Bán vé số "mời" khách trên bãi biển |
Trước thực tế này, Huế sẽ thành lập tổ xử lý các vấn đề về môi trường du lịch; quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng và an ninh trật tự trên địa bàn phường/xã. Đây là lực lượng được kỳ vọng sẽ trực tiếp giải quyết các tồn tại nhức nhối, góp phần xây dựng hình ảnh điểm đến thân thiện, an toàn trong mắt du khách.
Theo bà Trần Thị Hoài Trâm, Giám đốc Sở Du lịch, TP. Huế đặt mục tiêu xây dựng hình ảnh du lịch thân thiện, hấp dẫn, hướng đến giữ chân du khách lâu hơn và thu hút nhiều hơn lượng khách quay trở lại. Để làm được điều đó, việc đảm bảo môi trường du lịch văn minh, an toàn là nhiệm vụ then chốt. Việc xây dựng đề án “Nâng cao chất lượng môi trường du lịch trên địa bàn TP. Huế đến năm 2030” chính là lời khẳng định quyết tâm giải quyết những vấn nạn làm xấu môi trường du lịch.
Một trong những giải pháp hàng đầu được triển khai là thành lập tổ chức, đơn vị để xử lý các vấn đề về môi trường du lịch trên địa bàn thành phố Huế (lồng ghép thêm nhiệm vụ giữ gìn trật tự đô thị, trật tự xây dựng và an ninh trật tự) để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các vấn đề về môi trường du lịch một cách thường xuyên, liên tục, quyết liệt, đồng bộ, trong đó đứng đầu là Ban chỉ đạo nâng cao chất lượng môi trường du lịch trên địa bàn TP. Huế.
Ban chỉ đạo sẽ chỉ đạo, theo dõi, giám sát, kiểm tra, xử lý kịp thời, đúng thẩm quyền các vấn nạn liên quan đến môi trường du lịch trên địa bàn TP. Huế nhằm bảo vệ hình ảnh văn minh, thân thiện, an toàn của điểm đến Huế; góp phần phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường, di tích và giá trị văn hóa Huế.
Tại mỗi địa phương, tổ xử lý các vấn đề liên quan đến môi trường du lịch cấp xã sẽ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến môi trường du lịch trên địa bàn do cấp xã quản lý.
Bên cạnh đó, tổ kiểm tra, xử lý này cũng thực hiện tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và phối hợp xử lý các hành vi ảnh hưởng đến môi trường du lịch; về trật tự đô thị, trật tự xây dựng tại địa phương. Phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, trật tự đô thị, trật tự xây dựng; an ninh trật tự tại các điểm du lịch. Chủ động đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý du lịch và môi trường, trật tự đô thị, trật tự xây dựng tại địa phương. Kịp thời báo cáo lên Ban Chỉ đạo đảm bảo môi trường du lịch thành phố các vấn đề vượt thẩm quyền giải quyết.
Điểm đặc biệt ở mô hình tổ xử lý này là có nhiều thành phần tham gia, gồm: Lãnh đạo địa phương, lực lượng công an phường/xã, các phòng chuyên môn, đội quản lý trật tự đô thị phường/xã; tổ trưởng tổ dân phố/thôn thuộc phường/xã; tổ dân phòng thuộc phường/xã; ban quản lý các điểm du lịch, di tích (nếu có); đại diện hợp tác xã, ban quản lý, người dân, cộng tác viên du lịch, hộ kinh doanh dịch vụ du lịch tại địa phương. Theo phương án dự kiến, cơ quan thường trực của tổ xử lý đặt tại UBND phường/xã. Các thành viên tổ xử lý làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và hoạt động theo quy chế do trưởng ban ban hành.
Thời gian qua, ngành du lịch cùng chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, phối hợp giữa các sở, ngành và cấp cơ sở nhằm cải thiện môi trường du lịch. Tuy vậy, các hành vi gây ảnh hưởng đến chất lượng trải nghiệm du khách vẫn còn tồn tại. Bà Dương Thị Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam - Hà Nội tại Huế cho rằng, khi du lịch phát triển, những vấn đề phát sinh cũng cần được giải quyết để mang lại sự hài lòng của du khách.
Nguồn: https://huengaynay.vn/du-lich/hue-se-thanh-lap-to-xu-ly-cac-van-de-ve-moi-truong-du-lich-155909.html
Bình luận (0)