại khu vực.

 
Đại úy Vũ Nguyệt Anh chăm sóc trẻ em Nam Sudan. Ảnh do nhân vật cung cấp

Bàn tay nhỏ, hạnh phúc to

Một trong những hoạt động ý nghĩa mà Đại úy Vũ Nguyệt Anh thực hiện là hướng dẫn và trực tiếp rửa tay cho trẻ em địa phương tại Nam Sudan-nơi dịch bệnh luôn là mối đe dọa thường trực đối với các em nhỏ. Khi mới tiếp xúc, các bé gái người bản xứ còn rụt rè, lo lắng bởi lần đầu làm quen với người nước ngoài. Nhưng bằng nụ cười dịu dàng, ánh mắt thân thiện và những cử chỉ ân cần, cô dần xóa tan khoảng cách, đem lại cho các em cảm giác an toàn, gần gũi. Giữa cái nắng gay gắt của châu Phi, cô kiên nhẫn chuẩn bị nước, xà phòng, rồi nhẹ nhàng cầm tay, tận tình chỉ dẫn từng động tác rửa sạch. Từ sự ngần ngại ban đầu, đôi mắt các em dần ánh lên sự ngạc nhiên rồi thích thú khi được chăm sóc, tin tưởng trao gửi bàn tay cho cô.

Trung tướng Mohan Subramanian, Tư lệnh Lực lượng Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan  nhận xét: “Chúng tôi đánh giá cao tinh thần chuyên nghiệp, trách nhiệm và sự tận tâm của Đại úy Vũ Nguyệt Anh. Sự hiện diện của những sĩ quan như Đại úy Vũ Nguyệt Anh đã góp phần tạo dựng niềm tin giữa lực lượng GGHB và cộng đồng nhân dân địa phương, giúp nâng cao hiệu quả hợp tác dân sự-quân sự tại khu vực. Không chỉ là một hình mẫu về bản lĩnh, Đại úy Vũ Nguyệt Anh còn là nguồn cảm hứng cho các nữ sĩ quan trẻ từ nhiều quốc gia khác tiếp tục dấn thân vì lý tưởng hòa bình và nhân ái. Chúng tôi tin rằng những đóng góp của chị sẽ để lại dấu ấn tích cực lâu dài cho cả phái bộ và người dân Nam Sudan”.

Nhiệm kỳ ở Phái bộ GGHB LHQ vẫn đang tiếp diễn và nữ sĩ quan trẻ, đầy nhiệt huyết Vũ Nguyệt Anh vẫn luôn tự nhủ: “Vì chúng ta chỉ sống một lần trên đời, thà một lần chiếu sáng rực rỡ còn hơn le lói rồi vụt tắt. Tôi đã và luôn xông pha như thế, sống trọn từng ngày với suy nghĩ sẽ đem lại giá trị gì cho nhân dân ở đây. Với tôi, hành trình này không chỉ là nhiệm vụ mà còn là ánh sáng dẫn lối cho niềm tin, hy vọng và những điều tốt đẹp hơn đối với vùng đất này”.

THU THỦY - NGUYỆT CÁT

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan. 

Nguồn: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/hanh-trinh-nhan-ai-cua-nu-si-quan-mu-noi-xanh-836959