
Sự phối kết hợp nương tựa
Chưa vào cao điểm mùa mưa nên xã Hòa Thắng vốn được xem là “vùng rốn” khu Lê nổi danh, tựa như bức tranh thủy mặc chỉ 2 màu là xanh và trắng. Xanh của vườn tược nhà dân, của cây rừng, của những thảm cỏ mới mọc như da beo trên đồi, bãi cát và của cả những trang trại điện mặt trời với mặt tấm pin ánh xanh trong nắng. Còn trắng là nước của Bàu Ông, Bàu Bà hay còn gọi là Bàu Trắng; của những đồi cát di dộng; của nhà lưới trồng dưa, trồng rau hình thành từng cụm nằm ven đường ĐT 715 và của cả những trụ điện gió quay lồng lộng trên cao. Bức tranh trên cho thấy sự hội tụ của đại diện 3 trụ cột kinh tế: Công nghiệp, du lịch - dịch vụ và nông nghiệp của Hòa Thắng.
3 trụ cột kinh tế này không chỉ của riêng Hòa Thắng mà của những địa phương nằm ven biển có tiềm năng tương tự, được Bình Thuận (cũ) nhấn mạnh phát triển từ 5-7 năm trước. Với một số nơi, sự sáp nhập địa giới hành chính giữa các xã làm vơi đi yếu tố thuận lợi cho phát triển 3 trụ cột trên. Nhưng với xã Hòa Thắng bỗng hòa thêm thế mạnh, chúng bổ sung nhau mang tính nương tựa rất rõ. Như bên công nghiệp, xã Hồng Phong cũ có quỹ đất lớn và trong quy hoạch ngành điện đã ghi nhận hàng loạt dự án điện mặt trời, điện gió. Xã Hòa Thắng cũ cũng tương tự. Cả hai nhập lại nên cũng đồng thời tạo ra 1 vùng đất rộng lớn có nhiều nắng, gió, khoáng sản nổi bật để tiếp tục thu hút đầu tư điện năng lượng mặt trời, điện năng lượng gió, khoáng sản titan trong thời gian tới.
Nhìn lại, đây là ngành công nghiệp xuất hiện bất ngờ nhất, vì biến bất lợi thành lợi thế. Chỉ mới có 9 dự án điện mặt trời, điện gió đi vào hoạt động, 2 dự án điện mặt trời đang triển khai nhưng “vùng rốn” khu Lê này đã nhanh chóng góp phần xóa cơ bản khó khăn đã trùng vây hơn 45 năm qua. Bởi qua đó thúc đẩy giá đất trong vùng tăng, dân có khoản tiền lớn từ đền bù, có thêm việc làm từ các nhà máy khiến trong khoảng thời gian ngắn nhiều gia đình ở đây xây nhà đẹp với thiết kế khác lạ, mua xe con như đánh dấu sự đổi đời.

Dù vậy, với tấm lòng sắt son chung thủy nổi tiếng được hun đúc từ vùng kháng chiến, người dân ở đây vẫn không ly nông, khi tất cả đều biết ở khu Lê này đã được quy hoạch Khu nông nghiệp công nghệ cao hơn 2.000 ha. Họ quay lại đầu tư vào nông nghiệp một cách thông minh hơn ở những vùng xưa nay bỏ hoang. Họ tìm nước bằng khoan giếng, bơm nước từ bàu, đào ao tích nước trong vườn và sản xuất những cây trồng tiết kiệm nước nhưng có giá trị kinh tế cao như thanh long, dưa lưới nhà màn, các loại cây ăn quả... bên cạnh dưa lấy hạt, mè, đậu truyền thống với tổng hơn 4.500 ha.

Mặt khác, vẫn trồng cây phân tán gần 400 ha để nhiều nơi được cố định cát, chắn gió, tạo bóng mát. Còn khu vực ngoài biển thì nuôi tôm thương phẩm, nuôi cá giống, ốc hương và nuôi cá trên biển, đến giờ được hơn 30 ha. Bên cạnh lượng hải sản được đánh bắt đạt từ 700 - 1.000 tấn các loại theo kiểu sáng đi chiều về hoặc chiều đi sáng mai vào nên rất tươi ngon của hơn 200 thúng máy, ghe, xuồng.
Tất cả đã tạo ra ”bộ sưu tập” sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch muốn tham quan cảnh đẹp khác lạ, trong đó có cả những trụ điện gió khổng lồ, muốn trải nghiệm tại vườn nhà, muốn dùng và mua sản phẩm tại chỗ đem về. Thế nên, thời gian gần đây, bên cạnh trải nghiệm du lịch Bàu Trắng, Hòa Thắng còn có loại hình du lịch kết hợp nhà vườn, mà nhà vườn ở đây biết liên kết nhau nên có thêm hải sản phơi ngoài sân óng ánh dưới nắng...
Thế nên, đến giờ có thể khẳng định ở Hòa Thắng, công nghiệp, du lịch -dịch vụ, nông nghiệp đều đang phát triển nhưng không triệt tiêu nhau mà kết hợp theo kiểu nương tựa, tạo ra thế kiềng 3 chân rất vững.
Như kiềng 3 chân
Thế chân kiềng này hiện cũng đang có những điểm yếu cần khắc phục nhưng sự nổi bật giúp Đảng bộ xã Hòa Thắng thống nhất mục tiêu phát triển rất rõ. Trong những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu đặt ra trong nhiệm kỳ 2025-2030, xã xác định trước tiên, phải tập trung phát triển kinh tế nhanh, toàn diện, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế sẵn có của địa phương. Trong đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp đi đôi với đảm bảo môi trường, bằng việc khai thác có hiệu quả các tiềm năng về khoáng sản, về năng lượng tái tạo; khuyến khích các nhà máy ứng dụng công nghệ hiện đại giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường; khuyến khích đầu tư các loại hình công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy hải sản và công nghiệp phụ trợ chế biến sâu titan...
Bên cạnh cũng tập trung đẩy mạnh phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ, bằng cách khuyến khích, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế, đầu tư vào các ngành có tiềm năng phát triển mạnh tại địa phương như: du lịch sinh thái vườn, các loại hình giải trí trên biển, trên cát, dịch vụ lưu trú, ăn uống, tiêu thụ chế biến hải sản… Đồng thời, khuyến khích Nhân dân và các hộ sản xuất kinh doanh tận dụng lợi thế để mở rộng và phát triển du lịch, dịch vụ - thương mại tại nhà, chú trọng dịch vụ theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.


Mặt khác, tiếp tục đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng áp dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại, đầu tư có trọng điểm phù hợp với lợi thế và điều kiện cụ thể của địa phương theo hướng ổn định và bền vững; tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về mọi mặt trong nông nghiệp, thủy hải sản gắn với áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao... Khuyến khích đầu tư có hiệu quả các cây, con phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương đem lại giá trị kinh tế cao gắn với chăn nuôi
Trong khi đó, việc xác định khâu đột phá phát triển, cũng tập trung vào 3 nội dung. Bên cạnh huy động các nguồn lực đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của xã; đẩy mạnh chuyển đổi số là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả ở 3 lĩnh vực Công nghiệp - Thương mại, dịch vụ - Nông nghiệp.




Theo Bí thư Đảng ủy xã Hòa Thắng Nguyễn Đức Hải Tùng, nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định trong việc tiếp tục phát triển 3 trụ cột kinh tế tại xã lên tầm cao mới nên ngay sau đại hội, Đảng ủy sẽ triển khai các giải pháp để thực hiện khâu đột phá này. Không chỉ phải bảo đảm thu ngân sách theo chỉ tiêu giao năm 2025 là 166,4 tỷ đồng, đứng thứ 3 trong 124 xã, phường, đặc khu toàn tỉnh mà còn hướng đến đích cuối cùng là nâng cao đời sống người dân, thể hiện qua thu nhập bình quân đầu người phấn đấu cuối nhiệm kỳ là 80 triệu đồng/người/năm.
Các chỉ tiêu chủ yếu thực hiện trong nhiệm kỳ 2025-2030 của xã Hòa Thắng: Xây dựng và duy trì xã nông thôn mới nâng cao, hướng đến đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu sau năm 2030; thu ngân sách đạt chỉ tiêu trên giao; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hàng năm đạt chỉ tiêu trên giao; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 80 triệu đồng/năm; 100% cán bộ, công chức, đảng viên chủ động ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong nhiệm vụ chuyên môn...
Nguồn: https://baolamdong.vn/huong-den-dai-hoi-dai-bieu-dang-bo-xa-hoa-thang-lan-thu-1-nhiem-ky-2025-2030-3-tru-cot-kinh-te-canh-tranh-o-hoa-thang-383338.html
Bình luận (0)