Từ đầu năm đến nay, nhiều vụ hàng giả, hàng kém chất lượng với số lượng khủng bị phát hiện khiến dư luận hoang mang. Theo số liệu của Tổng cục Quản lý thị trường, trong quý I/2025, lực lượng này đã kiểm tra gần 20.000 vụ việc, phát hiện hơn 3.500 vụ liên quan đến hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, với tổng trị giá hàng hóa vi phạm lên đến hàng trăm tỉ đồng. Chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2025, các đơn vị, địa phương bắt giữ, xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm trong sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
Thế nhưng, những con số trên vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Điều khiến dư luận không khỏi băn khoăn là vì sao có những tụ điểm sản xuất, buôn bán hàng giả tồn tại nhiều năm mà không bị xử lý? Vì sao có những tuyến đường vận chuyển hàng lậu được coi là “điểm đen” nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động?
Một thực tế đáng suy ngẫm là hàng giả, hàng nhái không thể ngang nhiên tồn tại nếu một bộ phận cán bộ, công chức, trong đó có người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, thậm chí tiếp tay cho sai phạm.
Mới đây, việc ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi nhận hối lộ và tiếp tay cho doanh nghiệp vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng phần nào giải đáp cho những câu hỏi trên của dư luận.
Theo lời khai ban đầu, người đứng đầu đơn vị bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân đã nhận tiền và cấp chứng nhận GMP, hậu kiểm... cho 2 nhà máy MediPhar và MediUSA thuộc Công ty MediUSA do Nguyễn Năng Mạnh (36 tuổi) - người cầm đầu đường dây sản xuất và buôn bán hàng trăm tấn thực phẩm giả - làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Hoạt động của công ty này kéo dài trong 9 năm trước khi bị lực lượng chức năng phát hiện. Trước ma trận hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bủa vây, lực lượng tưởng chừng là lá chắn bảo vệ sức khỏe cho người dân lại chạy theo đồng tiền để vi phạm xảy ra. Nhận được sự bảo kê đó nên không có nơi nào hàng giả lại không len lỏi, xâm nhập được.
Đây không chỉ là vụ việc cá biệt, cũng không phải là lĩnh vực duy nhất có sự tiếp tay của người đứng đầu cho hành vi vi phạm. Lâu nay, hàng loạt cán bộ từng giữ vai trò lãnh đạo đầu ngành, đầu tỉnh cũng vướng vòng lao lý vì tiếp tay, bao che hoặc trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Những vụ việc này đều có điểm chung: người đứng đầu - thay vì là tấm gương về kỷ cương, đạo đức và tận tụy - lại trở thành người thao túng hệ thống vì lợi ích riêng. Mặc dù các vụ việc sau khi bị phát hiện đã được xử lý nghiêm minh nhưng sự xói mòn niềm tin trong dân thì rất lâu mới có thể hồi phục.
Hàng giả, hàng nhái từ lâu đã trở thành nỗi nhức nhối của nền kinh tế, là mối nguy hại với sức khỏe Nhân dân và vết rạn trong lòng tin vào thể chế quản lý. Việc phát động đợt cao điểm toàn quốc phòng, chống hàng giả, hàng nhái khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc lập lại trật tự thị trường và siết chặt kỷ cương công vụ.
Nhiều nhiệm vụ được giao cụ thể cho từng ngành, từng đơn vị và huy động sự vào cuộc của toàn xã hội trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái. Cùng với nhiều lực lượng khác, các cơ quan thông tấn báo chí được yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền về kết quả đợt cao điểm; biểu dương những tấm gương tích cực, cách làm hay của các bộ, ngành, địa phương và Nhân dân; phê phán những hành vi tiêu cực, thiếu tinh thần trách nhiệm.
Nhưng để đợt cao điểm không biến thành phong trào hình thức, điều tiên quyết là phải truy trách nhiệm đến cùng đối với người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng buông lỏng, bao che hoặc tiếp tay cho hành vi gian lận thương mại. Chúng ta không thể hô hào “chống hàng giả vì người tiêu dùng” nếu vẫn còn những cán bộ coi thường pháp luật, nhân nhượng cái sai hay sẵn sàng đổi lợi ích cộng đồng lấy lợi ích cá nhân.
Sinh thời, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: “Chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Nếu không giữ được mình thì tác hại không chỉ một cá nhân, mà là tổn thất niềm tin của Đảng, của Nhân dân”.
Một hệ thống chỉ vững mạnh khi người đứng đầu giữ được đạo đức, giữ được lòng trong. Mỗi cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, trước hết phải là người biết giữ mình. Bài học từ các vụ việc đau xót vừa qua cần được nhìn nhận nghiêm túc để làm tốt hơn về công tác cán bộ, chọn người có đức, có tâm, không để những đối tượng “đội lốt công bộc” len lỏi vào bộ máy.
Thực tiễn cho thấy, nơi nào người đứng đầu vào cuộc quyết liệt, minh bạch thì nơi đó kỷ cương được thiết lập, thị trường lành mạnh hơn. Ngược lại, nơi nào cán bộ né tránh trách nhiệm thì ở đó hàng giả hoành hành, người dân chịu thiệt. Nếu không dám làm rõ trách nhiệm, không xử lý nghiêm minh, đợt cao điểm chỉ là ngọn lửa cháy bùng rồi nguội tắt.
Do đó, song song với việc siết chặt kiểm tra, cần thiết lập cơ chế giám sát độc lập, minh bạch hóa trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt là chủ tịch UBND cấp huyện, trưởng các phòng ban chuyên môn, lãnh đạo lực lượng chức năng tại địa phương. Đồng thời phải có hình thức xử lý nghiêm khắc nếu phát hiện hành vi tiếp tay, bao che, cố tình làm ngơ cho vi phạm trong lĩnh vực này.
Mai Lâm
Nguồn: https://baoquangtri.vn/khi-nguoi-dung-dau-tiep-tay-cho-sai-pham-193830.htm
Bình luận (0)