Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hồi sinh trò chơi dân gian trong nhịp sống hiện đại

NDO - Tuy nhịp sống hiện đại đầy hối hả, thiết bị công nghệ ngày càng lấn át, nhưng xu hướng trò chơi dân gian lại đang lặng lẽ quay trở lại, gợi nhớ miền ký ức tuổi thơ đầy sống động một thời.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân26/05/2025

Trong ký ức của bao thế hệ người Việt, hình ảnh những đứa "bò lê, bò toài" trên sân đình, sân nhà, góc quê, góc phố... say sưa chơi trò ô ăn quan, cất cao tiếng hát đồng dao là cả khoảng trời tuổi thơ đầy mộc mạc, trong trẻo: "Hàng trầu hàng cau/ Là hàng con gái/ Hàng bánh hàng trái/ Là hàng bà già/ Hàng hương hàng hoa/ Là là cúng Phật..."

Giờ đây, một số trò chơi dân gian không còn là hình ảnh xa lạ chỉ xuất hiện trong những thước phim tư liệu hay sách giáo khoa mà đang dần trở lại với đời sống hiện đại, đặc biệt trong các lớp học, khu du lịch văn hóa và cả trong các gia đình trẻ.

Hồi sinh trò chơi dân gian trong nhịp sống hiện đại ảnh 2

Trò chơi dân gian đã xuất hiện khá phổ biến trong các khóa sinh hoạt hè.

So với thuở xưa, các bộ trò chơi hiện nay được chế tác tỉ mỉ; các buổi sinh hoạt ngoại khóa tái hiện lại không gian làng quê xưa… đang cho thấy trò chơi dân gian không hề bị lãng quên mà phần nào đã hồi sinh theo cách riêng, hòa nhịp cùng đời sống hiện đại.

Sự trở ấy vừa là hoạt động giải trí mang tính truyền thống, đồng thời cũng báo hiệu xu hướng văn hóa với cảm hứng tìm về ký ức để từ đó con người tìm thấy sự kết nối với nhau, với cộng đồng theo cách tự nhiên nhất.

Hồi sinh trò chơi dân gian trong nhịp sống hiện đại ảnh 3

Trẻ em được hướng dẫn về luật chơi.

Ở một số câu lạc bộ như "Đọc sách cùng con" do Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh sáng lập hay "Cây Bút Nhí" của cô giáo Dương Hằng, không gian sinh hoạt cho trẻ ngoài những trang sách hay bài học, bài viết... còn có không gian cho các trò chơi dân gian.

Các câu lạc bộ đã chủ động kiến tạo không gian văn hóa mang đậm chất truyền thống để các bạn nhỏ được thư giãn, trải nghiệm trực tiếp các trò chơi dân gian, như: ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, làm đồ chơi thủ công…

Hồi sinh trò chơi dân gian trong nhịp sống hiện đại ảnh 4

Bộ trò chơi ô ăn quan được đóng gói gọn gàng, thẩm mỹ.

Dưới sự hướng dẫn tận tình của các cô giáo, cộng tác viên, tình nguyện viên, bao trò chơi tưởng chừng đã lui vào dĩ vãng nay lại "sống dậy" đầy hào hứng, giúp các em vừa rèn luyện tư duy, vừa học cách phối hợp, chia sẻ và kết nối. Chính những hoạt động này đã góp phần giữ gìn ký ức văn hóa dân tộc, đồng thời nuôi dưỡng trong trẻ tình yêu với những giá trị xưa cũ nhưng vẫn đầy ý nghĩa.

Góp phần bồi đắp cho sự sinh động của các không gian, ở những nơi như Hợp tác xã Sinh Dược (Gia Viễn, Ninh Bình), việc phục dựng trò chơi dân gian được thực hiện theo cách rất chăm chút, kỹ lưỡng và tâm huyết.

Hồi sinh trò chơi dân gian trong nhịp sống hiện đại ảnh 5

Bà con xã viên Hợp tác xã Sinh Dược chơi ô ăn quan, thư giãn sau giờ lao động.

Mỗi bộ trò chơi từ ô ăn quan đến các trò chơi truyền thống khác đều được thiết kế tỉ mỉ về mặt thẩm mỹ, sử dụng vật liệu tự nhiên, an toàn cho trẻ nhỏ và được đóng gói với hình thức gần gũi, mộc mạc nhưng tinh tế. Các hợp tác xã như Sinh Dược thường không coi đây là sản phẩm thương mại mà là trách nhiệm văn hóa nên đã chủ động trợ giá, khuyến mại, tặng quà... để các bộ trò chơi đến được với trẻ em ở khắp mọi miền đất nước.

Ông Vũ Trung Đức, Chủ nhiệm Hợp tác xã Sinh Dược chia sẻ: "Làm ra những bộ trò chơi cho trẻ em vốn không thuộc hoạt động lao động sản xuất chính của bà con hợp tác xã, nhưng ai cũng háo hức muốn lan tỏa phần ký ức đẹp của tuổi thơ thuở nào đến trẻ em hôm nay. Mỗi viên sỏi được nước suối bào mòn theo năm tháng được bà con lựa chọn, xử lý kỹ càng trước khi đóng gói. Đó như những tác phẩm nhỏ vừa giúp trẻ em vui chơi, vừa nuôi dưỡng tâm hồn, dạy các em cách sẻ chia, cân nhắc và tin yêu từ những giá trị giản dị".

Hồi sinh trò chơi dân gian trong nhịp sống hiện đại ảnh 6

Cùng với trò chơi dân gian, trẻ em được khuyến khích đọc sách.

Cô giáo Dương Hằng, người sáng lập Câu lạc bộ Cây Bút Nhí, bày tỏ niềm vui khi được đồng hành cùng trẻ thơ với trò chơi dân gian: "Khi cho các bạn nhỏ chơi, chúng tôi luôn có sự hướng dẫn rõ ràng và sát sao để giúp trẻ em hiểu luật chơi, học cách chờ đến lượt, tôn trọng bạn bè và biết ứng xử đúng mực trong khi chơi. Những giá trị về kỷ luật, sự kiên nhẫn và tinh thần đồng đội được gieo vào các bạn nhỏ theo cách tự nhiên thông qua từng lượt chơi. Đây chính là một trong những giá trị quan trọng mà các trò chơi dân gian mang lại, vừa gần gũi, vừa giáo dục sâu sắc".

Em Hữu Phương, học viên Câu lạc bộ Cây Bút Nhí, vui vẻ chia sẻ: "Hôm trước em được cô giáo tặng một bộ trò chơi ô ăn quan, em thích lắm vì quân cờ là những viên sỏi tròn nhẵn, đủ mầu sắc. Cô còn dạy chúng em cách chơi và hát đồng dao nữa. Hè này, em sẽ mang bộ trò chơi để chơi cùng các anh chị em trong gia đình, các bạn hàng xóm. Em muốn mọi người vừa vui vừa học được cách nhường nhịn, đoàn kết với nhau khi chơi".

Hồi sinh trò chơi dân gian trong nhịp sống hiện đại ảnh 7

Khoảnh khắc thư giãn với trò chơi dân gian sau giờ học.

Vừa qua, trong khuôn khổ Ngày hội "Trải nghiệm tiếng Việt-Đi khắp năm châu" tại Frankfurt (Cộng hòa liên bang Đức) do Tổng Lãnh sự quán Việt Nam phối hợp Câu lạc bộ Đọc sách cùng con và Lớp học Nắng Việt tổ chức, "Bến trò chơi dân gian" do chính Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh khởi xướng đã trở thành điểm nhấn đầy thú vị và xúc động.

Tại đây, bên cạnh những trò chơi truyền thống, như: ném còn, đá cầu, ô ăn quan… các em nhỏ còn được tiếp cận với chuồn chuồn tre - món đồ chơi dân gian mang đậm hồn quê Việt. Những con chuồn chuồn cân bằng mà cũng lại chênh vênh trên đầu ngón tay khơi gợi sự tò mò, thích thú, mở ra cánh cửa dẫn trẻ bước vào thế giới thủ công truyền thống của dân tộc.

Hồi sinh trò chơi dân gian trong nhịp sống hiện đại ảnh 8

Trò chơi dân gian được Tiến sĩ Thụy Anh tổ chức ở nước ngoài.

Dưới sự hướng dẫn của Tiến sĩ Thụy Anh và các tình nguyện viên, trẻ em người Việt ở nước ngoài được tự tay trang trí chuồn chuồn bằng màu sắc, họa tiết yêu thích trong cảm hứng sáng tạo đậm chất văn hóa Việt.

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh chia sẻ, những trò chơi và món đồ chơi truyền thống cũng chính là cách giúp trẻ em "chạm" vào tiếng Việt một cách sống động hơn, thông qua vận động, tương tác và kết nối cảm xúc. Vừa là ngôn ngữ của giao tiếp, tiếng Việt còn là ngôn ngữ của văn hóa, của ký ức và tình thân nên những hoạt động như "Bến trò chơi dân gian" đã mang tiếng Việt đến gần hơn với trái tim non trẻ khi xa Tổ quốc.

Hồi sinh trò chơi dân gian trong nhịp sống hiện đại ảnh 9

Các em nhỏ người Việt ở nước ngoài chơi ném còn.

Xu hướng quay trở lại với trò chơi dân gian mang nhiều ý nghĩa tích cực sâu sắc, đặc biệt trong bối cảnh hiện đại hóa và toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ. Việc khơi dậy và duy trì các trò chơi truyền thống giúp giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân gian trong đời sống đương đại.

Bên cạnh đó, trò chơi dân gian cũng là hình thức giải trí lành mạnh, tạo môi trường giáo dục tự nhiên, giúp trẻ phát triển tư duy, kỹ năng xã hội, như: phối hợp nhóm, kiên nhẫn, chia sẻ và tôn trọng luật chơi. Việc tổ chức và hướng dẫn chơi trò chơi dân gian trong các câu lạc bộ, trường học hay cộng đồng góp phần thúc đẩy sự gắn kết giữa các thế hệ, tạo nên không gian giao lưu văn hóa và cảm xúc, giúp trẻ em ngày nay hiểu và trân trọng cội nguồn.

Hồi sinh trò chơi dân gian trong nhịp sống hiện đại ảnh 10

Trò chơi dân gian mang lại nhiều bài học quý trong cuộc sống.

Ngày càng có thêm nhiều bộ trò chơi dân gian được làm ra với tiêu chí thẩm mỹ, an toàn và trợ giá đến với nhiều trẻ em, đặc biệt ở vùng miền còn khó khăn, xu hướng ấy thể hiện sự quan tâm xã hội sâu sắc, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của thế hệ trẻ.

Các chuyên gia giáo dục nhận định, sự trở lại của trò chơi dân gian không đơn thuần chỉ là hoài niệm quá khứ, mà đó cho thấy xu hướng xã hội hiện đại đang bắt đầu tìm lại sự cân bằng giữa công nghệ và văn hóa truyền thống. Trong bối cảnh trẻ em ngày càng dành nhiều thời gian cho màn hình, việc đưa các trò chơi xưa trở lại ngoài giúp giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc còn nuôi dưỡng tâm hồn trẻ nhỏ bằng những điều giản dị mà quý giá.

Nguồn: https://nhandan.vn/hoi-sinh-tro-choi-dan-gian-trong-nhip-song-hien-dai-post882332.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm