Tạo hành lang pháp lý vững chắc để xử lý nợ xấu
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa công bố thông tin liên quan đến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD).
Dự thảo lần này nhằm thể chế hóa các nội dung quan trọng trong Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, qua đó hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ và hiệu quả hơn trong xử lý nợ xấu, góp phần củng cố sự ổn định và an toàn cho hệ thống các TCTD.
Thực tiễn triển khai Nghị quyết 42 đã cho thấy nhiều kết quả tích cực trong công tác xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, một số quy định trọng yếu vẫn chưa được luật hóa, gây khó khăn trong thực thi, đặc biệt là liên quan đến quyền thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm và thu hồi nợ.
Theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng, tạo áp lực không nhỏ lên hệ thống ngân hàng, nhất là trong bối cảnh năm 2025 được xác định là năm bản lề để tăng tốc, bứt phá hoàn thành các mục tiêu của nhiệm kỳ 2021–2025, trong đó có mục tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu 8%.
Nguyên nhân của tình trạng trên đến từ nhiều yếu tố: kinh tế toàn cầu còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; nền kinh tế trong nước đối mặt với không ít khó khăn; các thị trường bất động sản, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp phục hồi chậm; năng lực quản trị của một số TCTD chưa tương xứng với quy mô hoạt động; trong khi đó, thị trường mua bán nợ chưa phát triển như kỳ vọng. Các tổ chức mua bán nợ cũng gặp nhiều vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm do thiếu cơ chế pháp lý rõ ràng, thống nhất.
Trước thực trạng đó, NHNN cho biết, Dự thảo Luật lần này tiếp tục luật hóa những nội dung từ Nghị quyết 42 đã chứng minh được hiệu quả trên thực tế. Cụ thể, Dự thảo đưa vào luật các quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên tài sản của bên phải thi hành án, hoàn trả tài sản là vật chứng trong vụ án hình sự, đồng thời bổ sung quy định hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật hoặc phương tiện vi phạm hành chính.
Một điểm đáng chú ý khác trong Dự thảo là đề xuất sửa đổi thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt. Theo đó, thay vì Thủ tướng Chính phủ, NHNN sẽ là cơ quan quyết định việc cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm và không có tài sản bảo đảm.
Việc phân cấp này nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ, đồng thời đảm bảo tính chủ động, linh hoạt trong hỗ trợ các TCTD gặp khó khăn thanh khoản hoặc cần can thiệp khẩn cấp để bảo vệ sự an toàn của hệ thống tài chính – ngân hàng.
Tăng cường điều kiện pháp lý
Giới chuyên gia tài chính đánh giá, việc luật hóa các quy định quan trọng về xử lý nợ xấu, đồng thời phân cấp rõ ràng thẩm quyền cho vay đặc biệt, không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả vận hành của hệ thống ngân hàng, mà còn đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ sự ổn định và an toàn của hệ thống tài chính quốc gia trước những rủi ro tiềm ẩn.
Đây được xem là bước tiến quan trọng trong việc củng cố lòng tin của nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và các chủ thể trong nền kinh tế vào năng lực điều hành cũng như sự bền vững của ngành ngân hàng Việt Nam.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV trong tuần tới.
Nếu được thông qua, đạo luật này kỳ vọng sẽ tạo dựng một hành lang pháp lý minh bạch, đồng bộ và hiệu quả hơn cho công tác xử lý nợ xấu cũng như toàn bộ hoạt động tín dụng – ngân hàng trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang diễn biến phức tạp.
Hiện tượng nợ xấu đang có dấu hiệu gia tăng mạnh trong quý I/2025. Nguyên nhân đến từ nhiều yếu tố như hậu quả của đại dịch COVID-19, tác động của thiên tai, việc chấm dứt hiệu lực của Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cùng với sự thiếu đồng bộ trong hệ thống xử lý tài sản bảo đảm.
Theo dữ liệu tổng hợp, tính đến ngày 31/3/2025, tổng dư nợ cho vay của 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính đạt hơn 12,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với đầu năm. Tuy nhiên, cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu lại gia tăng đáng kể.
Đáng chú ý, trong khi nợ xấu tăng nhanh thì tỷ lệ bao phủ nợ xấu (tức số dư dự phòng rủi ro trên tổng nợ xấu) tại nhiều ngân hàng lại có xu hướng giảm so với cuối năm 2024.
Theo dữ liệu từ Wichart, đến cuối quý I/2025, số dư dự phòng rủi ro của các ngân hàng niêm yết là khoảng 212.460 tỷ đồng, chỉ tăng 2,33% so với cuối năm ngoái, trong khi tổng số dư nợ xấu tăng gần 17%, đạt xấp xỉ 265.549 tỷ đồng. Hệ quả là tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn ngành đã giảm từ mức 91,4% xuống còn khoảng 80%, tức giảm hơn 11,4% chỉ trong vòng một quý.
Về triển vọng, TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) nhận định rằng xu hướng nợ xấu trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài, như diễn biến địa chính trị toàn cầu và kết quả của các cuộc đàm phán thương mại quốc tế.
Dù tình hình có thể diễn biến theo cả chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực, song ông Huân cho rằng nếu Nghị quyết 42 được chính thức luật hóa, đây sẽ là công cụ pháp lý quan trọng giúp các ngân hàng xử lý nợ xấu hiệu quả và bền vững hơn trong giai đoạn sắp tới.
Nguồn: https://baodaknong.vn/hoan-thien-khung-phap-ly-de-xu-ly-triet-de-no-xau-253087.html
Bình luận (0)