Nhớ lại những ngày đầu, chị Phượng chia sẻ: "Trước kia, gia đình tôi khó khăn lắm. Được Hội Nông dân cho vay vốn để làm ăn, đầu tiên tôi nuôi lợn, cá, rồi trồng rừng, mỗi thứ một ít để có thu nhập. Sau đợt dịch lợn, tôi quay lại nuôi dê, gà thì bây giờ chăn nuôi đem lại kết quả kinh tế...”. Sự chân chất trong lời kể của chị càng làm người nghe thấu hiểu những bước đi chập chững nhưng đầy quyết tâm ấy.
Năm 2010, một bước ngoặt lớn đến khi chị mạnh dạn vay vốn trên 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua ủy thác của Hội Nông dân xã, chị Phượng đã đầu tư chăn nuôi lợn, gà... Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, gia đình chị Phượng dần mở rộng quy mô. Đặc biệt, mô hình nuôi gà thả đồi được chị chú trọng, mỗi năm nuôi từ 3 đến 4 lứa gà lai. Để đàn gà phát triển khỏe mạnh, chị không chỉ chú trọng chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh mà còn trồng cỏ voi, trồng chuối để làm thức ăn, đảm bảo nguồn cung quanh năm. Đến nay, gia đình chị duy trì trên 3.000 con gà thịt.
Không dừng lại ở đó, chị Phượng còn nuôi thêm 30 con dê với giá bán 140 nghìn đồng/kg, thả hơn 3.000 m2 ao nuôi cá, trồng 1 ha chè Bát Tiên và 8 ha quế có tuổi đời từ 5 đến 10 năm. Với sự cần cù và tinh thần học hỏi không ngừng, chị tìm tòi kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi khác, áp dụng vào thực tế, giúp đàn gia cầm, đàn dê sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Bà Đinh Thị Hải - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Làng Gặt chia sẻ: "Gia đình chị Phương cũng rất mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, vườn ao chuồng. Ngày trước thì chị cũng rất khó khăn, được sự quan tâm của chính quyền địa phương rồi các cấp Hội Nông dân mở các lớp tập huấn học tập chăn nuôi. Đến nay, mô hình nhà chị là điển hình trong thôn, rất nhiều bà con đến học tập và phát triển”. Lời nhận xét của bà Hải càng khẳng định vị trí và vai trò của mô hình kinh tế tổng hợp của chị Phượng trong thôn.
Mỗi năm, trừ chi phí, mô hình chăn nuôi của gia đình chị Phượng cho thu nhập từ 250 triệu đồng đến 400 triệu đồng. Đây không chỉ là nguồn thu nhập đáng mơ ước mà còn là minh chứng cho sự kiên trì và tầm nhìn của chị.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, chị Phượng còn tích cực tham gia các phong trào của địa phương, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chị sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi với bà con, góp phần nâng cao nhận thức và đổi mới cách làm trong sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt, gia đình chị luôn áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, khử trùng chuồng trại để phòng tránh dịch bệnh; không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để tăng năng suất, chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường nông thôn.
Chia sẻ về mong muốn trong tương lai, chị Phượng cho biết: "Trong thời gian tới, tôi mong muốn được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ thêm vốn và tìm đầu ra bao tiêu sản phẩm, đem lại nguồn thu cao cho gia đình”. Đây cũng là trăn trở chung của nhiều hộ nông dân, và sự quan tâm của Nhà nước sẽ là đòn bẩy quan trọng để những mô hình như của chị Phượng tiếp tục phát triển bền vững.
Bà Ngô Thị Thúy Vân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Báo Đáp tin tưởng: "Với mô hình vườn ao chuồng rừng, chúng tôi cũng rất mong muốn đối với mô hình này có sự lan tỏa đến các mô hình khác, đồng thời cũng có chính sách hỗ trợ đối với mô hình nhà chị Phượng. Tham quan mô hình chúng tôi có định hướng như vay nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh, của huyện, tới đây cũng rất mong muốn là ngoài phát triển mô hình kết nối để tìm đầu ra cho sản phẩm như chăn nuôi gà, dê của gia đình chị Phượng”.
Với quyết tâm không ngại khó khăn, mô hình kinh tế tổng hợp của chị Vũ Thị Phượng ngày càng phát triển, không chỉ mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình mà còn là động lực để nhiều hội viên, nông dân trong xã học tập và làm theo, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Hoài Văn
Nguồn: https://baoyenbai.com.vn/12/350879/Hoi-vien-nong-dan-Vu-Thi-Phuong-lam-kinh-te-gioi.aspx
Bình luận (0)