 |
Ẩn mình nơi dãy Trường Sơn hùng vĩ, Vườn Quốc gia Hin Nam No (Lào) không chỉ là thiên đường đa dạng sinh học quý hiếm, mà còn là nơi lưu giữ mối gắn kết thiêng liêng giữa con người và thiên nhiên. Trong ảnh: Voọc đen. (Nguồn: Vườn Quốc gia Hin Nam No) |
 |
Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 13/7, tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới diễn ra tại Paris (Pháp), UNESCO đã chính thức thông qua quyết định điều chỉnh ranh giới Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình, Việt Nam) để bao gồm cả Vườn quốc gia Hin Nam No (Khammouane, Lào). |
 |
Tên gọi của di sản liên biên giới đầu tiên giữa hai quốc gia là “Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam No”. Quyết định mang tính bước ngoặt này không chỉ nâng tầm giá trị toàn cầu của khu vực dãy Trường Sơn, mà còn mở ra cơ hội hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái bền vững. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
 |
Tọa lạc tại tỉnh Khammouane, miền Trung Lào, Hin Nam No trải rộng trên diện tích hơn 94.000 ha, tiếp giáp trực tiếp với Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng của Việt Nam. Hai khu bảo tồn hợp thành vùng rừng đá vôi liền mạch lớn nhất thế giới, một phần của dãy Trường Sơn hùng vĩ. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
 |
Vườn Quốc gia Hin Nam No không chỉ là thiên đường đa dạng sinh học quý hiếm, mà còn là nơi lưu giữ mối gắn kết thiêng liêng giữa con người và thiên nhiên. Từ những cánh rừng nguyên sinh, hệ thống hang động kỳ vĩ đến nét văn hóa bản địa đặc sắc, tất cả hòa quyện tạo nên một bức tranh tổng thể đầy mê hoặc cho bất kỳ ai ưa khám phá. (Nguồn: GIZ ProFEB) |
 |
Tên gọi “Hin Nam No” mang nghĩa “đỉnh núi nhọn như măng tre” – một cách mô tả chính xác về địa hình hiểm trở, với các khối núi đá vôi dựng đứng, cao đến 300 mét, xen lẫn các thung lũng hẻo lánh, tạo nên môi trường sống biệt lập - nơi nhiều loài sinh vật tiến hóa độc lập suốt hàng triệu năm. (Nguồn: Vườn Quốc gia Hin Nam No) |
 |
Không chỉ nổi bật bởi cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, nơi đây còn là một trong những khu vực có giá trị bảo tồn cao nhất thế giới. Với vị trí nằm trong “điểm nóng đa dạng sinh học Indo-Burma”, Hin Nam No là nơi cư ngụ của hơn 1.500 loài thực vật và 536 loài động vật có xương sống, trong đó có nhiều loài đặc hữu, có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu như cu li nhỏ, cu li Bengal, voọc chà vá chân đỏ hay tê tê Sunda. Trong ảnh: Cu li chậm Bengal. (Nguồn: Vườn Quốc gia Hin Nam No) |
 |
Nếu phải chọn một điểm nhấn đặc biệt nhất trong Hin Nam No, thì đó chắc chắn là hang Khoun Xe – tên địa phương của hang Xe Bang Fai. Dòng sông ngầm Xe Bang Fai đã đục khoét đá vôi suốt hàng triệu năm, tạo nên hệ thống hang động sông ngầm hoạt động lớn nhất từng được ghi nhận, với chiều dài 6,4 km, rộng trung bình 76 m và cao đến 120m. (Nguồn: GIZ ProFEB) |
 |
Bên trong hang là thế giới của những dải thạch nhũ như rèm buông, hồ nước bậc thang dài tới 61m, cùng vô số cấu trúc địa chất độc đáo. Ngoài cửa hang là hồ nước rộng 200m, được người dân bảo tồn làm khu sinh sản cá, đóng vai trò quan trọng trong sinh kế địa phương. (Nguồn: GIZ ProFEB) |
 |
Với độ che phủ rừng lên đến 94%, Hin Nam No sở hữu ba kiểu rừng chính: rừng thường xanh trên sườn núi đá vôi, rừng độ cao trên nền đá sa thạch và rừng đá vôi trên đỉnh núi. Mỗi kiểu rừng là một thế giới riêng với đặc điểm thực vật và động vật độc đáo. (Nguồn: GIZ ProFEB) |
 |
Hệ sinh thái trong hang cũng rất đặc biệt với các loài cá, nhện khổng lồ, dơi nếp mũi, bọ cạp và các loài thích nghi đặc hữu. Phân dơi là nguồn dinh dưỡng chính cho chuỗi thức ăn khép kín bên trong hang. Bên cạnh đó, truyền thuyết dân gian kể rằng nơi đây có linh hồn bảo hộ, từng giúp sửa nhạc cụ, cho mượn quần áo lễ, và được người dân kính cẩn tế lễ hằng năm. Trong ảnh: Loài dơi nếp mũi. (Nguồn: GIZ ProFEB) |
 |
Hơn 1.500 loài thực vật có mạch đã được ghi nhận, trong đó có nhiều loài đặc hữu và mới phát hiện như Caper Hin Nam No, Begonia Khammouane hay Hoya aphylla. Khoảng 280 loài thực vật được cộng đồng sử dụng làm thuốc, nhưng chỉ 18% được trồng, phần lớn hái từ tự nhiên – đặt ra yêu cầu bảo tồn khẩn thiết. (Nguồn: GIZ ProFEB) |
 |
Là một trong những vùng sinh học quan trọng bậc nhất Đông Nam Á, Hin Nam No là nơi cư trú của hơn 800 loài động vật có xương sống. Linh trưởng là nhóm nổi bật với ít nhất 10 loài, trong đó có voọc chà vá chân đỏ, vượn má trắng phương Nam, cu li nhỏ và năm loài khỉ đuôi dài quý hiếm. Trong ảnh: Hai mẹ con voọc chà vá chân đỏ. (Nguồn: Vườn Quốc gia Hin Nam No) |
 |
Bẫy ảnh ghi nhận nhiều loài hươu quý, thú ăn thịt như mèo rừng, chồn cổ vàng, gấu và rái cá. Ngoài ra, có tới 41 loài dơi sinh sống trong hệ thống hang động – đóng vai trò quan trọng trong cân bằng sinh thái. Hin Nam No còn sở hữu trên 90 loài bò sát và lưỡng cư, trong đó có kỳ giông Lao Knobby – một trong hai loài kỳ giông duy nhất của Lào. Trong ảnh: Kỳ giông Lào. (Nguồn: GIZ ProFEB) |
 |
Bên cạnh giá trị tự nhiên, Hin Nam No là nơi sinh sống của các cộng đồng bản địa như Phoutai, Makong, Tri, Ruc, Arem, Salang… vốn gắn bó với rừng hàng thế kỷ. Họ sở hữu tri thức bản địa phong phú về săn bắt, hái lượm, thuốc nam và nghi lễ truyền thống. (NNguồn: GIZ ProFEB) |
 |
Người Salang, từng sống sâu trong rừng, có kỹ thuật tìm nước hiếm có, làm rượu từ lá cọ và sử dụng hơn 200 loài cây thuốc. Việc bảo tồn tri thức này có ý nghĩa lớn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và suy thoái tài nguyên. Trong ảnh: Phụ nữ Salang. (Nguồn: GIZ ProFEB) |
 |
Với hệ sinh thái đặc hữu, giá trị sinh học độc đáo và văn hóa bản địa lâu đời, Hin Nam No không chỉ là báu vật của nước Lào mà còn là tài sản chung của nhân loại. Việc trở thành một phần trong Di sản Thiên nhiên Thế giới liên biên giới với Việt Nam là bước ngoặt quan trọng, mở ra tiềm năng hợp tác bảo tồn và phát triển bền vững. Trong ảnh: Cầy vòi hương. (Nguồn: Vườn Quốc gia Hin Nam No) |
 |
Việc quản lý di sản liên biên giới đã được hai nước thống nhất từ nhiều năm với các hoạt động phối hợp tuần tra, thực thi pháp luật và bảo vệ rừng. Bộ trưởng Văn hóa Lào bày tỏ niềm tự hào và cam kết hợp tác chặt chẽ với Việt Nam. Trong ảnh: Bẫy ảnh ghi lại ảnh của một con mèo báo. (Nguồn: GIZ ProFEB) |
 |
PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, khẳng định thành công này là kết quả của sự chỉ đạo từ Chính phủ và sự phối hợp liên ngành, liên quốc gia hiệu quả. Trong thời gian tới, Việt Nam và Lào sẽ tiếp tục xây dựng khung pháp lý chung, đánh giá sức tải du lịch và triển khai các biện pháp bảo vệ di sản khỏi các nguy cơ đe dọa. (Nguồn: Vườn Quốc gia Hin Nam No) |
Nguồn: https://baoquocte.vn/kham-pha-vuon-quoc-gia-hin-nam-no-di-san-lien-bien-gioi-dau-tien-cua-lao-320994.html
Bình luận (0)