Thực hiện Nghị quyết số 22 ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về Hội nhập Quốc tế, Vĩnh Phúc đã cụ thể hóa các nội dung yêu cầu của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thông qua việc ban hành nhiều chương trình, kế hoạch triển khai. Qua đó, tạo điều kiện thu hút đầu tư, giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu. Mặc dù vậy, việc tham gia thực hiện, khai thác lợi thế từ các FTA trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, đòi hỏi cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để tận dụng các ưu đãi, góp phần tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK).
Công ty Cổ phần Tập đoàn Vitto (KCN Tam Dương II- Khu A) không ngừng cải thiện mẫu mã sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Lượng
Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 500 doanh nghiệp XNK. Những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và sự suy giảm sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình XNK. Tuy nhiên, nhờ tận dụng cơ hội từ các FTA mang lại, ngoài việc tiếp tục nâng cao tay nghề cho người lao động, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ sản xuất, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Nhờ đó, 9 tháng năm 2023, tổng kim ngạch XNK của tỉnh đạt gần 22 tỷ USD, tăng 5,09% so với cùng kỳ; trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 11,8 tỷ USD, tăng 10,49% và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 10 tỷ USD, giảm 0,61% so với cùng kỳ năm 2022.
Ước năm 2023, tổng kim ngạch XNK của tỉnh đạt hơn 31 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt gần 17 tỷ USD, tăng 6,45% và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 14 tỷ USD, tăng 0,06% so với năm 2022.
Đóng góp quan trọng cho kim ngạch xuất khẩu phải kể đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng xe máy nguyên chiếc, linh kiện phụ tùng xe máy; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện, phụ tùng ô tô; gỗ và sản phẩm từ gỗ; hàng dệt may...
Thị trường xuất khẩu chủ yếu tập trung vào các quốc gia như Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước trong Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)…
Đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Vitto (KCN Tam Dương II - Khu A) cho biết: Từ đầu năm 2023 đến nay, do ảnh hưởng của xung đột quân sự ở một số quốc gia, giá cả một số hàng hóa, nguyên liệu đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất và phân phối sản phẩm gạch ốp lát.
Nhờ sự đồng hành, hỗ trợ tạo điều kiện của tỉnh trong việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi SXKD đã giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Vitto có thêm động lực, mạnh dạn đầu tư, đổi mới trang thiết bị sản xuất, tạo ra các sản phẩm gạch ốp lát có mẫu mã đẹp, chất lượng vượt trội, đáp ứng được nhiều thị trường khó tính...
Nhờ đó, không chỉ lấy lại đà tăng trưởng, sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi tại hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước với hơn 120 nhà phân phối mà các sản phẩm của công ty đã có mặt tại nhiều quốc gia như Thái Lan, Lào, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Indonesia, Mỹ, Hàn Quốc… với hơn 20 nhà phân phối ở nước ngoài. 9 tháng năm 2023, doanh thu của công ty đạt hơn 2.300 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 1.500 lao động.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng, việc tham gia thực hiện các FTA trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế do phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô nhỏ, tính chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế chưa cao; việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe, các hàng rào kỹ thuật thương mại vẫn là thách thức lớn cho hàng xuất khẩu của tỉnh. Bên cạnh đó, môi trường thu hút đầu tư kinh doanh vẫn còn một số điểm nghẽn chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế...
Để tiếp tục thực hiện đồng bộ và khai thác hiệu quả các FTA thế hệ mới, UBND tỉnh chỉ đao các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi thuận lợi cho hoạt động SXKD phát triển; triển khai thực hiện hiệu quả các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia ký kết như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương Quốc Anh (UKVFTA) giúp cán bộ, các tổ chức và doanh nghiệp nắm bắt và vận dụng linh hoạt, hiệu quả.
Chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương kịp thời rà soát, cụ thể hoá, hoàn thiện các quy định, chính sách hỗ trợđể triển khai thực hiện các FTA đạt hiệu quả hơn; hỗ trợ xuất khẩu tìm hiểu thông tin xuất nhập khẩu liên quan đến các đối tác FTA với Việt Nam và các thị trường tiềm năng, giúp doanh nghiệp thay đổi phương thức cung ứng hàng hóa, phù hợp với yêu cầu của chuỗi cung ứng thị trường trong thời kỳ mới.
Hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu hưởng ưu đãi thuế quan của các FTA đã có hiệu lực mà Việt Nam là thành viên vào thị trường Trung Quốc, thị trường các nước ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản và thị trường các nước trong Liên minh Kinh tế Á - Âu...
Lưu Nhung
Nguồn
Bình luận (0)