
Người dùng Mỹ sẽ chịu nhiều thiệt hại nếu iPhone sản xuất tại quốc gia này (Ảnh: ST).
Nỗ lực của Tổng thống Donald Trump đang đối mặt với vô số thách thức, từ những con ốc vít nhỏ xíu tưởng chừng đơn giản đến các rào cản pháp lý và kinh tế khổng lồ.
Mồi nhử thuế quan và giấc mơ việc làm tại Mỹ
Tổng thống Donald Trump mới đây cho biết, sẽ áp mức thuế lên đến 25% đối với iPhone và các dòng điện thoại thông minh khác nếu chúng không được sản xuất tại Hoa Kỳ.
Mục tiêu của ông rất rõ ràng: Đưa việc làm sản xuất công nghệ cao trở lại sân nhà.
"Nếu không thì sẽ không công bằng. Tôi đã trao đổi với CEO Tim Cook và ông ấy nói sẽ không làm điều này. Tim cho biết Apple đến Ấn Độ để xây dựng nhà máy. Tôi nói rằng việc đến Ấn Độ là ổn nhưng bạn sẽ không bán được sản phẩm vào Hoa Kỳ nếu không có thuế quan".
Ý tưởng đưa hàng triệu công việc lắp ráp iPhone về Mỹ, bao gồm cả việc "vặn những con ốc nhỏ xíu", ban đầu được Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick mô tả là sẽ tự động hóa, tạo ra việc làm cho thợ máy, thợ điện tay nghề cao.
Tuy nhiên, sau cuộc trao đổi với Tim Cook, chính ông Lutnick cũng phải thừa nhận một sự thật phũ phàng: Công nghệ robot hiện tại vẫn "chưa có sẵn" để đạt được quy mô và độ chính xác cần thiết cho việc lắp ráp iPhone tại quốc gia này.
Các luật sư và giáo sư thương mại cho biết, cách nhanh nhất để chính quyền Tổng thống Trump gây sức ép lên Apple thông qua thuế quan là sử dụng cơ chế pháp lý tương tự khi áp thuế đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu.
Đây được gọi là Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế, cho phép tổng thống thực hiện hành động kinh tế sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp gây ra mối đe dọa bất thường và đặc biệt đối với Hoa Kỳ.
Bà Sally Stewart Laing (Akin Gump - công ty luật đa quốc gia Mỹ) cho biết: "Không có thẩm quyền pháp lý rõ ràng để áp thuế riêng lẻ lên một công ty. Hơn nữa, việc chỉ nhắm vào Apple có thể mang lại lợi thế cạnh tranh cho các hãng điện thoại quan trọng khác và trớ trêu thay nó lại làm suy yếu mục tiêu của tổng thống Trump".
Giáo sư Tim Meyer từ Đại học Duke nhận định, nếu chính quyền Tổng thống Trump thắng kiện trong một vụ việc tương tự đang được Tòa án Thương mại Quốc tế xem xét thì tổng thống sẽ không gặp khó khăn khi đưa ra lý do khẩn cấp để áp thuế đối với sản phẩm iPhone nhập khẩu của Apple.
iPhone sẽ có giá 3.500 USD?
Ngay cả khi vượt qua được rào cản công nghệ và pháp lý, "bức tường" kinh tế vẫn sừng sững.
Nhà phân tích Dan Ives (Wedbush) ước tính, việc chuyển toàn bộ sản xuất iPhone sang Mỹ có thể mất tới một thập kỷ và đẩy giá mỗi chiếc iPhone lên mức không tưởng: 3.500 USD, so với khoảng 1.200 USD cho mẫu cao cấp nhất hiện nay.
"Chúng tôi tin rằng ý tưởng Apple sản xuất iPhone tại Hoa Kỳ là một câu chuyện cổ tích không khả thi", ông Ives thẳng thắn bình luận.
Đồng quan điểm, Giáo sư kinh tế Brett House (Đại học Columbia) cho rằng thuế quan sẽ làm phức tạp chuỗi cung ứng, tăng chi phí tài chính cho Apple và cuối cùng tất cả những điều này đều không có lợi cho người tiêu dùng Mỹ.
Từ "những con ốc vít nhỏ xíu" đến chi phí sản xuất khổng lồ và những phức tạp về pháp lý, giấc mơ iPhone "Made in USA" của Tổng thống Trump dường như còn rất xa vời.
Và nếu nó trở thành hiện thực bằng các biện pháp áp thuế, người tiêu dùng Mỹ rất có thể sẽ là người phải trả giá đắt nhất.
Nguồn: https://dantri.com.vn/cong-nghe/iphone-san-xuat-tai-my-apple-se-gap-kho-tu-nhung-con-oc-vit-nho-xiu-20250525094535889.htm
Bình luận (0)